Diễn đàn Hưởng ứng Năm “an toàn giao thông”

Làm gì để kéo giảm ùn tắc giao thông?

Ngay sau khi Báo SGGP mở Diễn đàn Hưởng ứng Năm an toàn giao thông, bạn đọc Mai Phương (Bình Thạnh, TPHCM) đã có bài đề xuất những biện pháp rất cụ thể nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông. Từ số báo hôm nay Trang Nhịp cầu bạn đọc sẽ khởi đăng các ý kiến của bạn đọc tham gia diễn đàn này.
Làm gì để kéo giảm ùn tắc giao thông?

LTS: Ngay sau khi Báo SGGP mở Diễn đàn Hưởng ứng Năm an toàn giao thông, bạn đọc Mai Phương (Bình Thạnh, TPHCM) đã có bài đề xuất những biện pháp rất cụ thể nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông. Từ số báo hôm nay Trang Nhịp cầu bạn đọc sẽ khởi đăng các ý kiến của bạn đọc tham gia diễn đàn này.

  • Khắc phục các điểm nóng ùn tắc

Để kéo giảm ùn tắc giao thông, chúng ta đi từ những vấn đề dễ, đơn giản đến vấn đề khó.

Hiện nay, khi cấp phép thi công các công trình đào đường, ngành giao thông thường quy định thời gian cho toàn bộ công trình. Do vậy có những lô cốt chiếm dụng diện tích lòng đường suốt thời gian rất dài trong khi thời gian thi công thực tế tại đó không cần nhiều, đơn vị thi công cứ kéo dài việc dùng lô cốt làm nơi tập kết vật tư, phương tiện, gây ra ùn tắc giao thông trầm trọng.

Để khắc phục, cần quy định rõ thời gian thi công cụ thể cho từng đoạn đường cụ thể. Nếu đơn vị thi công không thực hiện đúng tiến độ, phải có biện pháp chế tài. Đồng thời, nên quy định mức phí chiếm dụng diện tích lòng đường đối với đơn vị thi công, để vừa lấy kinh phí trang trải cho lực lượng làm nhiệm vụ điều tiết giao thông tại khu vực này, vừa tạo sức ép buộc đơn vị thi công phải rút ngắn thời gian lập lô cốt chiếm dụng lòng đường tràn lan như hiện nay.

Kẹt xe trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TPHCM. Ảnh: THANH TÂM

Kẹt xe trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TPHCM. Ảnh: THANH TÂM

Trong nội thành, khu vực cổng trường thường là điểm nóng ùn tắc giao thông giờ tan học, do phụ huynh cùng lúc tập trung tại đây chờ đón con em, sau đó quay đầu xe ngay tại cổng trường. Vì vậy, từng trường nên có khoảng cách chênh lệch giờ tan trường giữa các cấp lớp để giảm mật độ tập trung cao cùng lúc trước cổng trường.

Các giao lộ là nơi xảy ra ùn tắc giao thông nhiều nhất, lâu nhất, vì vậy cần áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông tại đây. Theo cách phân luồng hiện nay, các làn đường gần tim đường dành cho xe con, tiếp theo là xe khách, xe tải, trong cùng là xe 2-3 bánh, thế nên khi vào giao lộ, xe con rẽ phải sẽ ép đầu xe tải và xe 2-3 bánh. Xe 2-3 bánh rẽ trái sẽ ép đầu xe tải, xe khách, xe con. Xe nọ ép đầu xe kia gây mất an toàn và giảm tốc độ giao thông trong giao lộ và gây ùn tắc giao thông.

Theo tôi, do trong nội thành mật độ xe quá cao nên tốc độ lưu thông giữa các loại phương tiện không chênh lệch, vì vậy trên các đường nội thị có nhiều điểm giao cắt nên có cách phân luồng giao thông linh hoạt và hợp lý hơn, không theo loại phương tiện xe, mà nên phân luồng theo hướng giao thông: đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải. Tại TPHCM đã có một số con đường phân luồng theo cách này và chứng tỏ có hiệu quả.

