Thu phí, lệ phí chưa rõ ràng

Các khoản phí, lệ phí được miễn

Ngày 1-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/2007/CT-TTg về việc bỏ thu một số loại phí, lệ phí và một số loại quỹ huy động trong dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã không thực hiện nghiêm túc chỉ thị này. Nhiều bạn đọc gửi thư, điện thoại đến Báo SGGP thắc mắc: Nhà nước bãi bỏ thu khoản nào, khoản nào người dân còn đóng góp?

Theo Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí, chính sách huy động, sử dụng các khoản đóng góp của dân đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn những tồn tại như: một số địa phương chậm bãi bỏ các khoản phí, lệ phí không đúng quy định; một số khoản phí, lệ phí được ban hành không đúng thẩm quyền, không phù hợp với quy định; một số nơi vẫn còn huy động đóng góp của dân ở mức cao, không phù hợp với thu nhập của người dân, nhất là đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; một số khoản huy động đóng góp chưa được lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi ban hành; một số khoản huy động mang tính chất xã hội từ thiện, vận động đóng góp tự nguyện nhưng lại mang tính bắt buộc...

Để khắc phục tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương bãi bỏ ngay những khoản thu phí, lệ phí không có tên trong danh mục. Còn đối với các khoản phí, lệ phí có tên trong danh mục nhưng chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền hướng dẫn thì chưa được phép thu, không được vận dụng mức thu của các khoản phí, lệ phí khác có tính chất tương tự để thu. Trường hợp địa phương đã tổ chức thu thì phải dừng ngay. Đồng thời đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí chưa hợp lý, chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. HĐND, UBND các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng. Phải rà soát, bãi bỏ ngay các văn bản huy động đóng góp của dân không đúng quy định trước đây. Phải công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của dân. Các địa phương phải kiểm tra và xử lý tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các quy định đã nêu. Đến ngày 30-11-2007, nếu tỉnh, TP nào còn các khoản phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Thế nhưng, thực tế vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc chỉ thị này, nhất là việc huy động sức dân đóng góp cho xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các khoản phí, lệ phí được miễn

Người dân được miễn đóng phí an ninh trật tự, phí phòng chống thiên tai, lệ phí hộ tịch, hộ khẩu, CMND (khi đăng ký lần đầu, cấp mới, thay mới theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với khai sinh-khai tử, kết hôn; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi, bổ sung hộ tịch; cấp sổ hộ khẩu gia đình, cấp giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, cấp giấy đăng ký tạm trú có thời hạn, cấp giấy CMND).

Miễn lệ phí địa chính khi cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn hoặc sản xuất nông lâm ngư nghiệp, trừ hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc TP trực thuộc trung ương và các phường nội thành thuộc TP, thị xã trực thuộc tỉnh.

ĐĂNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục