Nhớ bữa ăn truyền thống

Hai nhật báo lớn nhất Singapore, The Straits Times và Lianhe Zaobao, vừa phát động chiến dịch tên gọi “Singapore Hawker Masters 2010” nhằm tìm lại những nơi bán các món ăn truyền thống ngon nhất nước với sự tham gia thẩm định của công chúng.

Đem chuyện này hỏi những bạn trẻ người Singapore, ý kiến chung của họ là “cũng tốt”, nhưng có vẻ vẫn kém nhiệt tình. Họ gật gù rằng đảo quốc Sư tử đúng là vốn nổi tiếng vì sự phong phú trong văn hóa ẩm thực với sự pha trộn giữa ẩm thực truyền thống Trung Hoa, Ấn Độ và Malaysia. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của hiện đại hóa, “gu” ẩm thực đang mất dần sự tinh tế.

Có thể nhận thấy sự hiện đại hóa đó trong Food court tại bất kỳ trung tâm thương mại nào, với hình thức giống nhau từ thành phần các gian hàng ăn tới mùi vị. Hồi mới sang Singapore, tôi cũng thích mô hình Food court lắm, vì nó tiện, có hình ảnh đẹp, và cũng như khắp nơi ở Singapore, nó có đông người xếp hàng chờ đồ ăn.

Cái cảnh xếp hàng dài dằng dặc trước mỗi gian đồ ăn vào giờ nghỉ trưa khiến mình vừa có cảm giác mệt mỏi, vừa vui thích quan sát. Thích vì tự nghĩ hàng dài là dấu hiệu chứng tỏ món ăn ở đó ngon. Cứ nghĩ thế nên đôi khi tự thấy “tội” cho gian hàng nào chỉ có lèo tèo vài khách chờ vào giờ cao điểm.

Buổi chiều, lại bất ngờ khi thấy nhiều gia đình cùng đi ăn ở Food court hoặc Coffee shop (cũng tập trung nhiều món ăn giống Food court nhưng ở ngoài đường thành 1 khu, không có máy lạnh).

Thecla, cô bạn trẻ làm bác sĩ trị liệu 29 tuổi, cho biết bây giờ nhiều gia đình không nấu ăn tối ở nhà. Bữa tối của họ hoặc tự ăn, hoặc cùng ra Food court, Coffee shop, nhanh gọn và tiện lợi hơn nhiều. Sau đó là khoảng thời gian mua sắm, xem phim hoặc đơn giản chỉ là quay về nhà nghỉ ngơi sau ngày dài làm việc.

Thecla tự hào mình trẻ, đã đi nhiều nơi, giúp nhiều người nhưng thú nhận “chỉ thích ăn đồ tây và ít khi về ăn cùng mẹ vì chuẩn bị một món ăn theo kiểu người Hoa công phu quá”. Thecla thuộc thế hệ 30-40 tuổi, thế hệ mà phần lớn các gia đình chỉ có tối đa 2 con, ngày càng khá giả và hiếm khi phải tự vào bếp nấu nướng. Nhiều người chỉ phải nấu khi đi du học nước ngoài hoặc ra ở riêng.

Kết quả là vốn kiến thức về gia chánh bị ảnh hưởng từ đa quốc gia hơn là địa phương. Các bà già thường than phiền ngày nay, đám trẻ không có khả năng sửa soạn công phu món bột rempah (loại bột làm từ 7 loại nguyên liệu được dùng trong rất nhiều món Singapore) trong khi trước đây, đó là một bài test bắt buộc để xác định liệu các thiếu nữ Peranakan (sắc tộc pha trộn giữa Trung Quốc và Mã Lai) đã sẵn sàng lập gia đình.

Nói vậy không có nghĩa món ăn truyền thống ở Singapore không còn hấp dẫn. Vẫn còn đó cháo ếch độc đáo, cua sốt ớt nổi tiếng hay bún xào Singapore nhiều màu sắc… Tuy nhiên, hiện đại hóa đã mang lại nhiều điều hay nhưng đồng thời làm mất đi những khái niệm về truyền thống nấu bếp. Mà cũng không riêng gì Singapore, ngay cả Pháp, quốc gia vừa được UNESCO công nhận “bữa ăn và cách chế biến đồ ăn Pháp” là văn hóa phi vật thể cũng đang cảnh báo về tính chất truyền thống trong bữa ăn khi điều tra cho thấy chỉ khoảng 53% gia đình cùng ăn tối ở nhà. Đúng là hiện đại, khá giả khiến con người bớt cầu kỳ và sẵn sàng chịu chi khoản tiền lớn để được ăn ngon trong nhà hàng sang trọng, được có người phục vụ, bạn nhỉ!

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục