Nhớ tết Hoàng Sa

Hơn 40 năm trước, họ là những người ăn tết tại Hoàng Sa. Với họ, đó có lẽ là những đêm giao thừa thiêng liêng nhất mà họ từng trải qua. Để bây giờ, mỗi khi mùa xuân về, họ lại nôn nao nhớ về Hoàng Sa, nơi mà họ đã có một thời gian dài “cưỡi sóng, đạp gió” gửi cả tuổi thanh xuân của mình ở đó.
Nhớ tết Hoàng Sa

Hơn 40 năm trước, họ là những người ăn tết tại Hoàng Sa. Với họ, đó có lẽ là những đêm giao thừa thiêng liêng nhất mà họ từng trải qua. Để bây giờ, mỗi khi mùa xuân về, họ lại nôn nao nhớ về Hoàng Sa, nơi mà họ đã có một thời gian dài “cưỡi sóng, đạp gió” gửi cả tuổi thanh xuân của mình ở đó.
 
Tết giản dị

Ông Võ Như Dân năm nay 78 tuổi. Ông Dân là nhân viên Nha khí tượng Sài Gòn. Trong 13 lần công tác ra Hoàng Sa, có 6 lần ông đón giao thừa nơi vùng biển đảo thiêng liêng đó. Dẫu không còn tường minh nhưng khi nhắc đến hai tiếng Hoàng Sa, ông lại thấy rạo rực trong người.

Gấp cuốn sách Hoàng Sa-Trường Sa là máu thịt Việt Nam, ông bảo, đó là người bạn tri kỷ mấy năm nay của ông để khỏa lấp đi nỗi nhớ luôn cồn cào trong ông về Hoàng Sa. Trầm ngâm hồi lâu như muốn vén tấm màn ký ức, ông chậm rãi kể. Năm 1956, với vai trò là nhân viên khí tượng thủy văn, lần đầu tiên ông đi Hoàng Sa, khi đó mới tròn đôi mươi. Cho đến giờ, những tình cảm anh em, những kỷ niệm những ngày “ăn sóng, ngủ gió”, đón giao thừa tại Hoàng Sa cùng đồng nghiệp vẫn luôn ẩn hiện. Những đêm giao thừa bình yên, rất đỗi giản dị như chính trong ngôi nhà, sân vườn, ao cá của mình.

Ông Võ Như Dân bên cuốn sách Hoàng Sa - Trường Sa là máu thịt Việt Nam.

Ông Dân nhớ lại: “Ăn tết ngoài đó, mình ăn cá với ốc thôi. Những ngày tết anh em rủ nhau ra lặn biển. Ngày mùng 1 cũng lì xì, chúc tụng nhau may mắn. Tết vui chơi chút xíu, đến giờ làm việc lại quay về với công việc, rồi nấu ăn. Vui nhất là đi bắt cá, bắt ốc”.

Cùng ăn những cái tết ở Hoàng Sa những năm đó có ông Trần Văn Sơn (66 tuổi) ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà. Ông Sơn là một trong những nhân chứng ăn tết cuối cùng tại Hoàng Sa. Ông Sơn vẫn nhớ như in lúc 14 giờ ngày 27-1-1973 (ngày 30 Tết âm lịch), ông cùng mọi người lên tàu xuất phát. Đến Hoàng Sa, thời khắc giao thừa điểm. Ông Sơn khi đó cũng mới 24 tuổi. Rời đất liền bịn rịn bao nhiêu thì đặt chân lên Hoàng Sa lại tự hào bấy nhiêu, bởi chính nơi ông đang đặt chân, những bậc tiền nhân đã đổ máu xương để xác lập chủ quyền. Tết giữa Hoàng Sa, với ông Dân, ông Sơn… pháo hoa giữ biển khơi là những cánh chim hải âu sải cánh chao lượn như chim én báo tin xuân, là những đợt sóng bạc đầu như những giàn hoa trắng tinh khôi nở rộ khi mùa xuân về giữa đại dương xanh thẫm…
 
Đã nhiều năm, bây giờ ăn tết tại đất liền với con cháu, được sum họp với gia đình, khoảnh khắc giao thừa tại Hoàng Sa luôn “dội” về trong ông Dân, ông Sơn đến nghẹt thở. Đó có lẽ là giao thừa linh thiêng nhất, vinh dự và tự hào nhất mà các ông từng cảm nhận. “Không ai nghĩ đó là cái tết cuối cùng cho đến nay của người Việt Nam trên vùng biển đảo Hoàng Sa mà cha anh đã đổ xương máu gìn giữ”, ông Sơn nói rồi lặng người đi, hướng ánh mắt ra mặt biển xanh trong nơi vịnh Sơn Trà, điểm xuất phát của mấy chục năm về trước ông thẳng tiến ra Hoàng Sa...

Hoàng Sa không mất!

Ông Dân, ông Sơn hay nhắc nhở con cháu rằng, biển trời Hoàng Sa đẹp lắm, cá tôm dồi dào và linh thiêng lắm, nơi đó có những ngôi miếu dựng thờ tiền nhân đã vượt sóng gió ra cắm mốc chủ quyền, để ngày rằm, mùng 1, lễ tết, ông và đồng nghiệp nấu những bữa cơm đạm bạc cùng dâng lên những nén tâm nhang cầu mong đất nước trường tồn…
 
Tuổi cao, sức yếu nhưng mỗi lần huyện đảo Hoàng Sa tổ chức gặp mặt nhân chứng từng sống, làm việc tại Hoàng Sa, dù có đau ốm các ông cũng đi, chỉ để được nghe hai tiếng Hoàng Sa. Dẫu đôi tai của ông Dân bây giờ đã nặng, nhưng ông vẫn nghe hết, ông bảo nghe Hoàng Sa bằng cả tấm lòng. Nỗi nhớ thường trực trong ông hàng ngày, quay quắt, thao thức trong ông hàng đêm. Nhớ rồi, ông ước mơ bình dị được một lần quay trở lại vùng biển đảo thiêng liêng mà non nửa cuộc đời thanh xuân ông đã gửi gắm. “Nhớ lại Hoàng Sa một trăm ba chục cái đảo. Ước mong được đi ra ngoài đó coi thử lại tình hình. Ưng cho Hoàng Sa trở về với Việt Nam, được đi thăm một chuyến. Nhiều đêm nằm ước mong rứa thôi”, ông Dân chia sẻ.

Nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ Tiếng hát con tàu đã viết: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”. Cái ngày mà ông Dân ở Hoàng Sa, vùng biển đảo thiêng liêng đó chưa bị xâm chiếm nên ông bảo các chuyến đi công tác ra Hoàng Sa thấy bình thường như đi từ địa phương này qua địa phương khác của đất nước. Bây giờ, qua hơn 40 mùa xuân, ông không thể nào được đặt chân đến, nên nỗi nhớ trong tiềm thức luôn thường trực, Hoàng Sa cứ âm thầm mà cuộn chảy trong tâm hồn ông mà ông tự đặt tên đó là tâm hồn Hoàng Sa. Tâm hồn Hoàng Sa giờ không còn của riêng ông Sơn, ông Dân nữa mà của chung cả dân tộc Việt Nam, bởi nơi đó, là biển đảo quê hương, là chủ quyền đất nước.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa kể bằng giọng tự hào xen lẫn cảm phục và tri ân những nhân chứng Hoàng Sa: “Có những người từng công tác tại Hoàng Sa bây giờ không được ra lại nơi vùng biển đảo đó đã gửi gắm nỗi nhớ, niềm thương ấy vào tên của những đứa con mình sinh ra, đặt tên con là Hoàng Sa; lại có những người chỉ đem về kỷ vật là một con ốc thôi để mỗi khi nhớ Hoàng Sa lại áp tai vào, nghe âm thanh biển khơi mà mường tượng ra biển Hoàng Sa trước mặt, gần gũi và thân thương…”! Ông là người đã cúi đầu trước nhân dân để nói lời xin lỗi rằng ông chưa làm được gì nhiều trong nhiệm kỳ đầu tiên làm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa để đóng góp, đấu tranh hiệu quả đòi lại chủ quyền. Ông cũng là người rơi những giọt nước mắt mặn chát như nước biển Hoàng Sa đang bị xâm chiếm để cho những xúc cảm về Hoàng Sa dâng trào mỗi khi ông được gặp các nhân chứng từng sống tại Hoàng Sa, mỗi khi ông được tiếp nhận trên tay những kỷ vật linh thiêng từ vùng biển đảo thiêng liêng ấy… Vị chủ tịch đầu tiên của huyện đảo ấy bây giờ đã về hưu, nhưng tận sâu trong tâm khảm ông vẫn còn day dứt lắm khi ông bảo việc đấu tranh giành lại chủ quyền Hoàng Sa còn dang dở.
 
Thời gian thoi đưa, những nhân chứng từng sống, ăn tết tại Hoàng Sa rồi cũng sẽ mai một. Nhưng như ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, nói thì Hoàng Sa không mất, Hoàng Sa chỉ vĩnh viễn mất khi mà người Việt cuối cùng không còn nhắc đến Hoàng Sa. Điều đó, theo ông Tiếng, sẽ không bao giờ xảy ra khi mà nơi chính mảnh đất của những nhân chứng Hoàng Sa, hàng loạt những hoạt động khơi gợi lòng yêu nước, hàng loạt những hành động vì chủ quyền biển đảo Hoàng Sa luôn được các thế hệ đi trước truyền lửa, nhân rộng. Trong khuôn khổ ngày hội lịch sử 2014, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng đã tổ chức cuộc thi viết về Hoàng Sa thân yêu. Hơn 8.700 bài dự thi là ngần ấy những tấm lòng cụ thể hướng về Hoàng Sa thân yêu.
 
Ông Bùi Văn Tiếng cũng khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với thế hệ trẻ dẫu chưa được đến với Hoàng Sa trên thực địa nhưng rõ ràng qua những cảm nhận ấy, những suy nghĩ, tình cảm các em đã thẩm thấu và khẳng định một chân lý - Hoàng Sa là của Việt Nam.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục