Trong những năm qua, nền kinh tế Mỹ đã liên tục tạo ra thêm nhiều việc làm mới, nhờ vậy mà giảm đáng kể tình trạng thất nghiệp. Ngoài ra, các chỉ số khác cũng đều tích cực và theo dự báo của các nhà kinh tế, nếu không có sự cố bất ngờ nào thì tính đến năm 2019, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Con bài QE
Giai đoạn sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có lúc lên đến 14%. Thế nhưng hiện nay, tỷ lệ này đang ở mức 5,8 %. Nhóm các nhà kinh tế Perryman dự báo xu hướng tích cực về việc làm sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất là đến năm 2019, trừ khi có một cú sốc lớn không lường trước được. Niềm tin của người tiêu dùng tăng lên mức cao nhất trong 11 năm qua, lạm phát giảm mạnh nhất trong 6 năm qua. Cổ phiếu tăng cao.
Nhờ sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã kết thúc chính sách tung tiền kích thích kinh tế (QE). Nhìn lại giai đoạn giữa mùa thu năm 2007 đến cuối năm 2009, nền kinh tế Mỹ mất gần 9 triệu việc làm. Nếu không có QE, nền kinh tế Mỹ sẽ tồi tệ hơn. Phải mất gần 5 năm, Mỹ mới có thể nâng số việc làm trở lại với mức trước khi suy thoái kinh tế và nếu không có QE, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng. Mặc dù đã ngừng QE nhưng FED vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp gần như bằng 0 (từ năm 2008).
Giá dầu giảm có thể tiết kiệm 300 tỷ USD cho Mỹ trong năm 2015.
Sau QE, là lĩnh vực khai thác dầu đá phiến. Thay vì phải nhập phần lớn lượng dầu tiêu thụ, Mỹ đã bắt đầu sử dụng nguồn dầu của mình do những tiến bộ trong kỹ thuật khoan thủy lực, góp phần vào sự gia tăng thăm dò, khai thác và sản xuất dầu trong vài năm qua. Kết quả là, lượng dầu thô của Mỹ tăng chưa từng thấy kể từ năm 1980. Ngành công nghiệp dầu là một động lực chính thúc đẩy nhiều ngành kinh doanh khác và cả nền kinh tế nói chung, đặc biệt là ở các bang có lượng đá phiến lớn, như: Texas, North Dakota, New Mexico, Oklahoma, Colorado, Wyoming, Utah, Ohio, West Virginia và Pennsylvania. Giá dầu thế giới giảm sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế Mỹ do lượng dầu đá phiến chủ yếu đáp ứng thị trường trong nước chứ không phải xuất khẩu. Báo Chicago Tribune dẫn lời nhà kinh tế Diane Swonk cho rằng nếu giá dầu duy trì ở mức thấp như hiện nay, trong cả năm 2015, nền kinh tế Mỹ tiết kiệm được 300 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh giá dầu nếu kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, đặc biệt liên quan đến việc thăm dò và mở rộng khu vực khai thác. Dự báo nền kinh tế Texas sẽ là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng từ sự giảm giá dầu.
Rủi ro từ bên ngoài
Dự báo của các nhà kinh tế, kinh tế Mỹ sẽ tương đối lành mạnh trong thời gian 2014 - 2019. GDP ước tính sẽ tăng 2,9 ngàn tỷ USD, đạt 18,9 ngàn tỷ USD (tăng bình quân 3,37 %/năm). Hơn 12 triệu việc làm mới dự kiến sẽ được tạo ra trong giai đoạn này và các điều kiện cơ bản khác của nền kinh tế vẫn duy trì tốt hơn nhiều so với giai đoạn 2007 - 2009. Tuy nhiên, bước vào năm 2015, nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với những thách thức đáng kể khi nguy cơ xung đột quân sự gia tăng ở một số khu vực và sự bất ổn tài chính tại Nga, Liên minh châu Âu (EU). Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông John Williams, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang tại San Francisco cho rằng những tiêu cực về kinh tế ở nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Mỹ.
Ngoài ra, những thay đổi trong bối cảnh chính trị trong nước cũng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế vì năm 2015 - 2016 diễn ra cuộc vận động và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Các chính khách có thể thay đổi những ưu tiên trong kinh tế (cả tích cực và tiêu cực), nhất là cuộc tranh luận lớn về nhập cư và y tế.
THỤY VŨ (tổng hợp)