Nhồi nhét khách quá quy định

Mùng 6 Tết, nhiều người từ các tỉnh miền Trung bắt đầu đổ về TPHCM để trở lại với công việc, học hành. Những xe thương hiệu, xe bến “cháy vé” từ rất lâu. Để có thể vào TPHCM, nhiều người đành phải chấp nhận lên những xe khách nhồi nhét. Tuy chở quá số người theo quy định nhưng những xe này vẫn đến được TPHCM…
Nhồi nhét khách quá quy định

Mùng 6 Tết, nhiều người từ các tỉnh miền Trung bắt đầu đổ về TPHCM để trở lại với công việc, học hành. Những xe thương hiệu, xe bến “cháy vé” từ rất lâu. Để có thể vào TPHCM, nhiều người đành phải chấp nhận lên những xe khách nhồi nhét. Tuy chở quá số người theo quy định nhưng những xe này vẫn đến được TPHCM…

“Cháy vé” xe thương hiệu

Tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), vé các hãng xe thương hiệu như Phương Nam, Huỳnh Gia, Tâm Hạnh, Liên Hưng... đi vào TPHCM các ngày 13 và 14-2 đều “cháy”. Giá vé giường nằm ngày thường 180.000 đồng nhưng nay giá cao gần gấp đôi với 350.000 đồng/vé. Một số hãng xe còn “hét” giá vé từ 500.000 - 800.000 đồng/vé. Theo nhân viên bán vé các hãng cho biết, nhiều người đã có lịch trình đi cụ thể từ trước nên đã đặt mua trước tết. Tương tự, vé tàu hỏa đi TPHCM vào những ngày mùng 6, 7 đã hết từ trước tết. Nhiều người đành phải ra ngoài quốc lộ 1A để đi xe “dù” và chấp nhận ngồi nhồi nhét.

 

Tình trạng “cháy vé” cũng diễn ra ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), vé xe các hãng thương hiệu như Kumho, Trung Nga, Hạnh Café… cũng hết vé những ngày mùng 6 và 7. Giá vé ngày thường chỉ 130.000 đồng/vé nhưng nay tăng lên gấp đôi. Chị Tạ Hương Xuân bức xúc: “Trước tết về thì giá 180.000 đồng còn sau tết thì 250.000 đồng vì hãng xe cho rằng ngày về thì giãn ra nhiều ngày, còn ngày đi chỉ có 2 ngày 13 và 14-2 nên tăng giá cao hơn”. Theo các nhà xe cho biết, xe phải chạy “rỗng” chiều về Phan Thiết, rồi quay đầu tiếp tục đón khách vào TPHCM nên buộc phải tăng giá vé cao gấp đôi. Do Phan Thiết cách TPHCM chỉ 200km nên nhiều hãng cho xe chạy quay đầu ra, vào liên tục để đón khách vào. Nhiều xe chạy hợp đồng du lịch cũng “nở rộ” chở khách vào TPHCM để kiếm tiền.

Không mua được vé, nhiều người bắt đầu đi ra ngoài quốc lộ để đón xe khách dọc đường với hy vọng vào TPHCM sớm. Theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực ngã tư Thành (thuộc thị trấn Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), nơi được xem là điểm đậu của các nhà xe rước khách dọc đường, những quán nước ven đường (hướng về TPHCM) luôn đông nghẹt người mang theo hành lý lỉnh kỉnh ngồi chờ để đón xe. Còn tại vòng xoay Bến Lội và Suối Cát (quốc lộ 1A, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cũng có nhiều người ngồi chờ để đón xe khách dọc đường.

Vé ngồi lối đi cao hơn vé giường

Hơn 8 giờ ngày 13-2, từ khu vực ngã tư Thành (tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi đứng đón xe để về TPHCM. Cứ cách khoảng 10 phút lại có những xe “dù” từ 16 - 45 chỗ chạy ghé vào đón khách. Một xe khách 30 chỗ bên trong chở chật kín người, nhiều người còn phải ngồi ghế nhựa, dừng lại tìm khách. Một phụ xe chạy xuống “hét” giá 300.000 đồng đi TPHCM, chúng tôi nói bớt một chút đi, người này bảo không đi thì thôi. Một số người khác đành chấp nhận giá, rồi lên xe đi.

Thấy chúng tôi không lên xe, chị T. (chủ quán cà phê ở đây) cho hay: “Mấy ngày tết, mỗi xe đều hét một giá khác nhau, nếu khách không chịu đi thì thôi. Thấy xe nào qua cũng có người ngồi ghế nhựa mà khách vẫn chấp nhận giá đó thôi. Ngay cả xe giường nằm mà ngồi lối đi với giá 400.000 đồng/người còn cao hơn cả giá vé hãng bán là 350.000 đồng nhưng nhiều người vẫn đi. Nếu không chịu thì đứng cả ngày cũng không có xe mà đi TPHCM đâu. Mà đứng ngay đây chỉ đón được xe từ Nha Trang, còn xe các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đều không còn chỗ đâu. Cứ ngồi thong thả đi, đừng đứng vẫy, xe nào còn dư chỗ tự khắc dừng lại”.

Hành khách ngồi ở lối đi trên xe với giá “cắt cổ

Quả thật, khi thấy những xe biển số 75, 76, 77, 78 chạy ngang qua, chúng tôi vẫy vào đều không có chỗ. Bên trong đường luồng đầy người ngồi. Một chiếc xe giường nằm mang biển số Nha Trang chầm chậm ghé vào, phụ xe lập tức nhảy xuống hỏi. Chúng tôi bảo đi TPHCM, phụ xe nói 400.000 đồng ngồi ở lối đi được thì lên, không thì thôi. Chúng tôi đồng ý. Khi bước lên xe, chúng tôi thấy một đường luồng đã chật kín, có gần 10 người ngồi. Chiếc xe tiếp tục lăn bánh, cứ đi một đoạn, xe lại dừng để đón khách cho đến khi hai lối đi không thể nhét được khách. Nhiều người có kinh nghiệm đi xe nhồi nhét khuyên phải ngồi dựa lưng vào nhau, tựa thành cột để ngồi được, khỏi mỏi chân và lưng. Dù xe liên tục đón khách nhưng vẫn không thấy bị cơ quan chức năng xử lý. Khi không thể nhét thêm khách, chiếc xe chạy rất nhanh, nhiều hành khách ngồi ở lối đi chao đảo, thậm chí có người ngồi nôn ra. Đi qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… nhưng vẫn không thấy xe bị cơ quan chức năng xử phạt.

Còn tại TP Phan Thiết, những xe “dù” 16 - 30 chỗ liên tục chạy lòng vòng để đón khách. Do khách không ra liên tục, để có đầy khách, những xe “dù” phóng bạt mạng để rước khách. Theo ghi nhận, cung đường quốc lộ 1A, từ vòng xoay Bến Lội đến Suối Cát có hơn 4 chiếc chạy đảo lên đảo xuống để tìm khách. Với giá gần 200.000 đồng/người, nếu như xe khách 16 chỗ thì một băng ghế 4 người nhưng nay đã nhét 6 người, còn xe khách 30 chỗ thì ngồi ở lối đi chính giữa và khoảng trống phía gần tài xế.

Trên đoạn quốc lộ 1A có rất nhiều xe máy từ các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… chở lỉnh kỉnh hành lý phía sau lưng đi vào TPHCM.

 Xử phạt nhà xe nhồi nhét khách và tăng giá vé

Nhiều xe khách tự ý tăng giá vé, nhồi nhét hành khách, đó là thực trạng được nhiều hành khách phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia trong ngày 13-2.

Cụ thể, xe Vương Chi của nhà xe Cao Nguyên mang BKS 47V-2455 tuyến Đắk Lắk - Hà Nội đã chở quá số người quy định; xe khách mang BKS 47B-015.42 của nhà xe Phương Thi chạy tuyến Krông Năng (Đắk Lắk) - Bến xe miền Đông (TPHCM) đã tự ý tăng giá vé từ 215.000 đồng tăng lên 450.000 đồng và chở quá số người quy định; nhà xe Quang Hạnh chạy tuyến Tuyên Quang - Kim Sơn, nhà xe Khiêm Oanh chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa… nhồi nhét khách quá nhiều. Sau khi nhận được thông tin, Ủy ban ATGT quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để nội dung phản ánh.

Thông tin từ Ủy ban ATGT quốc gia cũng cho biết, ngày 13-2, cả nước đã xảy ra 50 vụ tai nạn giao thông (tất cả đều là giao thông đường bộ), làm 28 người chết, 56 người bị thương. Lực lượng CSGT đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 4.290 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, thu nộp kho bạc Nhà nước 1.097 tỷ đồng; tạm giữ 7 ô tô, 957 mô tô, tước 62 giấy phép lái xe.

BÍCH QUYÊN

THANH HẢI - QUÝ NGỌC

Tin cùng chuyên mục