Có dẹp được chợ tự phát?

Mới đây, UBND TPHCM đã ra Chỉ thị 26/2014CT-UBND, chỉ đạo các quận - huyện đến cuối năm 2015 phải giải tỏa xong các chợ tự phát trên địa bàn, đồng thời giải tán ngay các điểm họp chợ lấn chiếm lòng lề đường mới phát sinh. Với thực trạng có đến 170 chợ tự phát rải rác khắp nơi tại TPHCM.
Có dẹp được chợ tự phát?

Mới đây, UBND TPHCM đã ra Chỉ thị 26/2014CT-UBND, chỉ đạo các quận - huyện đến cuối năm 2015 phải giải tỏa xong các chợ tự phát trên địa bàn, đồng thời giải tán ngay các điểm họp chợ lấn chiếm lòng lề đường mới phát sinh. Với thực trạng có đến 170 chợ tự phát rải rác khắp nơi tại TPHCM.

Dù gần 11 giờ trưa, chợ tự phát ở hẻm 430 Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3 vẫn hoạt động sôi nổi.

Khắp nơi đều có chợ tự phát

Năm 2003, UBND TPHCM có Quyết định 144/2003/QĐ-UB quy hoạch lại mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại của 22 quận - huyện trên địa bàn TP. Theo đó, đến năm 2010 có nhiều chợ truyền thống được quy hoạch lại và dẹp hết các chợ tự phát. Thế nhưng đến nay, khi đã qua thời hạn đó 4 năm, các chợ tự phát cũ vẫn chưa giải tỏa được và lại có thêm nhiều chợ tự phát mới hình thành.

Chợ tự phát Cầu Ông Lãnh (quận 1) xuất hiện chỉ sau vài năm bị giải tỏa, di dời chợ Cầu Muối. Ban đầu chỉ có vài quầy rau lấn chiếm vỉa hè buôn bán, nay có hàng trăm quầy với đủ loại thực phẩm, từ rau củ tới thịt cá các loại. Ở con hẻm 430 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 11, quận 3) thông ra đường Trần Văn Đang là nơi họp chợ của hàng trăm quầy với đủ mặt hàng từ thực phẩm tới quần áo, giày dép..., không khác gì chợ truyền thống.

Ông Phạm Văn Nghệ (ngụ trong hẻm này) cho biết: “Vợ chồng tôi già rồi, nhưng hàng ngày vẫn phải sống trong cảnh ồn ào và mất vệ sinh của chợ tự phát. Tôi tính bán nhà để chuyển đến nơi khác yên tĩnh hơn, nhưng rao bán nhà ai tới xem cũng lắc đầu vì hẻm họp chợ, không đảm bảo vệ sinh và an ninh”.

Trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (phường Bình Trưng Đông, quận 2 và phường Phú Hữu, quận 9) cũng có nhiều chợ tự phát hoạt động, trong đó nhiều chợ mới phát sinh. Chị Nguyễn Bích Châu (ngụ trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2) cho biết: “Ban đầu chỉ có một người đem rau nhà trồng ra bán, thấy người này bán mà không bị ai nhắc nhở nên mấy hôm sau xuất hiện thêm hàng cá, dần dà có thêm hàng tôm, thịt và trái cây, rồi mọi người kéo đến bán đông dần, biến nơi đây thành chợ tự phát”. Nghịch lý là trên tuyến đường này có khá nhiều chợ được xây dựng khang trang như chợ Phú Hữu, chợ Long Trường nhưng lại vắng vẻ, còn chợ tự phát hoạt động rất rầm rộ.

