Người dân lên tiếng

“Hành”... khách ở bến xe miền Đông?

“Hành”... khách ở bến xe miền Đông?

Sáng 1-8, tôi cùng người bạn ra bến xe miền Đông mua vé đi thị xã Lagi (tỉnh Bình Thuận), giá vé là 50.000 đồng/người. 9 giờ sáng, chúng tôi ra xe biển số 53S-3814, hỏi chủ xe khi nào xuất bến, anh ta trả lời là 15 phút nữa. Chúng tôi ngồi chờ mãi đến hơn 10 giờ xe mới chịu nổ máy. 11 giờ kém, xe chưa chạy mà đợi chất hàng. Trong lúc hành khách phản đối thì tài xế thoải mái đi… ăn cơm trưa. 11 giờ 15, xe mới bắt đầu chạy như… rùa.
 
12 giờ, rồi 1 giờ chiều trôi qua, hỏi tài xế sao không ngừng cho hành khách ăn cơm thì được trả lời: “Xe sẽ chạy tới nơi luôn”. Oái ăm là lúc sáng, vì nghe hù: “15 phút nữa là xe chạy” nên chúng tôi không dám đi ăn cơm trưa. Thật kinh khủng khi tài xế lầm lì không giải thích cho hành khách, mà vừa chạy xe vừa thoải mái… nhắn tin (ảnh).

Tài xế vừa lái xe vừa nhắn tin

Tài xế vừa lái xe vừa nhắn tin

Vì thế, xe đến Lagi lúc… 17 giờ, tức mất 7 giờ cho hành trình chưa tới 200km!

Đến 18 giờ hôm sau (ngày 2-8), chúng tôi đến nhận chiếc xe máy gởi tại bãi xe của bến, nhân viên giữ xe định giá là 10.000 đồng. Anh ta giải thích: “Ban ngày giá giữ xe là 2.000đồng/chiếc, một ngày một đêm là 5.000 đồng” và dù chưa qua đêm thứ hai, anh ta vẫn “tính tròn”… 10.000 đồng.

Bên cạnh đó, việc giữ nón bảo hiểm cho khách vẫn còn nhiều phiền hà. Sau khi chúng tôi đưa giấy gửi nón, anh nhân viên phải hỏi lại khách là nón màu gì, rồi loay hoay mất nửa tiếng mới tìm ra. Rồi anh nhân viên này hét giá: “Mỗi ngày giữ nón là 2.000 đồng, hai ngày là 4.000 đồng. Anh gửi hai nón là 8.000 đồng, nhưng chưa đến tối nên giảm giá là…7.000 đồng”.

Bất hợp lý ở chỗ phí giữ nón bảo hiểm không thể bằng giá gửi một xe máy (ban ngày) được. Đề nghị Ban Giám đốc Bến xe miền Đông cần chấn chỉnh những điều “hành”… khách nói trên, ể “thượng đế” khỏi buồn lòng.

DIỆU HOÀN (Nguyễn Xí, phường 13,quận Bình Thạnh TPHCM)


“Khai tử” thẻ đi xe buýt?

Theo thông tin ghi trên hai tờ giấy A4 ở một góc khuất tại Trung tâm vận tải hành khách công
cộng Bến Thành, từ ngày 1-9 tới, mạng lưới xe buýt trợ giá sẽ “khai tử” thẻ đi xe buýt.
Đây là thông tin ảnh hưởng đến nhiều người đang sử dụng thẻ xe buýt, nhưng ngoài trung tâm, những nơi khác không có bất cứ thông tin gì về việc này.

Thẻ xe buýt bước đầu đã xây dựng cho người dân thói quen sử dụng xe buýt, giảm đáng kể lượng phương tiện giao thông cá nhân trên đường. Với bất cứ lý do gì, việc “khai tử” thẻ xe buýt là bước lùi trong việc quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng.
 
Theo Cục Đường bộ, trong khi vé trợ giá cho hành khách tại Hà Nội là 800 đồng/hành khách thì TPHCM là 1.783 đồng, thẻ đi xe buýt tại TPHCM cao nhất là 155.000 đồng, tại Hà Nội chưa đến 100.000 đồng. Sự chênh lệch này đáng để cho những nhà hoạch định chiến lược phát triển xe buýt TPHCM suy ngẫm.

Cho đến nay, TPHCM vẫn chưa có một báo cáo kiểm toán công khai nào về tình hình sử dụng nguồn vốn trợ giá cho xe buýt và cơ cấu sử dụng nguồn đầu tư này. Xe buýt hàng năm ngốn của TPHCM số tiền bao cấp khổng lồ, nhưng bao nhiêu năm trôi qua, xây dựng một hệ thống quản lý xe buýt phù hợp với tầm vóc của TPHCM văn minh, hiện đại vẫn còn là bài toán khó đối với mạng lưới xe buýt lắm bệnh nhiều tật.
 
“Khai tử” thẻ đi xe buýt đồng nghĩa với việc hàng tỷ đồng của người mua thẻ sẽ bị mất vô ích. Dư luận đang đặt câu hỏi, không biết việc âm thầm “khai tử” thẻ đi xe buýt có phù hợp với chủ trương phát triển hệ thống xe buýt thân thiện để giảm số lượng xe cá nhân tham gia giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường?
 

MAI THANH HÀ

Tin cùng chuyên mục