Nhu cầu về dầu ở Đông Nam Á tiếp tục tăng cao

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu mỏ ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng lên ít nhất là đến năm 2040. Nguyên nhân là do sức tăng trưởng cao, dân số trẻ và nhu cầu vận chuyển lớn.

Nhu cầu vận chuyển lớn là nguyên nhân chính của việc gia tăng lượng nhiên liệu tiêu thụ ở Đông Nam Á. Ảnh: Alamy
Nhu cầu vận chuyển lớn là nguyên nhân chính của việc gia tăng lượng nhiên liệu tiêu thụ ở Đông Nam Á. Ảnh: Alamy

Reuters dẫn số liệu của IEA cho biết, việc sử dụng dầu trong khu vực sẽ tăng lên khoảng 6,6 triệu thùng/ngày vào năm 2040, tăng so với mức 4,7 triệu thùng/ngày hiện nay. Số lượng phương tiện vận tải đường bộ tăng thêm 2/3 so với hiện nay, lên khoảng 62 triệu chiếc. IEA hiện chưa có dự báo về nhu cầu dầu của khu vực Đông Nam Á sau năm 2040.

Hiện nay, toàn cầu đang nỗ lực thay thế động cơ chạy nhiên liệu hóa thạch bằng nhiêu liệu tái tạo (điện, năng lượng mặt trời…) nhằm giảm khí thải gây biến đổi khí hậu. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại trong ngành dầu mỏ rằng nhu cầu dầu mỏ thế giới có thể đạt đỉnh điểm trong 10-20 năm tới sau đó bắt đầu sụt giảm mạnh.

Đông Nam Á sẽ trở thành động lực chính cho nhu cầu năng lượng toàn cầu khi nền kinh tế tăng gấp 3 lần và tổng dân số tăng thêm 1/5 vào năm 2040, IEA cho biết. 

Nhưng IEA cho rằng dầu tiếp tục đáp ứng khoảng 90% nhu cầu liên quan đến giao thông ở Đông Nam Á. “Năm 2040, Đông Nam Á có khoảng 4 triệu xe điện trong tổng số 62 triệu chiếc xe chở khách”, IEA cho biết. Theo đó, dầu cùng với than đá sẽ tiếp tục là nhiên liệu chính của ngành vận tải ở Đông Nam Á và nhu cầu năng lượng của khu vực dự kiến sẽ tăng lên gần 60% từ nay đến năm 2040.

Ngoài ra, sự gia tăng tiêu thụ năng lượng cũng do nhu cầu chạy máy phát điện. IEA cho biết, do thu nhập ngày càng tăng trong khu vực khiến nhiều người mua thiết bị điện hơn bao gồm máy điều hòa không khí. Công suất phát điện ở khu vực Đông Nam Á sẽ tăng lên hơn 565 Gigawatts (GW) vào năm 2040 so với 240 GW hiện nay. Theo IEA, riêng than đá sẽ chiếm 40% mức tăng trưởng nhiên liệu trong ngành điện của khu vực.

Tin cùng chuyên mục