Nhóm công bố bảng xếp hạng trường đại học còn thiếu kỹ năng chuyên nghiệp

Lần đầu tiên, một nhóm gồm 6 chuyên gia độc lập đã công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học (ĐH) Việt Nam. 

Hầu hết đều trân trọng sự tâm huyết của nhóm chuyên gia trong việc nỗ lực để có một bảng xếp hạng ĐH-điều mà cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT cũng như Hiệp hội ĐH-CĐ chưa làm được.

Tuy nhiên, những bất cập của bảng xếp hạng đầu tiên này cũng khiến nhiều ý kiến trong xã hội cũng như các chuyên gia giáo dục, bản thân nhiều trường cũng phản ứng.  Nhiều ý kiến đưa ra đóng góp để  nhóm chuyên gia hoàn thiện hơn về tiêu chí xếp hạng, giúp cho một  tổ chức xếp hạng độc lập nào đó trong tương lai hoàn thiện hơn.

PV SGGP đã có TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) xung quanh vấn đề này.

TS Hoàng Ngọc Vinh
 *Phóng viên:  Ông đánh giá thế nào về việc một Nhóm chuyên gia độc lập lần đầu công bố bảng xếp hạng ĐH ở Việt Nam?

*TS Hoàng Ngọc Vinh:  Việc nghiên cứu xếp hạng trường ĐH là việc làm hữu ích để giúp cho các trường tự soi mình qua so sánh với trường khác, và cho xã hội có bức tranh chung về một trường ĐH hoặc nền giáo dục ĐH. Tuy nhiên,  nó chỉ có ý nghĩa nếu việc xác định các thông tin đầu vào tin cậy, chính xác, chuẩn hóa và có sự tương đồng sứ mạng, tổ chức quản trị của các trường tham gia xếp hạng và được xếp hạng bởi một tổ chức chuyên nghiệp.

Các trường trong top đầu của bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam 
 Tuy nhiên, với bảng xếp hạng ĐH đầu tiên này, qua cách lựa chọn các tiêu chí và gán trọng số theo các chỉ tiêu ở mỗi tiêu chí mang tính chủ quan của Nhóm nghiên cứu. Không phải trường ĐH nào ở Việt Nam cũng đều có cả nghiên cứu và dạy học. Ngay trong một nhà trường thì đã có sự khác nhau của các khoa về phương diện tỷ trọng nghiên cứu và đào tạo. Nên nếu Nhóm chỉ lấy số bài báo đăng trên ISI, số trích dẫn, số bài báo trên một giảng viên để đánh giá về nghiên cứu khoa học (NCKH) là chưa thuyết phục. Vì điều đó chưa phản ánh được kết quả đầu ra cũng như tác động NCKH đến xã hội, tính bền vững cũng như tiềm năng của NCKH; cũng chưa chắc đã phản ánh được năng lực lãnh đạo NCKH mang tính chất liên ngành của một trường ĐH đang là xu hướng hiện nay và tương lai. Điều này lại chịu ảnh hưởng của tổ chức và quản trị nhà trường về phương diện NCKH. Nếu nói về NCKH không thể bỏ qua hiệu quả kinh tế NCKH (kiếm được bao nhiêu tiền trên một đồng vốn bỏ ra cho NCKH nếu là nghiên cứu ứng dụng) và ý nghĩa khoa học của các kết quả NCKH đóng góp thế nào cho cộng đồng GDĐH và xã hội nói chung.

Bên cạnh đó, Nhóm lấy chỉ tiêu tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ/sinh viên để phản ánh chất lượng giảng dạy là cách làm gượng ép, vì không hẳn một TS có trình độ nghiên cứu tốt đã có phương pháp giảng dạy hiệu quả. Vì thế, nếu các giảng viên này thiếu phương pháp dạy học, thiếu văn hóa hợp tác hoặc việc tổ chức thực hiện chương trình giảng dạy trong khoa bộ môn nào biết bộ môn ấy, thì chất lượng giảng dạy cho sinh viên chưa chắc đã tốt lên. Không ít trường ĐH, giảng viên khoa giáo dục đại cương dạy năm thứ nhất hầu như rất ít có liên hệ với giảng viên các bộ môn cơ sở, chuyên ngành thuộc khoa chuyên môn trong quá trình đào tạo, trong khi một trường ĐH mạnh về nghiên cứu thì khoa giáo dục đại cương (general education - một số trường còn gọi là khoa các khoa học cơ bản) phải rất mạnh.

Quá trình đào tạo tuân theo chương trình đào tạo có kết cấu chặt chẽ và "sản phẩm" ở đầu ra được tích hợp ở mỗi công đoạn thực hiện trước đó, nếu công đoạn trước dở chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng "sản xuất" ở công đoạn sau...Trong khi đó việc hình thành năng lực của sinh viên tốt nghiệp không chỉ hình thành trên giảng đường thông qua giảng dạy mà còn hình thành ở thực tế trong quá trình thực tập ở doanh nghiệp hoặc cơ sở sử dụng nhân lực...Vì thế, thiếu vắng chỉ số hợp tác đồng hành cùng doanh nghiệp hoặc ngành kinh tế trong việc đánh giá xếp hạng là một thiếu sót.

Ngay các chỉ tiêu về diện tích giảng đường trên đầu sinh viên hay tỷ lệ đầu sách trên một sinh viên mà chưa đánh giá đến hệ số sử dụng diện tích, không gian, hoặc tần số sử dụng sách trong thư viện thì kể cả thư viện nhiều đầu sách thực nhưng là "sách chết". Trong khi nhà trường có thể hợp tác với rất nhiều thư viện khác trên thế giới để chia sẻ nguồn sách điện tử thì trong bảng chỉ tiêu chưa tính đến.

Còn nữa, năng lực quản trị trường đại học nếu chỉ tính ở chỉ số minh bạch thông tin thì cũng không ổn vì minh bạch chắc gì đã chính xác, tin cậy. Hơn nữa quản trị nhà trường (governance) là về tổ chức bộ máy nhà trường và thẩm quyền ra quyết định ở các tầng nấc trong cơ cấu quản lý sao cho phù hợp với sứ mệnh, kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường...lại chưa được tính đến dù là trực tiếp hay gián tiếp.

*Qua phân tích của ông thì cho thấy, bảng xếp hạng này chưa thực sự ổn?

*Xếp hạng trường ĐH là vấn đề phức tạp trong điều kiện các trường ĐH Việt Nam không mang nhiều thông tin chuẩn hóa có thuộc tính chung, số liệu đầu vào thiếu tin cậy. Cách xếp hạng như Nhóm các tác giả vừa công bố quá chú trọng đến thông số đầu vào mà ít chú ý đến quá trình (hiệu quả khai thác các yếu tố đầu vào), và đặc biệt thiếu đánh giá các yếu tố đầu ra của NCKH và giảng dạy (như tỷ lệ tốt nghiệp đúng thời hạn, tỷ lệ bị đuổi học, bỏ học, tỷ lệ sinh viên tham gia vào R&D, tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp, giá trị sáng tạo đổi mới, số hợp đồng và giá trị hợp đồng nghiên cứu chuyển giao, hiệu quả đầu tư tài chính trên đầu sinh viên...).

*Vậy xếp hạng ĐH để thực sự khách quan, có tính thuyết phục cần được triển khai theo cách nào?

*Tôi cho rằng, mỗi trường ĐH Việt Nam nên xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng và hiệu quả chủ yếu nhất KPI (Key Performance Indicators) và các chỉ số này nên được tham vấn để có được sự thống nhất, đồng thuận một cách tương đối về tiêu chí xếp hạng cũng như các chỉ số của các bên liên quan. Hiệp hội các trường ĐH-CĐ hoặc một tổ chức độc lập đánh giá với các chuyên gia có thể sẽ tốt hơn.

Cá nhân tôi đánh giá cao tâm huyết của Nhóm nhưng cho rằng Nhóm còn thiếu kỹ năng chuyên nghiệp của đánh giá xếp hạng do thiếu tổ chức quá trình tiếp cận nguồn thông tin, chưa có một sự đồng thuận tương đối của các cơ sở giáo dục ĐH và có lẽ chưa thật hiểu tính da dạng của cái gọi là university ở Việt Nam.
Nên để Hiệp hội ĐH-CĐ và các bên liên quan như Bộ GD-ĐT, các trường, doanh nghiệp...kể cả sinh viên phải được tham vấn về bộ chỉ số tiêu chí xếp hạng, để việc xếp hạng có ý nghĩa đích thực và sao cho mỗi lần công bố không còn ồn ào tranh cãi nữa.

Ngoài ra, xếp hạng phải bám vào phân tầng các trường ĐH theo sứ mạng là ĐH nghiên cứu, ĐH nghiên cứu ứng dụng hay ĐH định hướng nghề nghiệp như Luật Giáo dục đại học quy định. Phải so trong nhóm đó với nhau mới có thể có thuộc tính chuẩn để xếp hạng. Sứ mạng khác nhau như ĐH Bách khoa Hà Nội so với ĐH Sư phạm hoặc so với Học viện nông nghiệp mà xếp theo các tiêu chí chung thì không được logic cho lắm.

 Đặc biệt, để bảo đảm xếp hạng khách quan thì số liệu phải chuẩn hóa tối đa...

*Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục