Nhớ mãi người chiến sỹ ấy!

Được tin Nguyễn Mạnh Hà đột ngột ra đi tôi không khỏi bàng hoàng. Cả ngày qua, tôi chẳng làm được việc gì. Cứ nhắm mắt, lại thấy gương mặt của Hà với vầng trán rộng, nụ cười ấm áp và ánh nhìn thân thiện.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà. Ảnh: XUÂN CƯỜNG
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà. Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Ban Đại diện báo QĐND tại TPHCM nhận một chiến sỹ lái xe do Cục Hậu cần Tổng cục Chính trị (TCCT) điều tới. Thời gian cách đó chưa lâu, anh Thái lái xe của cơ quan đột ngột qua đời do một tai nạn hy hữu.

Chiều hôm đó, tôi nhận được tin ông Thái té ngất xỉu trong nhà ăn của cơ quan. Tôi chạy đến đỡ ông ngồi dậy. Ông Thái nói không sao đâu, nhưng đầu ông quẹo ngang. Tôi bảo anh em đưa ông đi bệnh viện gấp. Đến BV cấp cứu Bến Thành, khám qua, bác sỹ ơ đây đã ra lệnh chuyển gấp ông sang bệnh viện Chợ Rẫy. Đêm ấy, chúng tôi cùng bà Luật (vợ ông) và các cháu túc trực bên ông. Sớm hôm sau, ông Thái lặng lẽ ra đi theo tổ tiên.

Cái buổi chiều định mệnh ấy chỉ là khoảnh khắc tích tắc của cuộc sống. Hết giờ làm việc đáng lẽ ông Thái đã về với vợ con, nhưng nhìn trên tường nhà ăn của cơ quan có mạng nhện, ông kéo ghế đứng lên tháo gỡ và trượt chân té ngã. Ông ra đi đột ngột không kịp để lại lời trăng trối. Lúc sinh thời, ông Thái sống hết mình với mọi người. Ai cũng quý trọng ông. Chúng tôi gọi ông là người tử tế. 

Tôi và anh Phạm Đình Trọng, Trưởng Ban Đại diện báo QĐND tại TPHCM cứ tâm sự mãi với nhau về điều ấy, về phẩm chất của người tử tế. Người tử tế không phân biệt cấp bậc, chức vụ, hoàn cảnh...

Phẩm chất lớn nhất của người tử tế là sống có tình có nghĩa, có trách nhiệm, dám hy sinh quyền lợi cá nhân vì tập thể, vì người khác. Ông Thái đích thực là một người như thế. Ông đột ngột ra đi, để lại nỗi tiếc thương của mọi người. 

Sau đó ít lâu, Cục Hậu cần TCCT bổ sung cho chúng tôi một lái xe khác. Đó cũng là một người tử tế. Nhưng khoảng sau 1990, do nhu cầu công tác, chúng tôi giao công việc khác cho nhân viên lái xe này và Nguyễn Mạnh Hà đã về thay thế vị trí ấy.

Gốc quê Hưng Yên gắn liền với những giai thoại về phố Hiến một thời, Nguyễn Mạnh Hà có nét riêng từ ngoại hình đến tâm hồn. Hà có nước da trắng trẻo, thư sinh, vầng trán cao rộng. Tâm hồn Hà gần như khác biệt với công việc của anh: lịch lãm, khiêm nhường, chu đáo. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hà đã thu phục được tình cảm của mọi người. Không chỉ có anh em trong cơ quan mà cộng tác viên, khách từ khắp nơi đến làm việc đều nhận được sự chu đáo, tận tình của Hà. Phẩm chất tử tế của Hà không chỉ thể hiện với đồng đội, đồng nghiệp,mà còn thể hiện rất rõ bởi sự khiêm nhường, biết mình là ai, đang ở đâu và phải làm gì. Được sống chung với Hà trên chục năm, tôi hiểu rõ người "cầm lái" này của cơ quan. Anh không chỉ chuyên thông nghề nghiệp mà dường như điều gì anh cũng biết. Chỉ có điều có nói ra hay không? Và, nếu nói thì nên nói lúc nào...

Đối với gia đình, Hà là đứa con hiếu thảo. Tôi nhớ khi mẹ anh lâm bệnh nặng, Hà luôn tìm cách cùng anh chị em trong gia đình cứu mẹ. Mẹ qua đời, anh luôn nhớ đến mẹ, cần mẫn lặng thầm làm những điều mẹ dặn. Với gia đình riêng cũng thế, Hà lặng lẽ chịu đựng vượt qua mọi khó khăn để giữ gìn hạnh phúc. Đồng lương nhân viên lái xe không đủ trang trải, nhưng anh không hề để lộ sự thiếu hụt, lúc nào cũng nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Có lẽ thế, cho đến khi anh đột ngột ra đi về với tổ tiên, ai cũng thương tiếc anh và mái ấm riêng của Hà vẫn trọn vẹn. Cháu Hoàng, con trai của vợ chồng anh là một sinh viên chăm ngoan, có chí phấn đấu. 

Và, đúng là định mệnh, Nguyễn Mạnh Hà chọn ngày về với tổ tiên khi vừa bước vào tuổi 47 đúng vào ngày giỗ mẹ của anh. Anh đã vĩnh viễn ra đi sau một cơn đột quỵ nhồi máu cơ tim. 

Công tác ở báo Quân đội Nhân dân hơn 20 năm, Nguyễn Mạnh Hà vẫn chỉ là "chàng" Thượng uý QNCN làm nhiệm vụ lái xe. Dường như anh luôn hài lòng với công việc được giao. Anh luôn tâm niệm "yêu xe như con, quý xăng như máu" mà người lính lái xe quân đội nào cũng phấn đấu, rèn luyện. Hơn thế, Hà luôn là người lính sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nguyễn Mạnh Hà có mặt 

trên từng cây số với các phóng viên báo QĐND. Bất cứ lúc nào, khi có yêu cầu anh đều sát cánh với phóng viên nơi vùng lũ lụt, thiên tai, hỏa hoạn hay nơi thao trường bỏng nắng, các vùng biên giới, hải đảo xa xôi...

Chia tay báo QĐND đã 15 năm, nhưng lần nào về thăm lại cơ quan cũ, gặp Hà và các đồng đội, đồng nghiệp, tôi cũng nhận được tình cảm ấm áp, chân tình. 

Gặp nhau tất niên trước thềm Mậu Tuất vừa qua, Hà vẫn sôi nổi, nhiệt tình, chu đáo với mọi người. Thấy tôi và Đại tá Phạm Đình Trọng, nguyên Trưởng Ban Đại diện phía Nam báo QĐND chếnh choáng đôi chút sau bữa liên hoan, Hà cứ khẩn khoản đề nghị để anh lái xe đưa về...

Mới đó, mà một người tử tế nữa của chúng tôi đã ra đi. 

Thương hiệu của bất cứ cơ quan, đơn vị nào, tôi nghĩ, không chỉ là công sức của riêng cán bộ chủ chốt mà là của tất cả các thành viên. Đối với báo QĐND cũng thế, sự đóng góp thầm lặng của những người lính lái xe như ông Thái, như Nguyễn Mạnh Hà... là không nhỏ, góp phần xây nên truyền thống tờ báo Anh hùng của những người lính Bộ đội Cụ Hồ. Đó là những tấm gương bình dị mà cao cả. Những tấm gương, những người tử tế ấy thời nào cũng có, cũng hiếm, cần được lan tỏa, để xã hội ta ngày một tốt lên như dòng chủ lưu, mạch máu đỏ vốn có trong đời sống tinh thần của xã hội.

Bài viết này thay nén tâm nhang tưởng nhớ một người tử tế - người chiến sỹ ấy ! 

TPHCM 13-3-2018

Tin cùng chuyên mục