Nhức nhối tín dụng đen, đòi nợ thuê ở TPHCM

Gần đây, tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ theo kiểu giang hồ bùng phát mạnh tại địa bàn TPHCM. Những băng nhóm hoạt động trong lĩnh vực này bất chấp thủ đoạn, “hút máu” dân nghèo mà pháp luật khó xử lý…

Sẵn sàng giết người khi đi đòi nợ tín dụng đen

Bà Võ Ngọc Oanh (57 tuổi, ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, quận 3) ngậm ngùi cho biết, do khó khăn về tài chính nên bà có liên lạc với một nhóm tín dụng đen đặt vấn đề vay tiền. Với nhiều lời hứa ngon ngọt rằng lãi suất thấp và giãn thời gian trả tiền để không gây căng thẳng tài chính, vì vậy bà Oanh quyết định vay một khoản. Thời gian đầu, việc trả góp diễn ra bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bà Oanh không có khả năng chi trả, nên nhóm tín dụng đen ban đầu thì nhắn tin, sau đó tìm đến tận nhà gây áp lực, đòi nợ.

Chiều tối 8-11, khi nhóm tín dụng đen đến nhà bà gây áp lực và đe dọa, con trai của bà Oanh, là anh Võ Thanh Quân (29 tuổi) đã ra nói chuyện, từ đó dẫn đến cự cãi và xô xát với nhóm tín dụng đen này. Anh Quân đã bị nhóm giang hồ dùng hung khí tấn công, đâm gục tại chỗ và tử vong ngay trong đêm. Sau khi gây án, nhóm giang hồ tín dụng đen đã bỏ trốn. Đây là vụ việc mới nhất xảy ra trên địa bàn TPHCM, cho thấy mức độ nguy hiểm của các băng nhóm tín dụng đen hoạt động tại TPHCM.

Nhức nhối tín dụng đen, đòi nợ thuê ở TPHCM ảnh 1 Một băng nhóm cho vay nặng lãi, bắt cóc con nợ mà Công an quận 12 bắt giữ gần đây
Chưa có một thống kê đầy đủ của ngành công an về thực trạng cho vay nặng lãi hoạt động ở các tỉnh thành. Tuy nhiên thực tế ghi nhận, giai đoạn hiện nay vấn nạn tín dụng đen bùng phát mạnh mẽ, len lỏi khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Sập bẫy tín dụng đen có đủ mọi thành phần, từ đại gia cho đến người nghèo, tầng lớp lao động trong xã hội. Hàng loạt vụ án, vi phạm pháp luật xảy ra nguồn cơn từ tín dụng đen. Tại TPHCM, có thể thấy các quảng cáo, tờ rơi cho vay không cần thế chấp, cho vay nhanh… được dán ở khá nhiều nơi công cộng, cho thấy mức độ lây lan của tín dụng đen như thế nào.
Trước đó, vào tháng 10-2018, công an quận 12 đã vất vả giải cứu 1 phụ nữ bị nhóm đòi nợ nặng lãi bắt cóc. Thời điểm xảy ra vụ việc, chị N.T.V.A. (33 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) vay nặng lãi của băng nhóm do Nguyễn Văn Năm (27 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Phúc, trú quận 12) số tiền 6 triệu đồng và còn bảo lãnh cho người bạn vay từ Năm hơn 70 triệu đồng. Khi không đòi nợ được chị A., nhóm của Năm đã tổ chức đàn em “bắt cóc” chị này chiều 27-10 khi chị đang đi trên đường.
Quá trình giam giữ chị A., Năm và đàn em liên tục di chuyển qua nhiều địa điểm, thay phiên nhau đánh đập, dọa chém giết, yêu cầu chị A. gọi điện về cho người nhà mang tiền đến thì mới thả người. Chỉ sau vài giờ nhận tin báo, Công an quận 12 đã nhanh chóng giải cứu con tin an toàn, bắt giữ toàn bộ băng nhóm của Năm. Đáng nói là khi khám xét nhà các đối tượng, công an thu giữ được nhiều giấy tờ cá nhân của người khác liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi nên công an đang mở rộng điều tra.

H., một người chuyên cho vay tín dụng đen, tiết lộ, các nhóm tín dụng đen có nhiều chiêu thức để đưa “con nợ” sập bẫy. Từ việc dán tờ rơi khắp nơi với thủ tục vay đơn giản, nhận tiền nhanh gọn sau vài giờ, đến việc gặp gỡ, tâm sự đến mức nhiều người ban đầu còn xem những nhóm tín dụng đen là ân nhân. Chính vì thủ tục nhanh gọn nên khi cần tiền xoay xở, người dân dễ dàng tìm đến tín dụng đen. H. cũng cho biết, tín dụng đen có nhiều chiêu thức “khủng bố”, từ mức nhẹ đến nặng, để đòi nợ cho bằng được. Thông thường, ban đầu là chiêu gọi điện, nhắn tin khủng bố, dọa dẫm ngày đêm, đến ném chất bẩn vào nhà, dàn cảnh va chạm, uy hiếp người nhà trên đường phố, rồi đến tận nhà chửi bới, sẵn sàng dùng dao, búa…

Mới đây Công an thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khám phá 1 băng nhóm cho vay nặng lãi đã đâm chém người để đòi nợ. Công an khi bắt giữ nhóm đối tượng này đã thu giữ tang vật là 127 bộ hồ sơ cho vay nặng lãi, 6 cuốn tập học sinh, 17 tờ giấy thể hiện cho nhiều người vay tiền, 1.000 tờ rơi quảng bá cho vay có kèm theo lãi suất, thường thì 6%/tháng. Có 1 trường hợp là ông Trần Văn T. (65 tuổi) vay của nhóm này 1 khoản tiền nhưng chậm chi trả nên 2 thành viên trong nhóm đã tìm đến tận nhà cầm theo mã tấu tự chế, dao bấm, còng số 8… để nói chuyện, rồi đánh ông T. phải nhập viện.

Cầu cứu báo chí, mạng xã hội

Cách đây chưa lâu, cộng đồng mạng đã vô cùng bức xúc về vụ việc một cô giáo tên là N.T.N.H. (giáo viên của 1 trường tiểu học ở quận Bình Tân, TPHCM) viết đơn “Gửi mấy anh xã hội đen” cầu xin cho gia đình được yên ổn trên mạng xã hội.

Chị H., sống cùng chồng và người thân trong căn nhà ở đường Ấp Chiến Lược, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Trong nhà có chị dâu tên là P. và mẹ già gần 70 tuổi. Đầu tháng 7-2018, chị P. bỏ nhà đi đâu không ai hay biết. Sau đó, có nhiều đối tượng tìm tới nhà chị H. để đòi nợ. Chị H. cùng người thân đã giải thích việc nợ nần là của chị P. Tuy nhiên, nhóm giang hồ lại yêu cầu chị H. cùng người thân phải có trách nhiệm trả nợ cho chị dâu. Khi chị H. và gia đình không chấp nhận thì liên tiếp nhiều ngày, nhiều nhóm “giang hồ” đã tìm tới đe dọa, uy hiếp. Chúng dùng sơn, mắm tôm, đá, gạch… tấn công vào nhà chị H. Đỉnh điểm, chúng dùng ổ khóa để khóa cửa căn nhà, khiến các thành viên trong gia đình không ra vào được.

Nhức nhối tín dụng đen, đòi nợ thuê ở TPHCM ảnh 2 Thông tin cho vay vốn trả góp nhếch nhác khắp nơi

TPHCM mới đây cũng có kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Nhưng dễ dàng nhận thấy, dịch vụ kinh doanh đòi nợ có pháp nhân là một lĩnh vực rất nhỏ có liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Trước tính chất vụ việc, chị H. đã báo lên công an địa phương nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết ổn thỏa. Vì quá lo sợ cho bản thân và gia đình, chị H. đã đưa người thân về nhà bà con ở tỉnh để trốn. Riêng vợ chồng chị H. thì thuê phòng trọ để tiếp tục công việc ở TPHCM. Vì không biết phải cầu cứu ai, chị H. đã viết một lá đơn không giống ai “Gửi mấy anh xã hội đen” để cầu xin được yên ổn... Câu chuyện của chị H. về lá đơn được đăng tải lên mạng xã hội, thu hút nhiều sự quan tâm của mọi người.

Sau khi Báo SGGP và nhiều báo khác đăng tải, phía cơ quan chức năng ở địa phương đã vào cuộc điều tra. Phía phường Bình Trị Đông còn cử lực lượng xuống tận nhà sơn lại, gắn camera an ninh và dựng chốt bảo vệ dân phố ở gần căn nhà của gia đình chị để bảo vệ.

Tín dụng đen lộng hành không chỉ với người vay tiền, mà còn có không ít trường hợp người dân bị lừa đảo, bị chiếm đoạt tài sản nhưng khi gửi đơn kêu cứu lên công an thì những lá đơn của họ dường như rơi vào hư không. Cụ thể chị P. (ngụ quận 10, TPHCM) bị người khác thuê ô tô của mình, sau đó mang đi cầm cho một nhóm cầm đồ. Mặc dù gửi đơn lên Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM cầu cứu về vụ việc bị chiếm đoạt tài sản, nhưng tới nay sau hơn 3 tháng gửi đơn, phía cơ quan công an vẫn chưa có động tĩnh gì và thậm chí cũng chưa liên lạc với người bị hại là chị P. để tìm hiểu sự việc…(?).

Chị P. cho biết, có một nhóm đòi nợ thuê đang ngã giá với chị để họ đòi tài sản về cho chị. Còn nhóm đang cầm xe của chị cũng đang ngã giá số tiền để chuộc xe về. “Hiện tôi cũng không biết làm sao, đã gửi đơn cầu cứu công an mà chẳng ai quan tâm, của mình người ta đem đi cầm rồi bắt mình đi chuộc, không biết pháp luật đang ở đâu?”, chị P. bức xúc.

Công an khó xử lý

Từ các vụ án điều tra của Công an TPHCM, cho thấy hoạt động tín dụng đen hiện nay trên địa bàn thành phố phát triển mạnh mẽ bởi các nhóm giang hồ gốc Bắc. Những nhóm này đa phần thuê các chung cư cao cấp để ẩn náu, tổ chức mạng lưới, chân rết rất kín kẽ. Thực tế, tại Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM có Đội Phòng chống tội phạm có tổ chức (Đội 2) đã đưa các nhóm giang hồ tín dụng đen, đòi nợ thuê vào diện theo dõi đặc biệt. Tuy nhiên chỉ khi chúng gây án (tức khủng bố hoặc gây thương tích, giết người nhằm đòi nợ nạn nhân), cơ quan công an mới đủ cơ sở vào cuộc để điều tra, bắt giữ.

Với tình trạng giang hồ tín dụng đen bùng phát, lực lượng Công an TPHCM cũng như các quận huyện đã thực hiện những cuộc “bố ráp”, kiểm tra hành chính nhiều tụ điểm, chung cư để tạm giữ các nhóm này. Tuy nhiên, đa phần các vụ việc chỉ dừng lại ở xử lý hành chính. Công an xác định, các nhóm giang hồ gốc Bắc trong cùng lĩnh vực thường có mối liên hệ chặt chẽ. Mỗi băng nhóm cho vay nặng lãi có quy mô hoạt động chuyên nghiệp.

Cụ thể, trong một băng lớn có thể chia thành nhiều nhóm nhỏ để chia địa bàn quận, huyện hoạt động. Tùy theo điều kiện của người có nhu cầu vay, chúng có thể cho vay số tiền từ vài triệu đồng hay vài tỷ đồng. Và khi có đụng độ với các băng nhóm khác, hay con nợ có vai vế xã hội, các nhóm nhỏ trong cùng băng nhóm, hay các băng nhóm trong cùng lĩnh vực sẽ liên kết, tập hợp để xử lý.

Ngoài ra, lực lượng Công an TPHCM cũng có đơn vị chuyên trách là Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nhưng nhắm vào quản lý các băng nhóm có pháp nhân như: công ty dịch vụ đòi nợ thuê, cơ sở cầm đồ… Thực tế hoạt động cho vay nặng lãi hiện nay hoạt động không hề có tính chính danh như loại hình công ty mà đa phần là dán, phát tờ rơi để người dân tìm đến tận nơi vay tiền. Chưa có khi nào tín dụng đen lại len lỏi vào các tầng lớp dân cư như hiện nay, hoạt động bất chấp pháp luật. Xử lý gốc rễ vấn nạn này đang làm đau đầu lực lượng công an.

Tin cùng chuyên mục