Chịu ô nhiễm khí thải đến bao giờ?

Chịu ô nhiễm khí thải đến bao giờ?

Nhiều bạn đọc bức xúc phản ánh với đường dây nóng Báo SGGP về tình trạng các công ty, xí nghiệp hoạt động gần các khu dân cư (KDC) ở TPHCM gây tiếng ồn, thải khí làm ô nhiễm  môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe. Người dân đã gửi nhiều đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhưng không được quan tâm giải quyết.

Khổ vì  tiếng ồn, khí thải

Bà Đỗ Thị Việt Hương, ngụ tại nhà số 80 đường số 2, KDC Bình Hưng (Bình Hưng, Bình Chánh), phản ánh: Suốt 2 tháng qua, cả ngày lẫn đêm, những cỗ máy của cơ sở sản xuất nước đá Thanh Tuyền (số 82 đường số 2, ở cạnh nhà) chạy ầm ầm, làm rung chuyển nhà của bà. Phải chịu đựng những âm thanh cực lớn, sức khỏe của các thành viên trong gia đình bà bị suy giảm nghiêm trọng.

Không thể sống chung với tiếng ồn, bà Hương đã nhiều lần gửi đơn thư khiếu nại, phản ánh đến chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền đề nghị  giải quyết, nhưng từ đó đến nay, sự việc đâu vẫn còn đó.

Tương tự, người dân sống trên các tuyến đường số 1, 2 và 5 (P. An Lạc A, Q. Bình Tân) bức xúc: Nhiều năm nay, bà con cư ngụ ở đây phải hứng chịu hàng trăm thứ âm thanh hỗn tạp phát ra từ  Xí nghiệp sản xuất - TMDV tổng hợp Phú Lâm thuộc Công ty cổ phần Vật tư và Dịch vụ kỹ thuật TPHCM (66 An Dương Vương An Lạc A Bình Tân).

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, ngụ ở 33 lô V đường số 1, bức xúc nói: “Ban ngày thì chúng tôi bị tra tấn bởi âm thanh hỗn tạp của các loại máy dập, khoan, cắt, mài thép… phát ra đinh tai, nhức óc. Còn về đêm thì phải sống chung với tiếng ồn của các loại xe container, xe tải chở sắt thép chạy trên đường vang rền, không thể ngủ được…”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Xí nghiệp sản xuất - TMDV tổng hợp Phú Lâm tọa lạc trên diện tích rất rộng, mỗi ngày có hàng trăm xe tải, container tấp nập ra vào khu vực KDC nói trên. Bên trong xí nghiệp có hàng trăm máy móc hoạt động liên tục, tạo ra hàng loạt âm thanh réo rắt, ồn ào khó chịu.

Ông Phan Tạm Biệt, trưởng khu phố, cho biết: “Người dân ở đây đã phản ánh, kiến nghị chính quyền địa phương can thiệp, giải quyết nhưng chỉ nhận được câu trả lời: xí nghiệp trên hoạt động có giấy phép nên không thể xử lý được (!?)”.

Can thiệp, giải quyết chậm

Bà con ở tổ 5 KP8 P.Trường Thọ Q.Thủ Đức cũng phản ánh: Hàng chục năm nay người dân phải sống chung với khí thải nặc nồng mùi hóa chất, tiếng ồn lớn từ Nhà máy điện Thủ Đức và Nhà máy thép Thủ Đức. Nằm xung quanh 2 nhà máy này là các KDC của P.Trường Thọ, nơi có mật độ dân cư sinh sống rất đông.

Một lò gạch ở đường Nguyễn Văn Tăng Q9 xả khói đen mù trời. Ảnh: T.V.
Một lò gạch ở đường Nguyễn Văn Tăng Q9 xả khói đen mù trời. Ảnh: T.V.

Ông Trần Trung Kiên, ngụ tại  đường số 2 (P. Trường Thọ), cho biết: “Rất nhiều người dân ở đây đã phát bệnh vì hít phải khói thải ô nhiễm của 2 nhà máy trên”. Hiện nay, với lượng khói thải lớn thoát ra từ  3 ống khói của Nhà máy điện Thủ Đức, bầu khí quyển ở khu vực xung quanh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và sức khỏe của người dân bị đe dọa.

Bức xúc trước thực trạng phải sống chung với khí thải ô nhiễm, bà con ở KP8 đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp can thiệp, giải quyết yêu cầu của họ nhưng đến nay vẫn phải… chờ.

Người dân sống dọc các tuyến đường Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Xiển thuộc các phường Long Thạnh Mỹ, Long Bình (Q9) cũng than phiền vì phải sống chung với khói bụi, khí  thải ô nhiễm từ  các lò gạch tư nhân hoạt động trên địa bàn. “Mỗi khi chủ lò gạch nổi lửa là từng đám khói đen bay mù trời, mùi khét lan tỏa khắp cả vùng. Người lớn ngửi riết cũng khó thở, còn trẻ con thì liên tục bị ho hen, khò khè” – chị Nguyễn Thanh Hạ, sống gần lò gạch tại giao lộ Nguyễn Văn Tăng và Lê Văn Việt, bức xúc.

Nhiên liệu mà hầu hết các chủ lò gạch dùng để đốt lò chủ yếu là các loại phế phẩm, dầu, khí đốt,… Do vậy khi hoạt động, các lò gạch luôn thải ra lượng khói đen xì, hôi nồng nặc, rất độc đối với con người. Chỉ riêng hai phường Long Thạnh Mỹ và Long Bình đã có trên 70 lò gạch lớn nhỏ của tư nhân hoạt động, xả khói gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Mặc dù TPHCM đã có chủ trương di dời các công ty, nhà máy, xí nghiệp, nhà xưởng sản xuất ra khỏi các KDC nhằm tránh gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, nhưng do tiến độ thực hiện chậm và thiếu kiên quyết nên người dân vẫn phải cam chịu, phải sống với tiếng ồn, khí thải.

Nỗi bức xúc này bao giờ mới được giải quyết?


TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục