Nhiều vụ lừa đảo trong xuất khẩu lao động

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn phiên họp thứ 13 HĐND tỉnh Nghệ An diễn ra ngày 12-12, ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay, Nghệ An là một trong số những địa phương có người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhiều nhất cả nước. Có thời điểm, tỉnh này đứng đầu cả nước về lượng người đi XKLĐ (chiếm 10%), chỉ tính năm 2014 số người đi XKLĐ là 12.300 người. Đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo, trục lợi đi XKLĐ.

Đơn cử như lực lượng công an vừa bắt giữ 3 đối tượng giả danh Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao để lừa đảo người dân các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương… đi XKLĐ tại Hàn Quốc, Canada.

DUY CƯỜNG

Gần 400 hạng mục công trình di tích chờ trùng tu

Sáng 12-12, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trả lời câu hỏi còn gần 400 hạng mục công trình di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế chưa được đầu tư trùng tu, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: Bảo tồn di sản văn hóa, nhất là công tác tu bổ và phát huy giá trị di tích là một lĩnh vực khá nhạy cảm đối với các nhà đầu tư bởi liên quan đến luật di sản, phải có ý kiến góp ý của các chuyên gia bảo tồn và áp lực từ dư luận rất lớn. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi và tôn vinh cụ thể đối với những tổ chức doanh nghiệp có đóng góp trong lĩnh vực này.

VĂN THẮNG

Nhiều dự án tại KKT Dung Quất chậm nhưng chưa xử lý

Ngày 12-12, kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nóng nhất là việc các dự án tại KKT Dung Quất chậm triển khai được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn. Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh, tại KKT Dung Quất có 38 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai thực hiện ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến tháng 7-2014 đã thu hồi 12 dự án, 3 dự án đã đi vào hoạt động, còn 23 dự án chậm tiến độ đến nay vẫn chưa xử lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Như Sô, Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất giải trình, việc các dự án triển khai chậm có nhiều nguyên nhân, UBND tỉnh, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các sở ngành địa phương liên quan đã liên tục họp cùng nhà đầu tư để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Kết quả đến nay đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc thỏa thuận địa điểm đầu tư 5 dự án. Trong thời gian tới tỉnh phải xử lý rõ ràng, dứt điểm đối với một số dự án quá lâu và chiếm diện tích đất lớn.

HÀ MINH

Rừng tự nhiên giảm 74.000ha

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Đắk Lắk vào chiều 12-12, vấn đề quản lý, bảo vệ rừng được các đại biểu đặc biệt quan tâm, đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn các cơ quan chức năng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, độ che phủ rừng của tỉnh năm 2014 là 38,63%, giảm 9,6% so với năm ngoái. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên giảm gần 74.000ha và rừng trồng giảm gần 52.000ha.

Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng, có nhiều nguyên nhân làm giảm độ che phủ rừng như: rừng bị chặt phá, chuyển đổi mục đích sử dụng; năng lực của ngành lâm nghiệp, kiểm lâm, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khác thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập...

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục