Biến rạch thành cống hộp

Những con rạch biến mất
Biến rạch thành cống hộp

Hệ thống kênh rạch ở TPHCM không những tạo cảnh quan đô thị trên bến dưới thuyền mà còn gánh chức năng vô cùng quan trọng về lưu thủy, điều hòa môi trường sinh thái. Thế nhưng trong cơn sốt đô thị hóa, hàng loạt con rạch đã bị san lấp, thay bằng cống hộp.

Trên công trường, đơn vị thi công đang đổ đất đá lấp dần con rạch Bá Đỏ để làm cống hộp.

Trên công trường, đơn vị thi công đang đổ đất đá lấp dần con rạch Bá Đỏ để làm cống hộp.

Những con rạch biến mất

Con rạch Phan Văn Hân (phường 17, quận Bình Thạnh) có chiều dài gần 500m, không chỉ thoát nước cho cả khu vực mỗi khi trời mưa mà còn làm mát khu dân cư trong những ngày nắng nóng. Nhưng rồi người dân xây nhà lấn rạch dần, một số người vô ý thức lại biến con rạch thành nơi chứa rác. Ngày qua ngày, con rạch hẹp dần, tắc nghẽn và ô nhiễm trầm trọng. Thay vì giải tỏa nhà lấn chiếm, cho vớt rác khai thông dòng chảy, chính quyền đã chọn giải pháp đặt cống hộp thay cho rạch hở.

Thế là rạch Phan Văn Hân bị biến thành đường cống có tiết diện 1,6m x 2m và san lấp thành con đường có lộ giới 16m. Cách rạch Phan Văn Hân không xa, rạch Tân Cảng (phường 22, quận Bình Thạnh) cũng đã bị biến thành cống hộp. Con rạch này có chiều dài 200m, rộng 20m, gom nước từ các khu dân cư ở phường 22 đổ ra sông Sài Gòn. Sau một thời gian không được nạo vét, con rạch bị lấn chiếm, thu hẹp, cạn dần.

Cũng cho rằng nay con rạch Tân Cảng bị ô nhiễm, không còn chức năng thoát nước, chính quyền cho san lấp biến rạch thành cống hộp với tiết diện 2m x 2m, chỉ rộng bằng 1/10 con rạch cũ.

Hiện tại, ở quận 2, rạch Bá Đỏ chạy dọc theo xa lộ Hà Nội từ chân cầu Sài Gòn hướng về Rạch Chiếc cũng đang bị biến thành cống hộp. Trước đây, con rạch Bá Đỏ rộng trên 50m, rồi bị thu hẹp dần chỉ còn 20m, là dải phân cách giữa xa lộ Hà Nội và khu đô thị mới. Sau khi bị thu hẹp, nay con rạch đang bị rút ngắn chiều dài. Trên công trường, đơn vị thi công đang đổ đất lấp dần con rạch này và đặt cống hộp. Con rạch chạy dài theo xa lộ nay chỉ còn một đoạn ngắn.

Được ít, mất nhiều

Biến rạch thành cống hộp đang trở thành một giải pháp được ưa chuộng ở hầu hết các quận, huyện TPHCM. Việc này không chỉ diễn ra ở khu vực trung tâm tấc đất tấc vàng mà còn ở cả các quận, huyện vùng ven. Việc biến rạch thành cống hộp không phải do người dân hay đơn vị nào tự phát thực hiện mà có chủ trương, kế hoạch của các cơ quan quản lý nhà nước.

Điều dễ nhận thấy là việc biến rạch thành cống hộp đã đem lại một số lợi ích trước mắt. Cái lợi dễ nhận thấy là trong khi thiếu quỹ đất dành cho công trình công cộng, nhất là đường giao thông thì việc làm cống hộp để lấp rạch làm đường sẽ tận dụng được mặt bằng. Ở nhiều công trình biến kênh rạch thành cống hộp cho thấy sau khi mất con rạch thì có một con đường, việc đi lại của người dân sẽ thuận tiện hơn, trị giá nhà đất tăng lên vùn vụt.

Việc làm cống hộp thay cho mương hở sẽ giải quyết được tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trên các con rạch hiện nay. Thực tế trong điều kiện hiện nay, nạo vét mở rộng dòng chảy kênh rạch và làm sạch môi trường nước là việc vượt quá khả năng của chính quyền địa phương. Vì thế, biện pháp làm cống hộp là giải pháp giảm ô nhiễm ít tốn kinh phí và dễ thực hiện nhất.  

Những cái lợi trước mắt về việc biến rạch thành cống hộp dễ nhận thấy, nhưng hậu quả sẽ rất nặng nề, khó khắc phục nếu cứ thực hiện tràn lan, thiếu cân nhắc. Có một thực tế là thiết kế xây dựng cống hộp để thay rạch mở chưa tương xứng với yêu cầu thoát nước, vì ống cống quá nhỏ. Nhiều con rạch vốn có chiều rộng 20 - 30m, trong quá trình đô thị hóa đã bị thu nhỏ còn một nửa và khi đặt cống lại càng nhỏ hơn nhiều. Cống hộp quá nhỏ sẽ không thoát nước tốt mỗi khi mưa và tình trạng ngập nước là khó tránh khỏi.

Một vấn đề đáng lo khác, khi lấp rạch làm cống hộp thì chức năng tạo cảnh quan, điều tiết môi trường của rạch sẽ không còn nữa. Cảnh quan sông nước bị biến mất, đô thị chỉ còn nhà gạch chen chúc, ngột ngạt. Đây là một mất mát lớn, rất khó bù đắp khi xóa sổ các con rạch.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục