Nhà máy thừa nước, dân vẫn khát

Mùa khô năm nay, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn TPHCM phải than trời vì tình trạng khan hiếm nước sạch. Người dân phải tìm mua những can nước đắt đỏ để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, nghịch lý là một số nhà máy nước với công suất lớn được xây dựng xong nhưng chưa thể đưa nước sạch đến với người dân vì thiếu đường ống dẫn nước…
Nhà máy thừa nước, dân vẫn khát

Mùa khô năm nay, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn TPHCM phải than trời vì tình trạng khan hiếm nước sạch. Người dân phải tìm mua những can nước đắt đỏ để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, nghịch lý là một số nhà máy nước với công suất lớn được xây dựng xong nhưng chưa thể đưa nước sạch đến với người dân vì thiếu đường ống dẫn nước…

Có nước, chờ ống!

Theo Công ty cổ phần Cấp nước Kênh Đông, hiện nay hạng mục hồ chứa nước (thuộc dự án xây dựng Nhà máy nước Kênh Đông, huyện Củ Chi) 1,25 triệu m³ đã hoàn thành xong, theo kế hoạch cuối năm 2009 sẽ vận hành cấp phát nước sạch với công suất 200.000m³/ngày… Thế nhưng, hệ thống tuyến ống chính dẫn nước sạch từ nhà máy dài hơn 8km đang bị điều chỉnh và cũng chưa thể triển khai. Do đó, chưa biết khi nào có thể phát nước sạch đến người dân.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2004 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, kế hoạch phát nước vào cuối năm 2009.

Theo thiết kế ban đầu, tuyến ống dẫn nước sạch dài 8km sẽ đi theo hướng từ Nhà máy nước Kênh Đông chạy dọc dưới mặt đường Tam Tân (kênh Thầy Cai) về Nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) để hòa vào mạng lưới đường ống dẫn nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cung cấp nước sạch đến người dân.

Nhưng khi dự án lắp đặt tuyến ống dẫn nước sắp triển khai thì UBND huyện Củ Chi ra thông báo tạm ngưng vì kênh Thầy Cai sẽ được mở rộng theo quy hoạch… Do đó, tuyến ống được điều chỉnh với khoảng 1,8km đường ống đi qua phần đất của Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc.

Thế nhưng, tháng 7-2007, Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc thông báo cần phải di dời 1,8km tuyến ống trên vì trùng dự án phát triển sân golf, mặc dù dự án này có sau dự án Nhà máy nước Kênh Đông. Hướng tuyến ống dẫn nước tiếp tục được điều chỉnh đi dọc theo ranh sân golf để nối vào đường D4, được Bộ Xây dựng và Phó Chủ tịch UBND TPHCM lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Tín chấp thuận. Tháng 6-2008, Văn phòng UBND TP có công văn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP là “không để tuyến ống cấp nước đi trên đường D4 trong Khu công nghiệp Tân Phú Trung”…

Tương tự, Nhà máy nước BOO Thủ Đức khởi công tháng 10-2005, theo quy định đến tháng 8-2007 sẽ cấp 300.000m³ nước/ngày. Nhưng đến đầu tháng 4-2009, nhà máy mới phát được 100.000m³ nước.

Theo kế hoạch, chậm nhất tháng 12-2009 sẽ phát đủ 300.000m³ nước/ngày hòa vào mạng ống của Sawaco để phân phối nước về 2 khu vực đang thiếu nước nghiêm trọng nhất TPHCM là quận 7 và huyện Nhà Bè. Nhưng đến nay nước vẫn chưa về với người dân.

Lý do là đường ống dẫn nước từ nhà máy về huyện Nhà Bè còn 5% khối lượng công trình chưa hoàn tất. Hơn nữa, đường ống dẫn nước băng qua sông Sài Gòn đang gặp khó khăn trong thi công do vướng giao cắt với đại lộ Đông Tây, buộc phải điều chỉnh, giải phóng thêm mặt bằng… nên cũng chưa biết khi nào lắp đặt xong đường ống dẫn nước!

Người dân quận 7 thường xuyên mua nước sinh hoạt với giá cao. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Người dân quận 7 thường xuyên mua nước sinh hoạt với giá cao. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nước yếu, thiếu nhiều nơi

Theo tính toán của Sawaco, với công suất cung ứng 300.000m³ nước sạch từ Nhà máy nước BOO Thủ Đức, nếu hoàn thành tuyến ống thì sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước tại quận 7 và huyện Nhà Bè. Hiện tất cả các nhà máy nước trên địa bàn TPHCM vận hành hết công suất với hơn 1,2 triệu m³/ngày.

Để có thể giải bài toán thiếu nước, chỉ còn chờ vào Nhà máy BOO nước Thủ Đức. Tuy nhiên, do đường ống băng sông Sài Gòn chưa hoàn thành nên nguồn nước từ nhà máy này hiện chỉ phục vụ khu vực quận 2, 9 và Thủ Đức. Khu vực quận 7 và huyện Nhà Bè đành tiếp tục chịu cảnh thiếu nước.

Liên tục nửa tháng qua, do nước máy chảy nhỏ giọt và nhiều nơi không có nước nên bà con ở khu phố 5 (phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM) phải mua nước với giá đắt đỏ 4.500 - 5.000 đồng/can 20 lít. Ảnh: PHẠM MINH

Liên tục nửa tháng qua, do nước máy chảy nhỏ giọt và nhiều nơi không có nước nên bà con ở khu phố 5 (phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM) phải mua nước với giá đắt đỏ 4.500 - 5.000 đồng/can 20 lít. Ảnh: PHẠM MINH

Đối với Nhà máy nước Kênh Đông, công suất phát nước 200.000m³/ngày nhằm tăng áp để giải quyết tình trạng nước yếu các khu vực quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn… Để khắc phục những phát sinh do thay đổi hướng đi của tuyến ống dẫn nước phải mất ít nhất hơn 1 năm nữa mới có đủ điều kiện để đưa nước sạch đến với người dân.

Theo Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè, Nhà máy nước BOO Thủ Đức giai đoạn 2 sẽ cung cấp 300.000m³ nước vào sau tết nhưng tiến độ thi công đường ống vẫn chậm. Trước tình hình này, Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè huy động thêm nhiều xe bồn với công suất khoảng 2.000m³/ngày, sà lan gần 3.000m³/ngày chở nước đến các khu vực trên cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng nước tăng cao trong mùa nắng nóng, vẫn còn khoảng 5.000 hộ tại phường Phú Thuận, Bình Thuận (quận 7) và xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè) thiếu nước sinh hoạt.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch trong mùa khô, hiện Sawaco cũng đang tiến hành các biện pháp tăng áp, điều tiết, điều phối lượng nước nhằm tăng áp lực và lượng nước cho các khu vực nước yếu. Ưu tiên và tăng cường cung cấp nước bằng bồn chứa cố định, xe bồn và sà lan cho các khu vực thiếu nước. UBND TPHCM cũng đã chấp thuận cho Sawaco lấy nước từ các trụ nước chữa cháy có áp lực mạnh, để chuyển bằng xe bồn phục vụ người dân. 

LÊ LONG 

Liên tục nửa tháng nay, bà con ở khu phố 5 (phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM) phải sống trong cảnh “khát nước” do khu vực này nước máy chỉ chảy nhỏ giọt và nhiều nơi không có nước. Để có nước sử dụng, bà con ở đây ai cũng phải chở can đi mua nước với giá đắt đỏ 4.500 - 5.000 đồng/can 20 lít.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về bức xúc của người dân, ngày 23-3, ông Nguyễn Doãn Xã, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè, lý giải tình hình thiếu nước ở phường Tân Hưng là do khu vực này nằm ở cuối nguồn nước. Do thời tiết nắng nóng, khô hạn khiến người dân có nhu cầu sử dụng nước tăng vọt, dẫn đến áp lực nước chảy rất yếu.

Không chỉ có phường Tân Hưng “khát” nước, trên địa bàn quận 7 còn nhiều điểm nóng thiếu nước máy khác như: Phú Thuận, Phú Mỹ… do nằm ở cuối nguồn nước. Hiện lượng nước dự trữ của công ty cũng đã hết, đơn vị phát nước cho công ty là Nhà máy nước BOO cũng chậm phát nước giai đoạn 2 (kế hoạch là tháng 12-2009 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện).

T.VŨ

Tin cùng chuyên mục