Bây giờ là 12 giờ đêm. Tôi vừa từ Ngã ba Đồng Lộc trở về. Đêm cuối tháng 7 huyền diệu quá. Trời mô xanh bằng trời Can Lộc… câu hát xưa cứ văng vẳng bên tai. Ban ngày trời Can Lộc xanh đã đành, ban đêm càng thấy xanh thêm. Trong màu xanh mát dịu tưởng như vô tận ấy, bóng dáng 10 cô gái Thanh niên xung phong (TNXP) Ngã ba Đồng Lộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước cứ hiện lên lung linh, tưởng như trong huyền thoại mà rất gần gũi, thân thương giữa đời thường. Ấy là lúc cuộc giao lưu trực tuyến truyền hình giữa 5 địa danh nổi tiếng qua các cuộc kháng chiến do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - liệt sĩ vừa kết thúc. Mọi người ra về, nhưng với tôi, như có ai níu chân, không thể nào về được. Tôi ở lại với những cô gái TNXP, cách đây hơn 40 năm đã nằm lại nơi mảnh đất xanh địa linh nhân kiệt này.
- Địa linh nhân kiệt
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh là một người đàn ông khá điển trai và gần gũi. Nhưng điều để lại trong tôi là chiều sâu trong suy nghĩ và những vần thơ đầy trắc ẩn của anh. Biết tôi sau hơn 40 năm mới “ngủ” lại đất Hà Tĩnh, anh nói: “Vậy thì bác phải xuống Cẩm Xuyên, mảnh đất địa linh nhân kiệt, quê hương của hai đời Tổng Bí thư của Đảng ta và cái nôi của nhiều danh nhân kim cổ”.
Cẩm Xuyên, hai tiếng thân yêu ấy đã in sâu trong ký ức của tôi. Tôi nhớ lại, một đêm giá rét cách đây hơn 40 năm, khi Tiểu đoàn 582 từ Nho Quan hành quân qua đây vào chiến trường, chúng tôi đã có một đêm lưu lại trên đất Cẩm Xuyên. Lúc ấy là lính mới tò te chưa đầy 18 tuổi, nên tôi chẳng nhớ nổi địa danh nào. Điều đọng mãi trong tôi là ánh mắt của người con gái Cẩm Xuyên với cái nhìn vừa xa xăm vừa gần gũi. Chỉ ở lại nhà em một đêm thôi, nhưng ánh mắt ấy đã thôi miên tôi. Em chẳng nói với tôi lời nào như những người con gái, con trai yêu nhau đã nói, nhưng ánh mắt da diết ấy cứ như chiếc neo níu chân tôi mãi.
Tuổi con trai mới lớn thật lạ kỳ, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh mà lại “sợ” ánh mắt của con gái. Lần này trở lại Cẩm Xuyên, tôi không nghĩ mình sẽ gặp lại ánh mắt ấy mà câu chuyện của Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh lại hướng tôi đến một điểm mới là trở về vùng đất địa linh nhân kiệt. Không chỉ ở Cẩm Xuyên, cả đất Hà Tĩnh này là đất địa linh nhân kiệt. Nơi đây là quê hương của những danh nhân văn hóa, mà nhắc đến tên tuổi của họ ai cũng tự hào được làm con dân nước Việt. Đó là những Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu, Cù Huy Cận…
Đó là những vị tiền bối cách mạng Việt Nam, trong đó có các Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam như Trần Phú, Hà Huy Tập và các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước đương thời. Tôi đã đến dâng hương tại phần mộ của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Từ quốc lộ 1 vào phần mộ của vị Tổng Bí thư những năm 30 của thế kỷ trước, không xa là con đường nhựa mới phẳng lì và những khu dân cư yên ả. Tại khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tôi đã được các nhân viên phục vụ đón tiếp tận tình. Một cô gái còn rất trẻ, trạc tuổi cô gái Cẩm Xuyên mà cách đây hơn 40 năm tôi đã gặp hướng dẫn tôi đi thăm khu trưng bày di tích cuộc đời và sự nghiệp của vị Tổng Bí thư lừng danh của Đảng ta. Tôi cuốn hút bởi những di vật vô giá và câu chuyện tâm linh tìm hài cốt ông, nhưng điều níu kéo chân tôi lại bởi ánh mắt. Có phải thế không, cô gái hướng dẫn viên khu di tích lịch sử này là con cháu của người con gái Cẩm Xuyên năm xưa, một hành trang cho tôi và những chàng lính trẻ ngày ấy “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Địa linh là nơi hội tụ của các anh hùng, vĩ nhân; là mảnh đất sản sinh ra những con người bình dị mà cao quý như 10 cô gái TNXP đã hy sinh giữa Ngã ba Đồng Lộc. Tôi nghĩ thế, khi lặng lẽ nửa đêm đến thắp nhang, trò chuyện với hương hồn các chị. Tôi dừng lại khá lâu trước từng phần mộ của các chị. Đêm Đồng Lộc linh thiêng quá. Những cô gái tuổi mười chín, đôi mươi trò chuyện cùng tôi. Võ Thị Tần, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường, Nguyễn Thị Nhỏ… và cả Hồ Thị Cúc nữa. Văng vẳng bên tai tôi giọng hát của NSND Thu Hiền trong chương trình truyền hình trực tuyến mới đây. Đồng đội đã về xếp hàng ngang một. Em ở nơi mô không về tập hợp. Chín bạn quây quần đủ hết, em ơi. Cúc ơi, em ở nơi mô?… Mắt tôi nhòe đi. Bóng dáng 10 liệt nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc lúc ẩn lúc hiện chập chờn trước mặt.
- Linh khí quốc gia
Đã nhiều lần đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nhưng lần này tôi có cảm giác như đến lần đầu. Cái cảm xúc ấy có nguyên do của nó, bởi đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - liệt sĩ, chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP với sự tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức lễ khánh thành Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn ngay cạnh Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi yên nghỉ, lưu danh tên tuổi của hơn 10.000 người con ưu tú đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Trong truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt từ xa xưa, đền là nơi thờ phụng những người có công với đất nước, được nhà nước hoặc nhân dân suy tôn, tri ân phong thánh. Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tọa lạc ngay cạnh dòng sông Bến Hải lịch sử, gần kề Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi hội tụ hương hồn của hàng chục ngàn người con ưu tú, những vị thánh trong con mắt tôn kính của nhân dân. Cách đây đúng 1 năm, với trách nhiệm người đứng đầu Báo SGGP, một trong những người khởi xướng và tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, tôi đã có mặt ở đây bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng công trình đầy ý nghĩa nhân văn này. Lúc ấy, nơi đây còn là bãi đất đầy cỏ dại và cây lá nhọn.
Nhưng giờ đây, với 10 tỷ đồng do Vietcombank tài trợ, Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị làm chủ đầu tư, mảnh đất này đã hiện ra như một quần thể văn hóa tâm linh hùng tráng. Tả có hồ, hữu có sông, phía trên là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn là nơi hội tụ hương hồn, linh khí quốc gia. Chủ tịch HĐQT Vietcombank ông Nguyễn Hòa Bình, một cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 304 đã từng tham gia chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị cách đây 40 năm, tâm sự: “Chúng tôi thật xúc động và vinh dự được góp phần bé nhỏ xây dựng nên công trình mang ý nghĩa nhân văn, cao cả này. Riêng với cá nhân, một cựu chiến binh, tôi thấy thật ấm lòng, vì mình đã góp phần làm công việc đền ơn đáp nghĩa, tri ân đồng đội, những người đã hy sinh tuổi thanh xuân để chúng tôi có được cuộc sống hôm nay”.
Đúng như anh Bình nói, đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hay bất cứ một nghĩa trang liệt sĩ nào trên cả nước, ai cũng thấy mình nặng nợ với những người đã khuất và mong muốn làm được một việc gì đó, dù rất nhỏ cho công cuộc đền ơn đáp nghĩa. Những việc làm của người đang sống dường như được những người đã khuất minh chứng, thấu hiểu. Trong những ngày linh thiêng tháng 7 ở đất Quảng Trị, tôi được nghe nhiều câu chuyện tâm linh huyền thoại mà thật gần gũi đời thường. Thành cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm chiến đấu của các chiến sĩ ta cách đây đúng 40 năm đã trở thành huyền thoại, linh thiêng, bất tử. Hóa ra, trong cõi người ta có một khoảnh khắc gặp gỡ giữa quá khứ và hiện tại, giữa người của ngày hôm qua và người của ngày hôm nay. Điều ấy lý giải, sống sao, chết thế, phẩm chất, truyền thống văn hóa của người Việt mãi còn.
Đứng trước ngôi Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn linh thiêng, hoành tráng, di tích văn hóa để lại cho muôn đời con cháu mai sau, tôi có một liên tưởng, dù có thể khập khiễng, nếu ví Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là ngôi nhà của các liệt sĩ thì đền tưởng niệm là nơi những người con ưu tú, dù không còn có mặt trên cõi dương gian này tụ hội, tiếp tục cống hiến cho sự vững bền muôn đời của giang san, đất nước, vì hạnh phúc của trăm họ, muôn dân. Như thế, rõ ràng như đôi câu thơ, cặp câu đối khắc trên chuông đồng, lưu giữ tại các đền thờ liệt sĩ: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc / Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia.
- Một ngày quốc giỗ?
Tắt nắng, tôi theo dòng người vào thành cổ Quảng Trị. Cô gái hướng dẫn viên có giọng nói ngọt ngào cho biết, một năm có bốn mùa, mùa nào cũng có người đến viếng thành cổ như dòng sông cuộn chảy, không dứt. Tháng 7 là tháng đông nhất. Không chỉ có những gia đình, thân nhân liệt sĩ, các cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa mà còn nhiều khách thập phương, trong đó có cả bạn bè quốc tế. Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Trị Nguyễn Hữu Thắng cùng cán bộ – công nhân viên Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng, đơn vị được giao quản lý Khu di tích thành cổ Quảng Trị đang chuẩn bị lễ cúng liệt sĩ. Các mâm cỗ cúng theo đúng phong tục truyền thống của dân tộc. Anh Thắng cho biết, năm nào tối 24-7, các anh cũng làm lễ giỗ liệt sĩ.
Theo các nhà ngoại cảm, mâm cúng phải có đầy đủ mọi thứ, đặc biệt phải có nhiều muối và thuốc lá. Hơn 3.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt đang còn nằm dưới lòng sông Thạch Hãn. Dòng sông cuộn chảy, lạnh lắm, nên cần thật nhiều muối và thuốc lá. Tôi nghĩ thế.
Gần tháng nay, cả thành phố Đông Hà và khu vực lân cận, các khách sạn, nhà nghỉ đều “cháy” chỗ. Khách từ khắp nơi đổ về Quảng Trị ngày một nhiều. Người ta không chỉ đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn mà còn đi hết 72 nghĩa trang trên đất Quảng Trị. Có cả những bà mẹ âm thầm đi tìm mộ con và cả những người đàn bà suốt một đời tiết hạnh chờ chồng.
Tôi chợt nghĩ đến dòng người tấp nập kéo về Phú Thọ giỗ Tổ hàng năm vào mùng 10-3 Âm lịch. Ngày ấy đã được xác định là ngày Quốc giỗ, con cháu thập phương về giỗ tổ cội nguồn. Tại sao không chọn ngày 27-7 là ngày quốc giỗ để mọi người về giỗ các liệt sĩ, trong đó có hàng vạn hương hồn, anh linh liệt sĩ chưa xác định ngày hy sinh và nơi chôn cất.
Ý tưởng ấy của tôi đã được mọi người dự lễ ủng hộ. Tôi thấy rõ bát hương nơi thành cổ bùng cháy. Phải chăng hương hồn các anh hùng liệt sĩ cũng đồng tình như thế.
Quảng Trị, đêm 26-7-2012
Tùy bút của TRẦN THẾ TUYỂN