Cùng lúc có nhiều phương tiện vào giao lộ sẽ gây ra ùn tắc, nhất là khi ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Vì vậy, cần điều tiết lưu lượng phương tiện vào giao lộ. Nên phân tuyến phía đường vào giao lộ nhỏ hơn phía đường ra khỏi giao lộ. Tùy từng trường hợp, ta phân 2 chiều đường theo tỷ lệ khác nhau, thí dụ 40/60 tức là đường vào giao lộ bằng 40% và đường ra khỏi giao lộ bằng 60% bề rộng mặt đường.

Giảm thời gian vào giao lộ của các phương tiện tham gia giao thông bằng tín hiệu đèn giao thông, điều chỉnh hệ thống đèn giao thông sao cho tổng thời gian đèn xanh và đèn vàng nhỏ hơn thời gian đèn đỏ. Như vậy, sẽ có lúc cả hai hướng giao cắt đều đèn đỏ, không có phương tiện vào giao lộ, chỉ có phương tiện ra khỏi giao lộ. Ngoài ra, nên tăng diện tích giao lộ bằng cách giảm bớt chiều rộng vỉa hè (nếu có thể) để các xe dễ dàng chuyển hướng khi rẽ phải.

  • Các biện pháp bổ trợ

Ngoài các biện pháp nêu trên, cũng cần một số biện pháp bổ trợ khác để kéo giảm ùn tắc giao thông, tăng tốc độ giao thông hợp lý mà vẫn đảm bảo an toàn giao thông.

Một biện pháp giúp giảm bớt lưu lượng xe là kết hợp hợp lý giữa vận tải hành khách đường dài và nội thị. Do nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao nên hình thành một số tuyến xe đường dài, có chất lượng cao. Tuy nhiên, việc quy định hạn chế điểm dừng của xe đường dài để đón và trả khách đã dẫn đến tình trạng người dân phải di chuyển nhiều trên đường bằng các loại phương tiện khác để đến điểm dừng đón khách.

Thiết nghĩ, nên cho phép khi hành khách có nhu cầu xuống xe thì nhà xe có thể dừng cho khách xuống, không buộc khách phải đi đến bến cuối cùng. Thực tế, ngành giao thông chỉ cần đặt một số biển cho phép dừng xe trả khách ở những địa điểm hợp lý là được (điều này không trái luật), chẳng hạn ở những thành phố, thị xã, thị trấn có xe đi qua đặt vài điểm cho khách lên xuống, mỗi điểm cách nhau 2-3km, hoặc cho phép dừng tại trạm xe buýt để khách đi xe đường dài có thể xuống đón xe buýt đi tiếp rất tiện lợi. Khi bố trí đường một nhiều cũng cần phải tính toán kỹ để hạn chế việc xe tham gia lưu thông phải chạy vòng vèo quá xa, vừa gây tốn kém nhiên liệu và thời gian, vừa làm tăng lưu lượng xe chạy trên đường khiến nạn kẹt xe càng trầm trọng.

Việc mở rộng đường để tăng tốc độ giao thông là cần thiết, nhưng chưa phải là quan trọng nhất. Hiện tại, để tăng tốc độ giao thông, vấn đề ưu tiên là giải quyết ùn tắc ở các giao lộ. Vì vậy, với các con đường mới mở, để gắn kết vào các con đường cũ nhất thiết phải gắn kết bằng cầu vượt. Với các giao lộ sẵn có, thay vì mở rộng các con đường bị kẹt xe, ta nhanh chóng làm những cầu vượt để giải tỏa các giao lộ. 

MAI PHƯƠNG

- Thông tin liên quan:

>> Diễn đàn Hưởng ứng năm “An toàn giao thông” - Cần những hành động thiết thực

Tin cùng chuyên mục