Sự thảm bại của tuyển U.23 Việt Nam ở SEA Games 26 những ngày qua đã được mổ xẻ khá nhiều trên báo chí. Có cả những ý kiến về một nghi án bán độ như ở SEA Games 23 cách đây 6 năm tại Bacolod. Nếu quả thực chuyện bán độ được ngành an ninh chứng minh là có thật, tất cả những bài phân tích như của người viết bài này đều bị việt vị.
Lúc đó, sự yếu kém của U.23 Việt Nam hóa ra đã bị quyết định bởi những lý do ngoài chuyên môn. Nhưng trong khi trắng đen chưa được làm rõ, tôi không có lý do gì để nhìn hành trình của U.23 Việt Nam ở SEA Games 26 bằng con mắt của nhà thám tử thay cho một nhãn quan thuần bóng đá.
1. Hình ảnh cuối cùng của tuyển U.23 Việt Nam tại Indonesia đọng lại trong mắt tôi (và có lẽ của nhiều người hâm mộ khác) là gương mặt thẫn thờ của hai cổ động viên Việt Nam trên khán đài Bung Karno được camera truyền hình quay cận cảnh. Hàng chữ “Tôi yêu Việt Nam” và “Việt Nam chiến thắng” trên ngực áo màu đỏ tương phản một cách ghê gớm với khuôn mặt chảy dài của hai cổ động viên đang dự khán trận tranh huy chương đồng.
Cái mà tôi nhìn thấy còn hơn cả nỗi buồn, đó là sự ngơ ngác, bàng hoàng, hụt hẫng, tê dại. Những vết hằn đang cày xới trên mặt họ không phải là dấu tích của nỗi buồn khi thấy đội nhà thua trận (trong thể thao thắng thua là chuyện bình thường). Đó là sự thất thần của kẻ bất ngờ bị phản bội, bị đánh cắp niềm tin, bị thình lình ném vào giữa vòng xoáy của bao nỗi hoài nghi, tức tưởi.
2. Hơn mười năm nay, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ coi Myanmar là kỳ phùng địch thủ. Thỉnh thoảng Myanmar cũng có trận thắng hiếm hoi trước chúng ta nhưng họ thắng chật vật và chúng ta đều biết đó chỉ là tai nạn.
Ngược lại, bao giờ chúng ta cũng vượt qua đội bóng đến từ Rangoon một cách dễ dàng, thậm chí với những tỷ số rất đậm: 4-1 ở Tiger Cup 1996, 4-2 ở Tiger Cup 2002 và mới năm ngoái đây thôi ở AFF Cup 2010 - một giải đấu thất bại của Việt Nam, chúng ta vẫn đè bẹp Myanmar tới 7-1. Thế mà bây giờ, với gần một nửa đội hình là tuyển thủ quốc gia (Thành Lương, Trọng Hoàng, Văn Quyết, Long Giang, Đình Tùng...), chúng ta lại bị Myanmar hạ gục với tỷ số khó tin 4-1.
Nếu nhắm mắt lại, chỉ nghe tiếng của bình luận viên trên tivi trong buổi chiều thê thảm đó: “Như vậy là không có phép màu nào trong hiệp 2 (cho Việt Nam)”, “chúng ta đang nỗ lực tìm bàn thắng danh dự”, ắt nhiều người sẽ tưởng Việt Nam đang đá với đội tuyển Brazil hay đội tuyển Tây Ban Nha. Cứ như chuyện trong mơ.
3. Đội hình U.23 Việt Nam năm nay quả có sút kém. Sự thụt lùi về chất lượng chuyên môn của cầu thủ Việt Nam kể từ khi bóng đá doanh nghiệp hóa đi chệch hướng là câu chuyện dài cần tới một bài viết riêng. Nhưng kém đến mức thường xuyên thực hiện hỏng các động tác cơ bản như chặn bóng (văng xa cả thước), sút bóng (tất cả cầu thủ trên hàng công đều thay nhau bỏ lỡ vô số cơ hội), chuyền bóng (không chính xác, chuyền vào chân đối phương, đặc biệt hậu vệ rất “thích” chuyền bóng cho tiền đạo đối phương) thì quả là khó cắt nghĩa, nhất là trước đó khoảng nửa tháng cũng các cầu thủ này đã chơi khá tốt ở giải VFF Cup (thắng U.23 Myanmar 5-0, hòa U.23 Uzbekistan 1-1, hòa U.23 Malaysia 1-1).
Hiển nhiên không thể so sánh giải giao hữu với giải chính thức nhưng sự khác biệt giữa hai giải chỉ có thể dẫn đến sự khác biệt về vận hành chiến thuật đồng đội chứ không thể dẫn đến sự khác biệt về kỹ năng xử lý bóng cá nhân. Lứa cầu thủ dự SEA Games năm nay chất lượng không bằng các lứa đàn anh, nhưng rơi vào trạng thái “tụt ôxy” đột ngột trong vòng nửa tháng, theo tôi nếu không phải do “tiêu cực” thì ắt do quy trình huấn luyện có vấn đề.
4. Ông Goetz có thể là một huấn luyện viên giỏi nhưng có lẽ ông thuộc mẫu huấn luyện viên đề cao tính ưu tiên của hệ thống chiến thuật. Nhưng con người để thực hiện chiến thuật đó, tiếc thay ông lại không có. Chiến thuật dù hiện đại đến đâu nhưng không có cầu thủ phù hợp tất sẽ thất bại. Thể trạng của cầu thủ Việt Nam không phải là thể trạng của cầu thủ Đức. Chuyền dài: hỏng. Lật cánh: hỏng. Đánh đầu: hỏng. Bất lực khi thực hiện lối chơi của ông thầy mới, các cầu thủ dễ sinh ra chán nản, tuyệt vọng và hậu quả là không phát huy được các tố chất chuyên môn.
Chưa kể, tôi ngờ rằng vì không đánh giá đúng tố chất thể lực của cầu thủ Việt Nam, ông Goetz đã tính toán sai điểm rơi phong độ của học trò khi bắt các cầu thủ tập theo kiểu Đức. Đây là sai lầm mà huấn luyện viên Tavares đã vấp phải ở Tiger Cup 2004 khi biến những cầu thủ hừng hực khí thế trước đó thành những… ông già đi bộ khi vào giải.
Calisto thuộc mẫu huấn luyện viên có quan điểm ngược lại: Căn cứ trước hết vào chất lượng và thể trạng của cầu thủ để đề ra chiến thuật phù hợp. Qua tất cả các đời thầy ngoại, tôi vẫn cho rằng, Calisto là huấn luyện viên có lối chơi thích hợp với đặc điểm của người Việt Nam nhất.
Ngay cả khi ông thất bại tại SEA Games 25 trên đất Lào, tôi vẫn hết lòng tin tưởng ở ông qua bài viết trên mục này cách đây hai năm: “Cho đến tận bây giờ, tôi luôn coi Henrique Calisto là huấn luyện viên tài ba và thích hợp nhất để dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam. Chỉ dưới bàn tay ông, các đội tuyển Việt Nam mới tìm thấy lối chơi đầy bản sắc khiến bạn bè quốc tế nể phục. Các đội tuyển của Calisto luôn chơi đẹp mắt, giàu cá tính, máu lửa và hiệu quả”. Tất nhiên, nếu ông Goetz là một huấn luyện viên giỏi thật sự thì bài học thất bại ở SEA Games 26 sẽ giúp ông vỡ ra nhiều vấn đề để điều chỉnh quy trình huấn luyện.
5. Nhưng đến đây lại xuất hiện một câu hỏi quan trọng: Từ Tavares 1995 đến nay, chúng ta đã mất hàng chục năm với bao đời thầy ngoại để tìm ra được một ông thầy thích hợp nhất với bóng đá Việt Nam là ông Calisto, tìm ra chiến thuật thích hợp nhất với con người Việt Nam là lối chơi phối hợp nhóm, bật tường theo kiểu “tiqui-taca” (và chính ông huấn luyện viên đó, với chiến thuật đó đã đem về chiếc cúp vô địch Đông Nam Á đầu tiên cho Việt Nam), thế nhưng cuối cùng chúng ta lại cho ông ta nghỉ để đem về một ông huấn luyện viên khác, với một chiến thuật hoàn toàn khác, là cớ làm sao?
Một ông Goetz, cũng được thôi, nhưng nếu ông Goetz không kế thừa và phát triển lối chơi sau gần hai thập niên sàng lọc mới nhận ra là phù hợp với con người Việt Nam, thì có khác nào chúng ta đã tìm ra con đường đi của mình sau bao năm dọ dẫm trong rừng, bây giờ lại vô cớ lấp đi để bắt đầu mò mẫm tìm một con đường mới chưa biết dẫn về đâu? Như vậy, phải chăng não trạng những người lãnh đạo bóng đá nước ta có vấn đề?
Chu Đình Ngạn