Vấn đề bạn đọc quan tâm

Nhà xây trên rạch vẫn được cấp sổ hồng!?

Đợt triều cường cuối tháng 3-2010 đã tràn bờ bao sông Vĩnh Bình thuộc KP 2, phường Hiệp Bình Phước quận Thủ Đức, TPHCM. Hơn 70 hộ dân bị ngập sâu, lâu ngày trong nước. Nguyên nhân do con rạch tiêu thoát nước cho cả khu vực đã bị san bằng để xây nhà ở.
Nhà xây trên rạch vẫn được cấp sổ hồng!?

Đợt triều cường cuối tháng 3-2010 đã tràn bờ bao sông Vĩnh Bình thuộc KP 2, phường Hiệp Bình Phước quận Thủ Đức, TPHCM. Hơn 70 hộ dân bị ngập sâu, lâu ngày trong nước. Nguyên nhân do con rạch tiêu thoát nước cho cả khu vực đã bị san bằng để xây nhà ở.

  • Từ con rạch bị xóa sổ...

Những người dân sinh sống lâu năm ở KP 2, phường Hiệp Bình Phước cho biết, trước đây nhờ có con rạch cặp chân cầu Vĩnh Bình tiêu thoát ra sông nên mỗi khi trời mưa hay triều cường, bà con đều yên tâm, không lo ngập.

Thế nhưng những năm gần đây, mỗi khi có mưa hay triều cường, cả khu dân cư lại chìm trong nước. Và đợt vỡ bờ bao cuối tháng 3-2010 vừa qua, nước triều đã tràn ngập nhà ở, vườn tược của hơn 70 hộ dân trong mấy ngày liền, gây thiệt hại không nhỏ.

Nguyên nhân do con rạch tiêu thoát nước rộng hơn 10m, dài hàng trăm mét hầu như đã bị san lấp, biến thành con rạch cụt, chiều dài còn lại chừng 30m, rộng chưa đến 5m và không giữ được chức năng tiêu thoát nước.

Căn cứ theo tờ 1 bản đồ địa chính xã Hiệp Bình Phước (tài liệu 02/Ct-UBND TPHCM năm 1992), con rạch cặp theo chân cầu Vĩnh Bình đã có từ lâu, sử dụng vào mục đích tiêu thoát nước cho cả khu vực, với diện tích trên 2.022m². Thế nhưng đến năm 2005, diện tích con rạch chỉ còn lại 588m², phần lớn đã bị san lấp để lấy mặt bằng làm sân kho, nhà ở và đến thời điểm này thì con rạch chỉ còn là con mương nhỏ, nước tù đọng.

Nhà xây dựng kiên cố trên con rạch trước đây. Ảnh: T.Y.

Nhà xây dựng kiên cố trên con rạch trước đây. Ảnh: T.Y.

  • Nhà trên rạch vẫn cấp sổ hồng

Không chỉ dừng lại ở việc lấp rạch, một số người còn xây dựng nhà ở kiên cố bằng bê tông, diện tích sử dụng lên trên 200m². Nhà ở xây dựng trước, sau đó khu nhà xưởng rộng đến hàng trăm mét vuông cũng mọc lên ngay trên con rạch.

Nhiều người dân ở khu vực này bày tỏ bức xúc, khi người dân sửa nhà hay dựng nhà tạm chưa kịp xin phép xây dựng thì cán bộ phường đã đến kiểm tra, lập biên bản yêu cầu tháo dỡ, còn công trình lớn xây dựng cả trăm mét vuông trên đất rạch thì vẫn vô sự.

Điều gây bất bình đối với bà con là việc san lấp, lấn rạch, xây dựng nhà trên rạch không bị chính quyền xử lý, mà ngày 21-1-2009, UBND quận Thủ Đức còn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng) cho căn nhà số 994 đường QL 13, có phần lớn diện tích nằm trọn trên con rạch.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước, cho biết căn nhà số 994 đã có kê khai nhà đất theo quy định và đã được cấp số nhà năm 2003. Theo quy trình cấp sổ hồng hiện nay, UBND phường chỉ có chức năng xác nhận hiện trạng còn việc cấp sổ hồng hay không là do UBND quận quyết định. Riêng vấn đề san lấp rạch, phường mới nắm được thông tin(!?) nên cần có thời gian kiểm tra, xác minh mới có thể trả lời báo chí.    

Việc xóa bỏ con rạch tiêu thoát nước, cấp sổ hồng cho nhà xây dựng trên rạch không những làm ngập nước mỗi khi mưa, triều cường mà còn là vấn đề gây bức xúc cho người dân trong khu vực. Dư luận đang chờ câu trả lời từ UBND quận Thủ Đức

NGUYỄN HIỀN

Tin cùng chuyên mục