Sau những “hí hửng” trong những tháng đầu mùa mưa vì ít phải chịu cảnh ngập lụt, những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 này, người dân nhiều nơi ở TPHCM lại cảm thấy lo lắng khi tình trạng ngập lụt tái diễn với mức độ nghiêm trọng và có dấu hiệu lan rộng.
Các khu vực nội thành, đặc biệt ở vùng trũng thuộc các quận 6, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp…, mấy ngày qua người dân phải “xà quần” trên những con đường ngập nước trong nhiều giờ mỗi sáng đi làm hay chiều tan sở khi những cơn mưa xối xả diễn ra lúc cao điểm triều cường. Ở những vùng ven, nhất là khu vực hạ lưu như quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh… thời gian gần đây người dân cũng gia tăng than phiền về tình trạng nước dâng cao bất thường kéo dài so với mọi năm. Tất nhiên, ngoài việc làm tắc nghẽn giao thông, còn biết bao hệ lụy phát tác từ chuyện ngập nước.
Phải khẳng định một điều, thời gian qua Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM đã có nhiều cố gắng trong việc cải thiện hệ thống tiêu thoát nước, thu hẹp số điểm ngập trên địa bàn, giúp một số nơi thường xuyên ngập nước trước kia nay giảm cảnh lụt lội. Tuy vậy, những nỗ lực này suy cho cùng cũng còn mang tính tình huống, cục bộ, bởi thực tế cho thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng ngập lụt ở TPHCM hiện nay, mà để giải quyết căn cơ, đòi hỏi chúng ta phải căn cơ ngay từ bài toán quy hoạch.
Thực tế bất thường của thời tiết trong thời gian gần đây đang cho thấy tác động của biến đổi khí hậu không còn xa xôi mà đang tiến vào tận ngõ nhà chúng ta. Cũng như đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM có nền đất thấp, nhiều khu vực chỉ cao hơn mực nước biển từ 0,5m đến 2m. Theo tính toán của Bộ Tài nguyên - Môi trường trong một cuộc hội thảo về biến đổi khí hậu gần đây, nếu mực nước biển dâng lên 1m thì ít nhất 20% diện tích TPHCM sẽ chìm trong nước. Thực tế cho thấy, nhiều nơi trước đây dù không mưa, chỉ triều cường cũng đã ngập, nay mực nước biển dâng ngày một cao hơn, khi gặp những trận mưa bất thường vào cao điểm triều cường thì tình trạng ngập úng lan rộng là điều không thể tránh. Trong lúc vấn đề quy hoạch nói chung, quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước của TP nói riêng, chưa được thực hiện đồng bộ thì sự tắc trách của một bộ phận người dân cũng như một số đơn vị thi công các công trình hạ tầng (xả rác bừa bãi, lấp dòng chảy…) càng làm gia tăng mức độ ngập lụt.
Từ thực tế trên, nhiều người đặt câu hỏi: Ngoài việc xử lý các vấn đề mang tính tình huống, cục bộ, các dự án tiêu thoát nước nói riêng, các dự án quy hoạch nói chung, đặc biệt những dự án hạ tầng kỹ thuật đã và đang thực hiện, TP đã tính đến tác động bất thường của biến đổi khí hậu?
Trước những vấn đề bức xúc đặt ra của cử tri, tại kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa VIII khai mạc hôm nay, HĐND TP sẽ tập trung vào chuyên đề công tác quy hoạch, thực hiện và quản lý sau quy hoạch đô thị trên địa bàn TP. Cụ thể, HĐND TP sẽ nghe UBND TP báo cáo về công tác quy hoạch với các nội dung liên quan đến Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 và quy chế quản lý kiến trúc đô thị cấp 2 khu trung tâm hiện hữu, cùng với công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án… trên địa bàn.
Có thể nói rằng, mọi thứ liên quan đến đời sống chúng ta, không có thứ gì không liên quan đến quy hoạch. Quy hoạch, trong mọi lúc, mọi nơi là vấn đề vừa mang tính chiến lược, lâu dài lại vừa cụ thể, cấp bách. Đối với TPHCM, một đại đô thị, vấn đề quy hoạch được đặt ra trong lúc này càng quan trọng và cấp thiết. Bởi hàng loạt vấn đề liên quan đến đời sống người dân cũng như sự phát triển của TP đang đặt ra bức xúc, trong đó có chuyện ngập nước, đều xuất phát từ quy hoạch. Vì vậy, quy hoạch, đòi hỏi phải được xây dựng và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, có trách nhiệm; vừa phải cụ thể, phù hợp thực tế lại vừa phải có tầm nhìn xa trông rộng.
Người dân hy vọng, tại kỳ họp HĐND TPHCM lần này, những vấn đề đặt ra liên quan đến quy hoạch sẽ được bàn thảo thấu đáo, để từ đó có giải pháp rốt ráo, căn cơ, đồng bộ, hiệu quả. Chắc chắn khi vấn đề quy hoạch được giải quyết, không chỉ giúp người dân TP ổn định cuộc sống mà còn trở thành tiền đề vững chắc để TPHCM thực hiện thành công chiến lược xây dựng, phát triển TP theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa IX.
PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG