(SGGPO).- Sáng 29-2, Báo SGGP đăng tin chú Lữ Minh Châu (Ba Châu) mất, thêm một người hiền nữa ra đi. Trong niềm thương tiếc và cảm nhận sâu lắng về một con người tài đức, xin viết đôi dòng về chú.
Quê chú Ba Châu ở U Minh, Cà Mau, từng tham gia bộ đội năm 1945. Sau đó công tác ở Văn phòng Liên tỉnh ủy Hậu Giang, Văn phòng Xứ ủy Nam bộ, Văn phòng Trung ương Cục. Năm 1954 tập kết ra Bắc, rồi sang Liên Xô học về Tài chính Ngân hàng. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là một mắt xích quan trọng của “đường dây buôn tiền” - vận chuyển đôla cho cách mạng miền Nam.
Lúc đầu việc chuyển tiền vào Nam được phối hợp với Bộ Quốc phòng vận chuyển bằng ô tô (tiền đóng vào hòm kẽm) theo đường Trường Sơn. Mỗi chuyến mất hàng tháng, có khi bị địch đánh cháy. Có khoảng 4 triệu đôla bị cháy và hàng chục chiến sĩ ta đã hy sinh. Từ năm 1967, tiền đưa vào cặp ngoại giao, vận chuyển qua đường hàng không Air France, từ Hà Nội, Quảng Châu, Phnom Penh rồi đưa về Tây Ninh. Đi đường này mất khoảng hơn 6 giờ và thực hiện được trong 4 năm. Sau này, việc chuyển tiền không chuyển trực tiếp bằng tiền mặt nữa mà chuyển bằng con đường FM.
Trong lần giải cứu một lượng tiền khá lớn trót lọt khi Lonnol làm đảo chánh ở Campuchia vào tháng 3-1970, chú Ba Châu đã xử lý nhanh chóng các công đoạn chôn tiền tại một kho hàng ở Phnom Penh, rồi sau đó lại đóng gói đưa lên xe chở về chiến khu miền Đông Nam bộ với khối lượng hai xe tải lớn, ngụy trang bên trên là những hũ mắm bù hốc. Đây được xem như một phi vụ anh hùng của chú Ba Châu và đồng đội.
Với cách chuyển tiền qua FM, ta đã chuyển hàng trăm triệu đôla viện trợ thành tiền Sài Gòn. Trong đường dây này, chú Ba Châu được biệt phái vào công tác trong một ngân hàng Sài Gòn. Tại đây, chú móc nối với một nhà tư sản có môn bài xuất nhập cảng hàng chục ngành nghề và có chân trong nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh vàng từ Hồng Công, Singapore và các nước. Với cách làm này, các thanh toán được thực hiện chưa đầy 30 phút. Sau đó, chú Ba Châu tổ chức chuyển tiền để chi cho chiến trường, ngụy trang bằng những chiếc xe chở gạo, bia, nước ngọt... Trong đường dây chuyển tiền có cha mình - ông Lữ Văn Buổi, cán bộ tiền khởi nghĩa, đóng vai thương nhân người Hoa, nhận chuyển tiền cho Khu 8, Khu 9. Ông có quan hệ với khoảng 200 ngân hàng ở Hồng Công, Paris, London... Nhiều năm chuyển tiền bằng điện hối, séc cầm tay, không để xảy ra sơ suất nào.
Ngày 30-4-1975, chú Ba Châu làm Trưởng ban quân quản các ngân hàng Sài Gòn - Gia Định, tiếp quản toàn bộ tiền vàng chế độ cũ. Khi tiếp quản còn trên 1.000 tỷ đồng tiền giấy, gấp đôi lượng tiền lưu hành thời điểm đó (615 tỷ đồng, trong đó tiền mặt là 440 tỷ đồng, còn lại là tiền gửi), lưu thông cho đến khi đổi tiền năm 1976. Số vàng còn ở trong kho đã trở thành tài sản quốc gia.
Từ khi về làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, kiêm Trưởng ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận từ đầu năm 1990 cho đến 1995, chú Ba Châu đã góp phần đắc lực xây dựng thành công mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp đầu tiên của cả nước. Đây là nơi thực hiện “1 cửa, 1 dấu”, chủ động trong sản xuất kinh doanh, khẳng định bước tiến mới, thoát khỏi cơ chế quan liêu bao cấp. Đại hội lần thứ VI của Đảng, chú Ba Châu được bầu vào Trung ương, với nhiệm vụ Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng cho tới năm 1989 và là đại biểu Quốc hội khóa VIII.
Theo lời mời của chú Võ Văn Kiệt, chú Ba Châu còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, rồi phụ trách việc xây dựng Khu di tích cách mạng miền Nam ở Tây Ninh cho tới lúc chính thức nghỉ hưu là 74 tuổi.
Với 87 tuổi đời, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, chú Ba ra đi trong niềm tiếc thương của mọi người. Trong dòng người đến tiễn chú đều có chung cảm nhận đây là một con người có công và liêm khiết. Khi nói về người bạn đời, cô Trần Ngọc Điệp chỉ nói ngắn gọn: “Chú Ba là một con người chung thủy và luôn đặt lợi ích chung lên trên”.
Đơn vị của chú Ba Châu vừa rồi đã đón nhận danh hiệu Anh hùng, còn chú được tặng Huân chương Độc lập hạng nhì. Trong mắt của nhiều người, chú Lữ Minh Châu xứng đáng là một anh hùng.
Rất kính trọng chú Ba Châu, một con người có công trạng lớn lại rất ít nói về mình, một hiện thân về nhân cách đẹp - quá đỗi giản dị, chân phương.
PHẠM PHƯƠNG THẢO