Quyết liệt ngăn chặn văn bản lỗi

Theo số liệu của Bộ Tư pháp, qua kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành trong năm 2012, ngành tư pháp đã phát hiện 10.039 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp, trong đó có 1.394 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung. Thực trạng này khiến nhiều bạn đọc bức xúc nêu ý kiến, yêu cầu quan tâm khắc phục có hiệu quả.
Quyết liệt ngăn chặn văn bản lỗi

Theo số liệu của Bộ Tư pháp, qua kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành trong năm 2012, ngành tư pháp đã phát hiện 10.039 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp, trong đó có 1.394 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung. Thực trạng này khiến nhiều bạn đọc bức xúc nêu ý kiến, yêu cầu quan tâm khắc phục có hiệu quả.

  • Quy định xa rời thực tế

Ngày 5-12-2012, Bộ Y tế ban hành Thông tư 30 quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-1-2013. Nhiều quy định trong thông tư này xuất phát từ mong muốn chủ quan của những người soạn thảo văn bản, bất chấp thực tế nên rất khó có thể thực hiện được.

Chẳng hạn, người kinh doanh thức ăn đường phố phải dự tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; phải được khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe, do các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện (khoản 1 và 2, Điều 8, Chương III). Đối với nguyên liệu, phụ gia thực phẩm dùng chế biến để bán cho khách hàng, phải bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng (khoản 7, Điều 7, Chương III). Lại thêm nước dùng để chế biến thức ăn, pha chế đồ uống, để vệ sinh dụng cụ hoặc rửa tay phải đủ số lượng và phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (khoản 3, Điều 7, Chương III)…

Thông tư 30 có một số quy định khắt khe với người bán hàng ăn uống ở vỉa hè không khả thi. Ảnh: PHAN ANH

Thông tư 30 có một số quy định khắt khe với người bán hàng ăn uống ở vỉa hè không khả thi. Ảnh: PHAN ANH

Thực tế ngay cả các nhà hàng lớn cũng khó đảm bảo tuân thủ quy định được trích dẫn trên, cùng nhiều quy định khác nữa trong Thông tư 30, huống chi đây là quy định đối với người bán hàng ăn uống ở vỉa hè. Theo tôi, đây là sản phẩm của những người chuyên ngồi ở phòng máy lạnh, ít khi bước chân ra đường phố, không hiểu được cuộc sống vất vả của những người buôn gánh bán bưng nên mới ra những quy định kiểu “trên trời” như thế.

Thử hỏi, với một gánh xôi, rổ khoai mì, khoai lang… bưng bê đi bán dạo lại đòi họ cần phải mất thời gian, tiền bạc để đi khám sức khỏe, đi dự tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, liệu có khả thi? Hơn nữa, biết học lớp tập huấn kiến thức sách vở đó ở đâu, ai dạy? Nếu như họ không có giấy chứng nhận thì ai xử phạt, phạt như thế nào? Theo một quan chức Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), UBND các xã - phường chịu trách nhiệm tổ chức các lớp tập huấn này nhưng địa phương có làm được không và nếu đối tượng buôn gánh bán bưng không chịu đi học thì ai sẽ chế tài họ?

Lâu nay, có hiện tượng các bộ, ngành thỉnh thoảng ban hành một số thông tư, quy định xa rời thực tế, thiếu tính khả thi, chỉ nhằm chứng tỏ rằng có quan tâm, có chỉ đạo quản lý là xong trách nhiệm mà không cần biết có phù hợp thực tế và có khả thi hay không. Để đến nỗi dư luận, báo chí phải liên tục bức xúc lên tiếng và cơ quan tư pháp phải “thổi còi việt vị” mới buộc phải rút lại quy định, làm giảm uy tín của chính bộ, ngành đó. Đã có trường hợp sau đó bộ, ngành, địa phương xử lý kỷ luật cán bộ tham mưu chấp bút văn bản. Làm thế chưa đủ và cũng chưa công bằng. Lẽ ra, trước hết phải xem xét trách nhiệm của người ký ban hành văn bản, bởi thẩm quyền của người này lớn hơn và đương nhiên phải chịu trách nhiệm nặng hơn. Nếu chỉ kỷ luật cán bộ tham mưu chấp bút, nhiều khả năng sẽ còn phát sinh những quy định xa rời thực tiễn.

BIÊN HÀ
(Quận Bình Thạnh, TPHCM)

  • Thượng tôn pháp luật

Gần đây, liên tục có nhiều văn bản chưa thuyết phục được nhân dân cả về tính hợp lý lẫn tính hợp pháp. Chẳng hạn, quy định về đám tang của cán bộ công chức, quy định về xe chính chủ, quy định về ghi tên cha mẹ vào giấy CMND… Những quy định đó ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều người, có thể gây ra nhiều hệ lụy phức tạp. Theo nhận định của Bộ Tư pháp, trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật còn có những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Việc kiểm tra đối với văn bản của cấp huyện, cấp xã còn nhiều bất cập. Việc xử lý văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong một số trường hợp còn chậm, hình thức xử lý chưa đúng theo quy định của Chính phủ.

Có thể nói, văn bản lỗi không chỉ “có vấn đề” về tính hợp pháp, hợp lý mà còn ở những chi tiết về kỹ thuật, như sử dụng từ ngữ có thể dẫn đến nhiều cách hiểu, hay không đảm bảo quy cách. Để một văn bản được ban hành đúng các quy định của pháp luật, đúng quy trình soạn thảo và trúng nguyện vọng của nhân dân, yêu cầu thực tế của xã hội, cần xem xét kỹ đến các yếu tố: nhu cầu thực tế của xã hội có cần quy định điều chỉnh đó không; sẽ ảnh hưởng đến nhân dân và người bị điều chỉnh tích cực, tiêu cực ra sao; có đảm bảo khả thi trong thực tế không… Tức là, văn bản được ban hành không được theo kiểu “bỗng dưng” mà phải là quá trình “thai nghén” lâu dài với những trăn trở thực sự, những điều tra, nghiên cứu khách quan, khoa học và được xây dựng bằng một tư duy thượng tôn pháp luật chứ không phải tùy tiện, nửa vời. Đã đến lúc cần quyết liệt hơn với vấn đề văn bản lỗi.

TRÚC GIANG
(Quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục