Khởi kiện Công ty Vedan - Cần sự hỗ trợ của chính quyền

Hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải của Công ty Vedan đã khiến cho nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM vô cùng khốn khó. Ngoài việc gây ra thiệt hại về vật chất, thiệt hại về ô nhiễm môi trường không gì bù đắp được. Hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Vedan bị xem là hủy hoại môi trường.

Trong thời gian đầu khi bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, Công ty Vedan tỏ ra có thiện chí, cam kết bồi thường thiệt hại về kinh tế và môi trường, bồi thường thiệt hại cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng do chất thải của công ty gây ra khi có kết luận cuối cùng của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện Công ty Vedan chỉ mới phần nào thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả về môi trường trước các yêu cầu của cơ quan chức năng. Cụ thể hành động của Vedan mới chỉ dừng ở việc nâng cấp, bổ sung hệ thống xử lý để được phép tiếp tục xả nước thải ra sông Thị Vải trong khi đó chưa có động thái nào chứng tỏ có thiện ý “khôi phục môi trường sinh thái vốn có trên sông Thị Vải”.

Điều dư luận đặc biệt quan tâm là thái độ của Vedan trong việc bồi thường thiệt hại cho các hộ nông dân trong khu vực bị ảnh hưởng do chất thải. Công ty Vedan hết sức chậm chạp, cố tình “cù cưa” để trả giá với những nạn nhân bị thiệt hại trực tiếp là nông dân. Do vậy, để người dân có thể nhận được tiền bồi thường từ Công ty Vedan là một hành trình không đơn giản. Bởi lẽ trình độ và nhận thức pháp luật của nông dân hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận pháp luật và dùng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của cả tập thể - số đông người khiếu kiện, chưa trở thành thói quen của nông dân.

Phạm vi của việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường này không chỉ là yêu cầu đòi bồi thường giữa các hộ nông dân bị thiệt hại với Công ty Vedan mà nó còn là cơ sở, là thước đo để đánh giá sự hoàn hảo của hệ thống pháp luật Việt Nam. Sự vận hành, phối hợp giữa các cơ quan chính quyền trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của công dân, lợi ích của xã hội cần được thiết lập và trở thành chuyện bình thường. Bởi lẽ, thiệt hại mà Vedan gây ra không chỉ ảnh hưởng đến đời sống vật chất của các hộ nông dân mà còn ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, làm mất cân bằng sinh thái, tức là ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng.

Nhìn lại thực tế cho thấy, vẫn còn đâu đó nhiều công ty, tổ chức có hành vi “bức tử các dòng sông” nhưng chưa bị phát hiện hoặc đã phát hiện nhưng không được xử lý triệt để. Vì thế, pháp luật phải ra tay và nghiêm trị những hành vi xem thường dư luận, xâm phạm lợi ích của cộng đồng. Để làm được điều này, các cấp chính quyền địa phương cùng với nông dân phải chung sức yêu cầu Công ty Vedan bồi thường thiệt hại. Việc này chính là lời cảnh báo đến các công ty, tổ chức kinh doanh “vô trách nhiệm với môi trường”, phải tự xem xét lại mình trước khi sự việc trở nên quá muộn.

Tôi rất đồng tình với cách làm mới đây của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vì đã kịp thời huy động cả hệ thống chính trị đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người nông dân, trong đó hỗ trợ án phí để họ khởi kiện Công ty Vedan. Điều này cho thấy sự phản ứng kịp thời của các cấp chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Riêng ở TPHCM, các cơ quan chức năng đã có đánh giá và kết luận cụ thể số tiền mà Công ty Vedan phải bồi thường cho nông dân là 45,7 tỷ đồng. Nên chăng, UBND TPHCM ủy quyền cho Sở Tư pháp làm đầu mối liên kết các cơ quan, tổ chức (Sở Tài nguyên - Môi trường, Hội Nông dân, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư và UBND huyện Cần Giờ) để khởi kiện Công ty Vedan. Như thế sẽ giúp nông dân tránh bị xâm hại về lợi ích.

LS BÙI VĂN THƯNG
(Trưởng Văn phòng LS Khiết Tâm)

Tin cùng chuyên mục