Hình ảnh những người công nhân vệ sinh TPHCM mặc áo màu vàng cam, lam lũ với xe đẩy và chổi tre trên tay, đêm ngày cần mẫn quét đường phố và thu dọn rác, làm nhiều người chạnh lòng và không khỏi thắc mắc: TPHCM đang xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, vậy sao công nhân vệ sinh vẫn phải lao động với những công cụ thô sơ như cả trăm năm trước?
Nhọc nhằn mùa lá rụng
Chị Nguyễn Thị Lan đang cố sức quét sạch đoạn đường trước cổng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1) để kịp trước giờ phụ huynh đưa con đến trường. Nghe chúng tôi hỏi thăm, chị kể: “Những ngày cuối năm cũng là mùa cây rụng lá. Đây là khoảng thời gian vất vả nhất đối với những người quét dọn đường phố. Những hôm nhiều gió, vừa quét đến cuối đường thì đầu đường lại rụng đầy lá. Đành đẩy xe quay lui quét lại từ đầu”. Chị Lan tâm sự về công việc của mình, hơn 12 năm trước, chị rời quê Thanh Hóa vào làm công nhân vệ sinh Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1. Công việc quét đường tuy nặng nhọc, vất vả, thu nhập không cao nhưng ổn định, khoảng 6 triệu đồng/tháng, nên chị có thể góp sức cùng chồng nuôi hai con ăn học.
Chị Ngọc Tuyền, công nhân Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 3, cũng nói rằng vào dịp cuối năm thì lắm rác, lá cây rụng nhiều, công việc của người quét đường nặng gấp đôi ngày thường. Có một số đuối sức nên xin nghỉ phép nhiều hơn. Phải trám chỗ những người nghỉ phép nên công việc của chị Ngọc Tuyền thất thường, cơ động. Chị cho biết: “Hôm nay công ty giao quét đường Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu và Nam Kỳ Khởi Nghĩa; mai sẽ giao quét tuyến đường khác. Giờ giấc làm việc cũng thất thường, có hôm được bố trí quét ban ngày, hôm sau làm ca đêm, vô chừng lắm!”.
Theo chân những người quét rác đêm mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của người công nhân quét đường. Đêm xuống, rác xuất hiện trên đường không chỉ có bụi đất, lá rụng, mà nhiều khi còn có bồn cầu hư, chăn nệm cũ, xà bần... do những người thiếu ý thức lén mang đồ phế liệu bỏ ra đường. Các công nhân quét rác trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) kể về một đêm trắng mới đây. Con đường thơ mộng có nhiều cây xanh, lá rụng nhiều, nên thường ngày công nhân phải quét đến khuya mới xong. Khi công việc tưởng đã xong, trên đường chợt xuất hiện một đống xà bần khổng lồ do ai đó mang đến đổ trộm. Để giải tỏa núi xà bần trước khi trời sáng, công ty phải dùng nhiều chuyến xe tải để vận chuyển, còn công nhân quét đường bị một đêm không ngủ. Công việc quét rác về đêm không chỉ nhọc nhằn, mà còn nhiều rủi ro. Nỗi lo sợ thường trực là gặp người say xỉn phóng xe máy trên đường, người quét đường rất dễ bị tông phải. Không ít tai nạn thương tâm đã xảy ra.
Trăm năm vẫn chiếc chổi tre
Những ngày cuối năm, TP như không ngủ. Dù ngày hay đêm, đường phố luôn đông đúc nhộn nhịp. Lặng lẽ trong dòng người và xe cộ ngược xuôi, những người quét đường vẫn cần mẫn đưa từng nhát chổi tre quét sạch lá, dọn sạch rác. Giọt mồ hôi và sương khuya thấm đẫm trên áo của những người công nhân quét đường để sáng mai có những con đường sạch cho mọi người đi.
Công nhân quét đường vẫn phải vất vả với chiếc chổi tre và xe đẩy thô sơ
TPHCM đã phát triển, có nhiều đổi thay, phương tiện giao thông hiện đại, vậy mà công cụ lao động của những người quét đường vẫn là chổi tre, xe đẩy như trăm năm trước. Chị Nguyễn Thị Lan cho biết, mỗi tháng công ty cấp cho mỗi công nhân 75.000 đồng tiền mua chổi, nhưng vào mùa lá đổ, cứ 2 ngày quét đường là đã phải thay chổi mới, nên số tiền công ty cấp chỉ đủ mua chổi quét nửa tháng.
Đội trưởng Phạm Trọng Chánh làm việc tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1, đã nhiều năm gắn bó với nghề công nhân quét đường, cho biết: “Tại khu trung tâm TP, yêu cầu về vệ sinh môi trường đặt ra rất cao. Hơn 300 cán bộ, công nhân của công ty phải đảm bảo quét đường, dọn rác, đảm bảo khu trung tâm TP luôn sạch, đẹp. Hầu như toàn bộ công việc quét dọn, thu gom rác đều dùng công cụ lao động thô sơ, thủ công. Người quét đường vẫn phải dùng chổi quét gom lá cây và rác đưa lên xe, đẩy đến điểm tập kết. Việc cơ giới hóa mới dừng lại ở khâu vận chuyển rác từ điểm tập kết đến bãi tập trung. Để giúp công nhân bớt vất vả, công ty đã cải tiến xe đẩy từ bánh sắt sang bánh hơi, tuy nhiên vẫn phải tốn sức người”.
Để giảm gánh nặng cho những người công nhân quét đường, người dân nên có ý thức hơn, không ném rác bừa bãi ra đường. Cần ngăn chặn, xử phạt nghiêm việc xả rác xuống đường và việc phát tờ rơi khiến các giao lộ đầy rác tờ rơi. Việc chọn cây trồng dọc hai bên đường phố cũng nên nghiên cứu kỹ loại cây ít rụng lá, dễ quét. Điều quan trọng nhất là những nhà quản lý vệ sinh đô thị quan tâm đầu tư thiết bị, công cụ lao động, dùng máy móc hiện đại thay thế chổi tre và xe đẩy.
TRẦN YÊN