Mấy ngày thành phố bị ảnh hưởng bão, mưa gió vần vũ, ông Ba thường ngồi trông ra cửa, nhìn mưa gió quần quật mà lặng người. Ông thấy nhớ da diết cái thời trai trẻ, vai mang ba lô, đầu trần, chân đất, lội suối, băng rừng bất chấp gió mưa, nung nấu niềm tin đánh thắng lũ giặc xâm lược giải phóng đất nước. Ký ức cuộc sống ở rừng chợt tràn về, đầy ắp khoảng trống tâm hồn người già.
Ông Ba nhớ thuở thoát ly gia đình theo cách mạng. Nhớ thời lăn xả từ chiến khu A (An Phú Đông) qua chiến khu B (Láng Le – Bàu Cò) đến chiến khu C (Củ Chi)… Hoạt động ở đâu cũng bị giặc ruồng, bố ráp gay gắt. Đến lúc không thể bám trụ ở những trận địa này, ông cùng đồng đội rút vào chiến khu Đ (Thủ Biên) để hoạt động. Dẫu vất vả gian khổ, khó khăn đến mấy anh em cũng cam chịu, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh đến hơi thở cuối cùng.
Nhớ cuộc sống ở rừng, cái gì cũng quý giá, từ nước uống, gạo hẩm đến củ rừng, rau xanh, chất đạm… Chỉ một con chuột rừng bé tẹo, anh em nào bắt được cũng cảm thấy hồ hởi, phấn khởi, liền đem ướp tí muối, nướng lên, thế là đã cải thiện bữa ăn. Còn thường ngày, bữa nào cũng là cơm gạo mục (gạo giấu dưới đất) với thịt cọp (muối hột đâm… cộp cộp, cho nhuyễn ăn với cơm). Lâu lâu, được bà con tiếp tế cho mớ đường thốt nốt với mấy ký gạo ngon, quý vô cùng. Anh nuôi lập tức nấu liền một nồi chè ngọt lịm đãi anh em. Ai cũng vui mừng hồ hởi. Nhiều anh lính trẻ, lâu ngày không được ăn đồ ngọt nên được dịp làm liên tù tì đến 6-7 chén.
Khó khăn về lương thực, đồ vật thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày là vậy, ấy thế mà đời người lính giữa rừng chẳng ai bệnh vặt, ngoại trừ căn bệnh sốt rét rừng. Mà hầu như hiếm có chiến sĩ nào thoát khỏi những trận sốt rét rừng quái ác. Người bị sốt, dù đắp mấy cái chăn, rồi 2-3 người đè lên, giữ lại, mà vẫn cứ run bần bật. Sốt vài bữa rồi thôi. Các chiến sĩ lại tiếp tục lao vào công việc.
Nhưng ngẫm lại, sự thiếu thốn vật chất ấy thật chẳng thấm tháp vào đâu so với nỗi niềm khao khát về tinh thần. Ở rừng mà, ai lại dám ăn to nói lớn đâu, vì sợ mấy thằng biệt kích rình mò, phát hiện. Thế nên, mấy anh lính trẻ mê ca hát rất thích mưa, mê gió lớn để anh em có thể quây quần bên nhau hát một bữa cho đã ghiền. Ông Ba nhớ hôm ấy, trời mưa khá lớn. Gió quần quật. Các tán cây, cành cây cứ quấn vào nhau hỗn loạn.
Trong chòi lán, 5-7 anh em ngồi túm tụm bên nhau. Mặc kệ cơn đói, cái lạnh, những giọng ca trai trẻ, hừng hực khí thế chiến sĩ cùng hòa nhịp hát vang những bài ca yêu nước. Anh nghe chăng cung kèn rạng đông, đang uy linh lừng vang trên không, đang thiết tha hùng hồn, khơi chí gan Lạc Hồng… bài hát Rạng đông của tác giả Hùng Lân đã mở đầu cho bữa tiệc âm nhạc sôi nổi, đầy nhiệt huyết ấy. Những Quốc tế ca, Tiến quân ca, Diệt phát xít… cứ thế nối tiếp nhau vang vang cả một khoảng rừng mênh mông. Đâu ai biết, trên tận những tầng cao nhất của hàng hà cây rừng bạt ngàn lại là một cơn bão lớn. Bão như vây lấy những giọng hát chiến sĩ, che chắn không để giặc nghe thấy, biết đến.
Mọi người hát đến mệt nhoài mới chịu nghỉ. Không gian như chựng lại, chỉ còn mỗi tiếng mưa rơi. Ngồi trong lán, các chiến sĩ phóng tầm nhìn xa xa, tít tắp, xuyên cả màn mưa với cùng một tâm trạng mơ ước ngày độc lập, ngày đoàn tụ với gia đình... Những ánh mắt ấy có lúc bất chợt chạm nhau, chan chứa tình cảm, sự sẻ chia không cần lời. Chính giữa muôn trùng gian khó ấy, tình đồng đội, đồng chí, tình cảm giữa người chỉ huy và anh lính cứ như răng với môi, gắn bó, gần gũi hết mực.
Ông Ba chợt nhớ câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù…”. Giọt nước mắt nóng ấm long lanh trong khóe mắt người chiến sĩ cách mạng lão thành. Trong ông, quá khứ luôn không ngủ yên! Ông nhớ đồng đội, nhớ cái lán ông từng ở, nhớ khoảnh đất trồng rau muống luôn thiếu nước sạch để tưới. Ông nhớ cả cái giếng nước ngọt quý giá giữa rừng bạt ngàn…
Rừng đã che chở cho ông và bao đồng đội cùng sống, chiến đấu, hoạt động cách mạng. Rừng cung cấp nhiều lương thực, sự sống cho bộ đội Cụ Hồ. Rừng còn là nơi yên nghỉ của bao đồng đội, đồng chí đã hy sinh anh dũng. Rừng to lớn bạt ngàn luôn chất chứa bao tình cảm thiêng liêng của những người từng sống, từng thở cùng một nhịp với rừng. Thế mà, ngày nay người ta lại đan tâm phá rừng không thương tiếc, kể cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn! Rồi ông Ba suy nghĩ miên man: Lâm tặc là ai và ai đã bao che, tiếp tay, làm ăn chung với lâm tặc?!...
Thúy Bình