Từ vụ cô dâu Việt bị sát hại ở Hàn Quốc: Phải có cơ chế bảo vệ cô dâu Việt

Sau khi Báo SGGP thông tin về vụ việc một cô dâu Việt bị sát hại ở Hàn Quốc, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phẫn nộ, chia sẻ nỗi đau của gia đình nạn nhân. Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng của cả hai nước phải vào cuộc để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra và bảo vệ cô dâu Việt ở nước ngoài. Xin trích đăng một số ý kiến sau đây.
Từ vụ cô dâu Việt bị sát hại ở Hàn Quốc: Phải có cơ chế bảo vệ cô dâu Việt

Sau khi Báo SGGP thông tin về vụ việc một cô dâu Việt bị sát hại ở Hàn Quốc, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phẫn nộ, chia sẻ nỗi đau của gia đình nạn nhân. Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng của cả hai nước phải vào cuộc để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra và bảo vệ cô dâu Việt ở nước ngoài. Xin trích đăng một số ý kiến sau đây.

Đề nghị truy tố những kẻ mai mối trái pháp luật

Những câu chuyện đau lòng về cô dâu Việt lấy phải những người chồng Hàn Quốc có vấn đề về sức khỏe hoặc bị tâm thần, là phụ nữ chúng tôi không khỏi cám cảnh. Thế nhưng, lỗi này thuộc về ai nếu không phải chính là những đường dây môi giới hôn nhân đa quốc gia - những kẻ mai mối táng tận lương tâm, chỉ biết thu lợi nhuận bất chấp bất hạnh và bi kịch đau lòng sẽ xảy ra đối với những cô dâu Việt nghèo khó, thiếu kiến thức.

Người dân Hàn Quốc chia sẻ nỗi đau của gia đình nạn nhân. Ảnh: K.H.

Người dân Hàn Quốc chia sẻ nỗi đau của gia đình nạn nhân. Ảnh: K.H.

Dù vừa qua các cơ quan chức năng trong nước đã chặt phá nhiều đường dây nhưng trên thực tế thì cứ chặt vòi này thì vòi khác lại mọc ra. Bi kịch của hoa khôi xứ nghèo vùng sông nước, Thạch Thị Hoàng Ngọc, cũng xuất phát từ nguyên nhân gián tiếp là do mai mối, giới thiệu sai sự thật về người chồng - kẻ sát nhân.

Chỉ vì không biết tí ti gì về người chồng cũng như tiền sử tâm thần của anh ta nên Hoàng Ngọc phải bỏ xác nơi xứ người. Tuy nhiên trách cô một thì chúng ta cũng phải trách mười đối với cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng của hai phía Việt Nam - Hàn Quốc chưa làm tròn trách nhiệm đối với cô dâu Việt Nam.

Giá như cơ quan chức năng của Hàn Quốc biết rõ bệnh tình và sớm ngăn chặn, không cho phép người mắc bệnh tâm thần Jang Du Hyo kết hôn với cô dâu Việt thì bi kịch này đâu có xảy ra. Vì thế, sau sự kiện đau lòng này, các cơ quan chức năng của 2 nước Việt - Hàn phải có giải pháp mạnh hơn nữa để ngăn chặn những đường dây mai mối hôn nhân trái pháp luật và trợ giúp, bảo vệ cô dâu Việt ở Hàn Quốc tránh khỏi những nguy cơ bị hành hạ, bị sát hại.

Đề nghị cơ quan pháp luật của hai nước vào cuộc điều tra và truy tố hành vi mai mối trái pháp luật của những “bà mai, ông mối xuyên quốc gia” - những kẻ gián tiếp gây ra cái chết của cô dâu Việt.

nguyensu…79@gmail.com

Các cơ quan chức năng chậm vào cuộc

Cứ sau mỗi vụ việc đau lòng liên quan đến cô dâu Việt lấy chồng ngoại, từ cơ quan lãnh sự ở nước ngoài đến cơ quan chức năng trong nước và chính quyền địa phương, đoàn thể (Hội Phụ nữ) mới rục rịch vào cuộc, lên tiếng phản đối hành động phi nhân tính, giết hại, đánh đập phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài. Giá như chúng ta xây dựng được cơ chế, hành lang pháp lý bảo vệ cô dâu Việt một cách bài bản, đồng bộ từ trong nước đến nước ngoài, nơi có nhiều cô dâu Việt sinh sống, thì có lẽ những vụ việc đau lòng sẽ ít xảy ra và không gây nhức nhối trong dư luận.

Ngay ở trong nước, nếu ngành tư pháp địa phương kiểm soát, quản lý chặt chẽ những trường hợp lấy chồng nước ngoài phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, trong đó có yêu cầu phải tìm hiểu kỹ về mọi vấn đề liên quan đến người chồng tương lai, thậm chí phải yêu cầu người đàn ông muốn kết hôn với phụ nữ Việt phải có ít nhất một lần đưa người bạn đời tương lai về quê hương tìm hiểu… thì mới ra quyết định kết hôn.

Bên cạnh đó, cơ quan tư pháp Việt Nam cần yêu cầu những người đàn ông ngoại quốc phải trưng ra đầy đủ giấy tờ hợp lệ như lý lịch cá nhân, giấy chứng nhận về sức khỏe, hoàn cảnh, thu nhập, điều kiện kinh tế có đảm bảo nuôi vợ con hay không… Hình như, lâu nay chúng ta chưa thật sự quan tâm đến vấn đề phụ nữ Việt lấy chồng nước ngoài, dù con số đó đang gia tăng từng năm (hiện trên 150.000 cô dâu ở Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc). Vì thế, việc bảo vệ hình ảnh, nhân phẩm của họ nơi xứ người vẫn còn bỏ ngỏ…  

Trần Vy (TPHCM)

Thận trọng trong việc kết hôn với người nước ngoài

Từng nghiên cứu về đề tài phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại, chủ yếu là ở Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, tôi nhận thấy có trên 64% cuộc hôn nhân xuất phát từ lý do kinh tế. Trong xu thế mở cửa và hội nhập, pháp luật Việt Nam không ngăn cấm hôn nhân quốc tế nhưng điều chúng ta phải làm để ngăn chặn trục trặc, thậm chí là bi kịch như đã xảy ra là phải thay đổi tư duy, nhận thức về hôn nhân của các gia đình có xu hướng đẩy con em mình đi lấy chồng ngoại.

Thực tế cho thấy, có không ít gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long không đến nỗi nghèo khó nhưng vẫn muốn con gái lấy chồng ngoại để giàu sang nhanh. Thật xót xa và đau lòng vì hiện tượng “nàng Kiều” ở thế kỷ 21 này phải báo hiếu bằng cách lấy chồng xa xứ. Để thay đổi dần nhận thức của các bậc cha mẹ ở khu vực này, vừa qua, Vụ Gia đình đã thí điểm mô hình “Câu lạc bộ gia đình”, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hôn nhân gia đình, cảnh báo về hệ lụy, bi kịch của hôn nhân quốc tế cho các đối tượng bước vào độ tuổi tiền hôn nhân, đủ tuổi kết hôn và cha mẹ họ.

Nhờ mưa dầm thấm lâu, nhiều bậc cha mẹ và cô gái trẻ đã thay đổi nhận thức, thận trọng trong việc kết hôn với người nước ngoài. Như thế việc lồng ghép các chương trình nhằm nâng cao đời sống văn hóa, từ đó tác động đến nhận thức của phụ nữ nông thôn về giá trị, nền tảng đích thực của hôn nhân là việc phải làm thường xuyên, liên tục ở cơ sở.

Hoa Hữu Vân, Vụ phó Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL)

Thông tin liên quan

- Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TPHCM Kim Sang-Yoon: Hàn Quốc sẽ xử lý nghiêm

- Vụ cô dâu Việt bị chồng Hàn Quốc sát hại: Cái “giá” của 3,5 triệu đồng!

- Một cô dâu Việt Nam bị giết tại Hàn Quốc

Tin cùng chuyên mục