Nhức nhối chất thải y tế

Mỗi ngày, các cơ sở y tế trong cả nước thải ra khoảng 500 tấn rác thải, trong đó 10% là chất thải nguy hại, cùng với đó là hàng trăm ngàn mét khối nước thải y tế. Tuy nhiên vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay chính là công tác quản lý và xử lý chất thải y tế có nhiều vi phạm.
Nhức nhối chất thải y tế

Mỗi ngày, các cơ sở y tế trong cả nước thải ra khoảng 500 tấn rác thải, trong đó 10% là chất thải nguy hại, cùng với đó là hàng trăm ngàn mét khối nước thải y tế. Tuy nhiên vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay chính là công tác quản lý và xử lý chất thải y tế có nhiều vi phạm.

Vi phạm tràn lan

Nhiều người dân ở xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) mới đây không khỏi bức xúc và lo lắng khi phát hiện chỉ sau một đêm, cánh đồng của họ tràn ngập những hộp, ống các loại thuốc ho siro Royal, thuốc bổ Egokids, và Cancium... Vụ việc đã được người dân báo cho cơ quan chức năng. Tiến hành điều tra, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49), Công an Hà Nội phối hợp cùng Sở Y tế Hà Nội và Công an xã Tứ Hiệp đã nhanh chóng làm rõ toàn bộ số thuốc xả thải bừa bãi trên là sản phẩm không đảm bảo chất lượng bị công ty cổ phần thương mại Sao Hoàng Gia (ở Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) trả lại cho Công ty Intechpharm (ở ngõ 373 đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) sản xuất theo đơn đặt hàng.

Việc thu gom, xử lý rác thải cần phương tiện và thiết bị chuyên dùng hiện đại nhằm đảm bảo an toàn môi trường.

Việc thu gom, xử lý rác thải cần phương tiện và thiết bị chuyên dùng hiện đại nhằm đảm bảo an toàn môi trường.

 

Theo Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì mức phạt cao nhất là 2 tỷ đồng đối với tổ chức, đơn vị vi phạm và 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm.

 

Theo quy định về quản lý và xử lý rác thải y tế, khi tiếp nhận số thuốc không đảm bảo chất lượng, Công ty Intechpharm phải có trách nhiệm lập hội đồng và tiến hành tiêu hủy an toàn. Thế nhưng, Công ty Intechpharm lại thuê người vận chuyển số thuốc kém chất lượng vứt ra khu vực bãi đất trống cạnh công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gây ô nhiễm môi trường. Chưa dừng lại ở đó, sau khi bị phát hiện, Intechpharm lại thuê người thu gom số rác thải trên đem vứt ở cánh đồng trên địa bàn xã Tứ Hiệp.

Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ việc vi phạm về xử lý chất thải thải y tế vừa bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý vào đầu tháng 7 vừa qua. Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an cho biết, vi phạm về quản lý và xử lý chất thải y tế vẫn diễn ra phức tạp. Trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát môi trường đã phối hợp các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về bảo vệ môi trường tại nhiều cơ sở y tế. vi phạm về môi trường chủ yếu tại các cơ sở y tế là quản lý chất thải y tế nguy hại không đúng quy định; để lẫn chất thải y tế nguy hại với các chất thải y tế thông thường; để nước thải y tế xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý. Nhiều cơ sở y tế còn phát tán bức xạ vượt tiêu chuẩn cho phép, nhiều bệnh viện còn chôn lấp rác thải y tế hoặc đốt thủ công, gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh. Đáng chú ý, một số cơ sở y tế do quy trình quản lý rác thải y tế lỏng lẻo đã để nhân viên lợi dụng thu gom và tuồn bán rác thải y tế ra bên ngoài cho các đầu nậu thu gom sử dụng làm nguyên liệu tái chế sản xuất các vật dụng sinh hoạt.

Thu gom rác thải bệnh viện để đưa đi xử lý tại cơ sở chuyên dụng.

Thu gom rác thải bệnh viện để đưa đi xử lý tại cơ sở chuyên dụng.

Hiểm họa khôn lường

PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 1.300 bệnh viện, trung bình mỗi một ngày lượng chất thải y tế của các bệnh viện lên tới 400 - 500 tấn, trong đó khoảng 10% là chất thải nguy hại. Cùng với đó, cả nước cũng có trên 120.000m³ nước thải y tế cần được xử lý.

Theo quy định về xử lý rác thải y tế do được Bộ Y tế ban hành thì các chất thải y tế phải được các bệnh viện, doanh nghiệp và cơ quan có chức năng tiến hành tiêu hủy và xử lý an toàn. Tuy nhiên, cả nước mới chỉ có khoảng 55% số bệnh viện có công trình xử lý nước thải y tế, còn lại là chủ yếu xử lý sơ bộ bằng hóa chất, bể phốt, bể tự hoại rồi xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung nên không bảo đảm an toàn.

Đối với chất thải rắn, 90% bệnh viện thu gom hàng ngày, 67% bệnh viện xử lý bằng lò đốt than bùn hoặc công nghệ đốt khác, 32,2% xử lý bằng lò thủ công hoặc chôn lấp trong bệnh viện. Thống kê cho thấy, hiện cả nước mới chỉ có gần 200 lò đốt rác thải y tế chuyên dụng, trong đó có 2 xí nghiệp đốt rác tập trung tại Hà Nội và TPHCM, còn lại là các lò đốt rác cỡ trung bình và cỡ nhỏ. Số lò đốt rác thải y tế này mới chỉ phục vụ cho khoảng 450 bệnh viện và cơ sở y tế. Do đó, trong khoảng 500 tấn chất thải y tế mỗi ngày thì chỉ có 1/3 được đốt bằng lò đốt hiện đại, đảm bảo an toàn môi trường. Số rác thải rắn còn lại được tiêu hủy bằng lò thủ công, chôn trong khuôn viên bệnh viện, hoặc thải trực tiếp ra bãi rác chung, nơi có đông dân cư sinh sống và không ít được tuồn bán ra ngoài để tái chế. Đây thực sự là những mối nguy đe dọa môi trường và cuộc sống của người dân.

Lò xử lý rác thải y tế của Công ty Môi trường Hà Nội.

Lò xử lý rác thải y tế của Công ty Môi trường Hà Nội.

Theo một số chuyên gia y tế, việc tiếp xúc với các rác thải y tế rắn có thể gây nên bệnh tật hoặc tổn thương cho cơ thể. Hơn nữa, trong chất thải y tế lại chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như: virus HIV, viêm gan B. Các tác nhân này có thể thâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước, vết đâm xuyên, qua niêm mạc, qua đường hô hấp do hít phải, qua đường tiêu hóa do nuốt hoặc ăn phải. Nước thải y tế là nơi chứa nhiều các vi khuẩn gây bệnh, nhất là nước thải từ những bệnh viện chuyên về các bệnh truyền nhiễm cũng như trong các khoa lây nhiễm của các bệnh viện. Những nguồn nước thải này là một trong những nhân tố có khả năng làm lây lan các bệnh truyền nhiễm thông qua đường tiêu hóa. Khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh cho người và động vật qua nguồn nước khi sử dụng nguồn nước này vào mục đích tưới tiêu, sinh hoạt...

Đại tá Trần Trọng Bình yêu cầu, cùng với việc đòi hỏi các cơ sở y tế phải đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế đạt tiêu chuẩn cần có quy định và cơ chế xử lý trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với người đứng đầu các cơ sở y tế. Đồng thời phải có chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đơn vị và cá nhân vi phạm để răn đe.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục