Anh Phạm Xuân Danh, điều phối viên của S.C.C (Hội từ thiện trẻ em Sài Gòn - Saigon Children’s Charity) cho tôi biết tiền của những người hảo tâm trong chương trình Xây dựng môi trường học đường và trường học ở nước ngoài gửi về cho S.C.C, đã được phân phối về các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang… Nhân dịp có gia đình tiến sĩ Robin Bromage đi thăm đồng bằng sông Cửu Long, Danh rủ tôi cùng đi.
Hai vợ chồng Robin đang làm việc ở Trung Đông. Chồng thì đại diện cho một hãng dầu khí của Anh Quốc và vợ là Vinh Trần Bromage, đang dạy đàn dương cầm ở Dubai. Ngoài việc dạy đàn, thỉnh thoảng cô vẫn tổ chức những buổi biểu diễn đàn piano, lập quỹ gửi về Việt Nam cho trẻ em nghèo khó, khuyết tật, mồ côi. Lần này về Việt Nam, nhân lúc S.C.C đang đầu tư xây dựng một số trường mẫu giáo ở hai huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, S.C.C có nhã ý mời hai vợ chồng Robin đi thăm cho biết sự đóng góp của họ và bạn bè ở nước ngoài đã giúp ích cho trẻ em ở các nơi xa xôi.
Ngồi trên xe về Tiền Giang gặp lúc nông dân đang gặt mùa, hai vợ chồng Robin thích thú ngắm cánh đồng lúa đang chín rộ vàng rực dưới nắng. Nhiều đám ruộng đã được gặt, những tấm bạt lớn được trải rộng ra cánh đồng ven đường phơi lúa. Những bao tải đựng lúa chất cao hai vệ đường chờ xe đến chở về kho. Những cánh đồng gặt xong, rơm rạ được đốt cháy để làm phân tro cho vụ mùa sau. Khói đốt đồng cuồn cuộn bốc lên trắng xóa, trông cảnh nông thôn lúc này thật thanh bình.
Hàng chục năm qua, nhân dân Tiền Giang đã làm hàng trăm cây số kênh dẫn nước ngọt vào ruộng vườn; đào kênh đắp đê rửa xả và ngăn nước mặn. Nhờ thế mỗi năm thu hoạch 3 vụ lúa và nhiều nương vườn cây trái sum sê. Xe qua hàng chục cây số, mát mát một màu xanh của cây mãng cầu xiêm. Người ta đã ghép mãng cầu xiêm vào cây bình bát đẻ ra một loại mãng cầu lai, trái rất sai, to lớn và ngọt ngào.
Anh Danh nói: “Trách nhiệm của S.C.C là phải khẩn trương hỗ trợ để xây dựng trường lớp, lo học bổng, giấy bút sách vở cho con em nông dân học hành đến nơi, đến chốn. Như vậy là tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống”.
Đến các xã ở Gò Công Đông, thấy rõ những hoạt động xây dựng trường lớp thật sôi nổi. Xã Gia Thuận đã làm xong một trường mẫu giáo, hai tầng lầu, rất kiên cố và đẹp mắt. Thợ mộc, nề đều là người trong xã. Ông thợ cả Hai Kháng nói: “Tiền thì của các nhà hảo tâm khắp nơi gửi về. Chúng tôi chỉ góp công sức đã bảo nhau phải làm thật kỹ, thật đẹp cho con cháu mình có nơi học tập đàng hoàng”.
Cô Hiệu trưởng Võ Thị Nga và anh Thái Thông cán bộ phòng giáo dục tất bật ngược xuôi, lo đôn đốc xây dựng trường lớp cả 3 nơi trong xã. Cô Nga cho biết trước đây chưa có trường mẫu giáo. Cũng vận động bà con cho các cháu đi học. Nhưng lớp học thì mở nhờ trong nhà thờ, đình làng hoặc những túp lều lá bỏ hoang, việc học hành khổ lắm. Nắm tay chúng tôi, cô Nga xúc động nói: “Khai giảng năm học sắp đến, đã có trường mới mừng lắm. Xin cảm ơn các anh chị đã có lòng giúp đỡ chúng tôi”.
Về trưa, trời càng nắng gắt và oi bức. Tuy đói và mệt, nhưng thấy thợ thầy và các cô mẫu giáo vẫn miệt mài lao động, khẩn trương chuẩn bị ngày khai giảng sắp đến, vợ chồng Robin vẫn hăng hái theo Danh đến thăm trường mẫu giáo Tân Phú ở huyện Tân Phú Đông. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Luông và các giáo viên vui mừng đón chúng tôi. Ở đây cũng như ở Gò Công Đông, các cô đang chuẩn bị cho năm học mới.
Các anh Huỳnh Văn Thuận và Lý Trường Giang, cán bộ phòng giáo dục huyện cho biết trước kia ở đây chưa có trường mẫu giáo, cha mẹ đi làm đồng phải mang con theo, gửi cho người già hàng xóm hoặc nhốt con trong nhà. Làm ngoài ruộng mà cứ thấp thỏm lo con gặp rủi ro khi vắng bố mẹ.
Vinh Trần nói: “Không chỉ ở nước ngoài mà kêu gọi cả những người hảo tâm trong nước. Tôi có người chị gái cùng chồng là nhạc sĩ Ygor Chitocletob - người Nga. Hai anh chị vẫn tham gia tổ chức biểu diễn âm nhạc trong nước để lấy tiền ủng hộ trẻ em nghèo. Lần này về thăm Tiền Giang đã cho chúng tôi biết một thực tế là: Tuy có trường rồi, nhưng còn thiếu nhiều thiết bị cho một trường mẫu giáo, như phải trồng cây xanh, hoa lá làm đẹp và mát sân trường. Phải có cầu trượt, xích đu và đồ chơi cho các cháu. Về bên kia, chúng tôi sẽ kêu gọi bạn bè và những người hảo tâm đóng góp thêm”.
Cô Hiệu trưởng Ngọc Luông xúc động nói lời cảm ơn những tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ trẻ em Tiền Giang, lúc chia tay, Vinh Trần đã ôm lấy Luông mà nói: “Việc chúng tôi làm còn nhỏ nhoi lắm, chỉ như những giọt nước góp vào dòng Tiền Giang thôi”…
Tôi lặng lẽ chứng kiến cuộc chia tay và thầm nghĩ: “Sở dĩ mà có sông dài, biển lớn, cũng bắt đầu từ những giọt nước bé nhỏ ấy”…
Tân Sắc