Trong khi chợ Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) được đầu tư xây dựng khang trang với kinh phí trên 30 tỷ đồng, nhưng chỉ loe hoe vài sạp buôn bán, thì cách đó không xa xuất hiện một chợ tự phát ngay trong khuôn viên chung cư với đủ các mặt hàng thực phẩm cần thiết, thu hút đông khách hàng. Nhiều nơi khác cũng có tình trạng như vậy, chính quyền địa phương như không biết các chợ tự phát nhanh chóng hình thành ven đường Nguyễn Thị Định (phường Cát Lái, quận 2), đường Hoàng Hoa Thám và các hẻm quanh chợ Văn Thánh, chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), đường số 1 (phường Tân Phú, quận 7)…

Phải gỡ nhiều vướng mắc

Hầu hết lãnh đạo các phường, quận đều cho rằng rất khó thực hiện được kế hoạch giải tỏa hoàn toàn các chợ tự phát trong năm 2015, bởi bên cạnh yêu cầu quản lý đô thị còn có vấn đề về đời sống dân sinh.

Ông Trần Văn Sơn, Trưởng phòng Kinh tế quận 9, cho biết: “Không phải từ khi UBND TP ra chỉ thị dẹp chợ tự phát chúng tôi mới ra quân. Việc chấn chỉnh trật tự, giải tỏa chợ tự phát đã làm thường xuyên và liên tục. Quận luôn cử người cùng với các phường tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt người vi phạm, nhưng người dân thiếu tuân thủ. Sẽ rất phản cảm nếu cưỡng chế, giằng co với người dân, nên việc thực hiện giải tỏa rất khó”.

Ông Nguyễn Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Ông Lãnh, cũng than: “Sáng nào phường cũng cử lực lượng ra chốt chặn, ngăn người dân chiếm dụng vỉa hè, lòng đường quanh khu vực Cầu Ông Lãnh buôn bán. Nhưng cũng không thể chặn được”.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường 11, quận 3, cho biết, chợ tự phát ở hẻm 430 hình thành từ khi giải tỏa chợ nằm kế đường ray xe lửa gần đó. Cách nay vài năm, phường đã chấn chỉnh lại chợ tự phát này, chỉ cho buôn bán một số mặt hàng đồ khô, tạp hóa và rau củ trong nhà để đảm bảo lối đi lại cho người dân. Thế nhưng từ khi phường 15 dẹp các quầy sạp bán lấn chiếm đường phía trước chợ Hòa Hưng, những tiểu thương ở đó lại kéo sang hẻm 430 để tiếp tục buôn bán.

Ông Cường băn khoăn: “Chỉ đạo của UBND TP là đúng nhưng thực hiện không đơn giản. Vì thói quen mua hàng ở chợ tự phát cho thuận tiện của người dân và cũng vì miếng cơm manh áo nên các tiểu thương kiên trì bám trụ tại chợ tự phát. Nếu địa phương tập trung toàn bộ lực lượng, kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa chợ tự phát, cũng có thể vài tháng là dẹp được. Nhưng rồi hàng trăm gia đình sẽ mất thu nhập, vì không có nghề nghiệp gì nên họ sẽ lại tìm đến nơi khác buôn bán tiếp”.

Có một nghịch lý đang kéo dài: Tiểu thương vào bán trong chợ phải chịu thêm nhiều khoản chi phí: thuế, tiền điện, tiền nước, tiền bảo vệ, tiền dọn vệ sinh..., trong khi lại vắng khách hàng. Người dân quen ra chợ tự phát, ngồi ngay trên xe mua hàng, nên không muốn mất thời gian và tiền gửi xe rồi còn phải đi bộ vào chợ mua hàng. Nghịch lý đó khiến các chợ mới xây để đưa tiểu thương vào kinh doanh đều vắng khách.

Để giải quyết nghịch lý này, phải thực hiện được đồng bộ cả hai giải pháp: vừa tạo thuận lợi cho người mua và người bán khi vào chợ truyền thống, vừa ngăn chặn phát sinh chợ tự phát mua bán trên vỉa hè. Ngoài ra, nên quan tâm tạo điều kiện cho những người bán ở chợ tự phát có thể chuyển nghề, có việc làm khác ổn định hơn.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục