Xây dựng nhà máy xử lý chất thải ở thượng nguồn sông Sài Gòn

Lợi bất cập hại

Lợi bất cập hại

Công ty Nhật Hoàng đang xây dựng nhà máy xử lý chất thải tại ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Điều này không những khiến bà con ở địa phương bức xúc, mà người dân ở TPHCM cũng không khỏi lo lắng, bởi nguy cơ ô nhiễm nguồn nước từ thượng nguồn sông Sài Gòn.

Hiểm họa được báo trước

Ngày 6-11-2008, UBND tỉnh Tây Ninh có văn bản chấp thuận cho Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư Nhật Hoàng (Công ty Nhật Hoàng) có địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TPHCM xây dựng nhà máy xử lý chất thải tại ấp Bùng Binh, công suất 200 tấn rác/ngày. Việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải ở cạnh bờ sông và là đầu nguồn sông Sài Gòn đã gây bức xúc trong dư luận, bởi nó gây nguy cơ ô nhiễm nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TPHCM.

Sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm do có quá nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động 2 bên bờ.

Sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm do có quá nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động 2 bên bờ.

Cách không xa nhà máy xử lý rác này, ở phía hạ nguồn là Trạm bơm Hòa Phú - điểm lấy nước cung cấp cho Nhà máy nước Tân Hiệp, công suất 300.000m3/ngày, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các quận 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và Gò Vấp. Nhiều năm qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa, dòng sông đã gánh chịu quá nhiều chất thải, làm ô nhiễm nguồn nước. Trong khi chính quyền TPHCM cũng như các tỉnh thuộc lưu vực con sông đang tìm mọi biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, làm sạch dòng sông, thì việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải ngay thượng nguồn thật khó chấp nhận. 

Những ngày đầu tháng 9-2010, Công ty Nhật Hoàng đã tiến hành giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà máy. Hơn 30 ha cây cao su nằm dọc bờ sông sẽ bị chặt bỏ để nhường chỗ cho khu xử lý rác. Nói xử lý rác nhưng thực chất là chôn lấp rác và chỉ nằm cách bờ sông Sài Gòn khoảng 200m. Với địa hình dốc và công nghệ chôn rác như hiện nay thì nguy cơ nước thải chưa qua xử lý tràn ra sông là khó tránh khỏi. Hiểm họa ô nhiễm môi trường đã được báo trước!

Người dân không đồng tình 

Việc xây dựng nhà máy xử lý rác sát bờ sông Sài Gòn phía thượng nguồn không những khiến người dân TPHCM phía hạ nguồn lo lắng, mà chính quyền địa phương nơi đặt nhà máy cũng không đồng tình, phản ứng gay gắt, mặc dù biết tỉnh đã có quyết định cho phép đầu tư. Theo ông Huỳnh Văn Phát, Chủ tịch UBND xã Hưng Thuận, dự án nằm trong khu vực dân cư nên phát sinh mùi hôi, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân, hậu quả khó lường nên chính quyền cũng như người dân trong xã không bằng lòng. Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của xã (2010 - 2015) không có kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác trên địa bàn.

Còn theo ông Hà Minh Đỏ, nguyên Giám đốc Nông trường Cao su Bời Lời, việc chặt bỏ vườn cây cao su đang khai thác để làm nhà máy xử lý rác là quá lãng phí, nhưng điều đáng lo lắng hơn cả là bãi chôn rác quá gần bờ sông. Có lẽ, chủ đầu tư đã không nắm vững thực địa khi chọn nơi đặt nhà máy. Địa hình ở đây quá dốc, triền đất nghiêng về phía sông nên khó tránh khỏi việc nước bẩn, chất thải thẩm thấu, tràn xuống dòng sông. Đấy là chưa tính đến việc hồ Dầu Tiếng xả lũ, nước sẽ tràn qua nhà máy, phát tán ô nhiễm trên diện rộng.

Tình trạng ô nhiễm từ các nhà máy, cơ sở xử lý chất thải đã từng xảy ra. Đặt nhà máy ở gần bờ, đầu nguồn sông Sài Gòn sẽ lợi bất cập hại, bởi chất thải từ nhà máy gây ô nhiễm nguồn nước, hậu quả người dân hạ nguồn TPHCM phải gánh chịu sẽ rất nặng nề.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục