Sau khi thoái vốn, ban lãnh đạo doanh nghiệp này rồi đây sẽ ra sao, họ có tiếp tục điều hành doanh nghiệp hay phải thay đổi ê-kíp khác.
Vai trò của ban lãnh đạo ở một doanh nghiệp (DN), nhất là DN lớn như Vinamilk, là vô cùng quan trọng, nó quyết định sự phát triển cũng như giá trị của DN. Nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư vào DN nào đó, họ không chỉ dựa vào doanh số, lợi nhuận mà họ còn muốn biết ban lãnh đạo công ty đó là ai để cân đong, đo đếm khi đầu tư.
Dây chuyền sản xuất sữa tươi tại Vinamilk
Con bò sữa tỉ đô của Vinamilk có khá nhiều thông tin nhưng chính thức như thế nào thì đến thời điểm này cũng chưa thấy. Việc thoái vốn ra sao, lúc nào thực hiện, đối tượng nào được mua, nguồn tiền thu được làm gì...? Có rất nhiều câu hỏi thắc mắc xoay quanh DN này. Muốn biết thông tin chính thức như thế nào thì phải chờ quyết định của Chính phủ sau khi Bộ Tài chính và SCIC trình lên.
Một vấn đề khá quan trọng mà thời gian qua chưa thấy ai nói là vai trò của ban điều hành Vinamilk trong công việc thoái vốn này ra sao. Họ sẽ hiện diện như thế nào, trách nhiệm, quyền hạn như thế nào. Được biết, khi nhà đầu tư định đầu tư vào công ty nào đó thì trước tiên họ quan tâm đến đội ngũ quản lý và chú ý đặc biệt đến vị tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT cũng như hoạt động kinh doanh của đơn vị mà họ muốn đầu tư. Với một DN lớn mạnh thì người đứng đầu phải tài giỏi mới đủ sức lèo lái con thuyền.
Từ đó nhà đầu tư cũng như cổ đông mới tin tưởng hợp tác với các lãnh đạo giỏi của DN, thậm chí họ tìm mọi biện pháp để giữ chân họ bằng lương bổng, cổ phiếu thưởng, tùy theo thành tích và kết quả kinh doanh. Đối với Vinamilk, một DN được xây dựng từ một công ty có vốn hóa thị trường chưa đến 100 triệu USD khi cổ phần hóa vào năm 2003 và sau đó phát triển lớn mạnh như hiện nay cần phải được ghi nhận công lao của ban lãnh đạo và có chế độ khen thưởng tương xứng với đóng góp của họ. Được biết, chưa có năm nào SCIC bỏ phiếu ủng hộ cho việc phát hành cổ phiếu thưởng cho ban lãnh đạo Vinamilk. Nếu SCIC bỏ phiếu ủng hộ thì con bò sữa này còn có giá trị cao hơn nhiều. Có thông tin SCIC có thể sửa chữa bằng việc cam kết dành một tỉ lệ nhất định số tiền thu được từ thoái vốn đó để thưởng cho ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên.
Cho đến thời điểm này cũng chưa thấy thông tin gì từ DN này, kể cả người lãnh đạo của DN lâu nay khá kín tiếng. Được biết khi có thông tin SCIC dự định thay thế bà Mai Kiều Liên thì có sự phản đối của các nhà đầu tư nước ngoài trước đại hội cổ đông của DN năm 2015. Tại sao các cổ đông muốn giữ bà Liên, vì các nhà đầu tư chuyên nghiệp đó biết phải làm gì để giá trị cổ phiếu của mình ngày một tăng và sinh lời bền vững. Các cổ đông đã lo lắng khi bà Liên công bố dự tính nghỉ hưu vào năm 2016. Từ đó cho thấy các nhà đầu tư muốn cam kết lâu dài của ban lãnh đạo trước khi họ quyết định đầu tư.
Cái khó hiện nay là lãnh đạo Vinamilk chưa thể cam kết được gì với các nhà đầu tư, cổ đông vì việc ban lãnh đạo của DN này kể cả bà Liên đi hay ở cũng chưa biết. Do đó, lãnh đạo cũng không thể cam kết được khi chưa biết cổ đông sắp tới là ai, có thống nhất được hay không. Ban lãnh đạo được chọn nhà đầu tư tương lai, nếu không các hãng sữa đối thủ nước ngoài sẽ thâu tóm là điều khó tránh khỏi. Vấn đề hiện nay là cần xác định rõ ban lãnh đạo, quyền hạn, trách nhiệm, đặc biệt là có đủ năng lực, uy tín để phát triển như mong đợi.
T.HỢP