Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật, trẻ mồ côi Bến Tre (gọi tắt là Hội) do ông Huỳnh Văn Cam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, sáng lập và không ngừng vận động mạnh thường quân giúp những bệnh nhân khốn cùng trong hơn 10 năm qua. Những ngày đầu tháng 6 này, đoàn công tác thiện nguyện gồm các y, bác sĩ đến từ Trường Đại học Mercer (Hoa Kỳ) phối hợp cùng Hội tổ chức chương trình nối chi giả cho những người không may mắn bị tàn tật.
Đoàn bác sĩ thiện nguyện Trường Đại học Mercer (Hoa kỳ) lắp chân giả cho bệnh nhân nghèo
Chứng kiến cảnh những con người bất hạnh ngồi kín các dãy ghế chờ tới lượt mình để được điều trị bệnh xương khớp, lắp chi giả, chúng tôi thật sự xúc động. Họ ở mọi lứa tuổi, từ cao niên cho đến thiếu nhi, đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Tháp, Bạc Liêu… Hoàn cảnh tật nguyền của mỗi người một khác. Có người mất chi do chiến tranh, có người bệnh tật, bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động… Tất cả họ đều sẽ có thể đi lại bằng chi giả trong vài ngày tới.
Bị cụt trên gối phải, được nối chi giả vào năm trước, bây giờ ông Nguyễn Văn Triếng (59 tuổi, ấp Hiệp Phước, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) có thể đi lại dễ dàng. Ông xúc động chia sẻ: “Bản thân tôi vốn phục vụ trong quân đội của chế độ cũ, bị thương trong một trận đánh phải cưa chân. Sau giải phóng, tôi lâm vào cảnh hết sức khó khăn vì tật nguyền và mặc cảm. Những tưởng suốt đời này sẽ không còn tia hy vọng nào để đi lại, sinh hoạt và lao động bình thường như những người khác, nhưng nhờ có người bạn giới thiệu đến gặp anh Năm Lê Huỳnh (tên thường gọi của ông Huỳnh Văn Cam) và được anh ấy nhận giúp đỡ. Suốt đời này tôi mang ơn anh Năm và đoàn bác sĩ này”.
Ngày 10-6 vừa qua, chương trình Mercer on Mission của Trường Đại học Mercer thực hiện thành công lắp chi giả cho ca thứ 5.000 tại Việt Nam. Trong đó, trên 800 ca là người Bến Tre; còn ca thứ 5.000 là anh Nguyễn Văn Lực đến từ tỉnh Cà Mau. Người đàn ông 42 tuổi này bị đoản chi chân vào năm 2015, do tai nạn lao động. Sau đó, vợ anh Lực đã bỏ nhà ra đi, để lại anh một mình nuôi ba đứa con trong điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Khi nghe tin có chương trình lắp chi giả tại Bến Tre, anh đã tìm đến và nhận được sự giúp đỡ. “Tôi rất vui mừng và ngạc nhiên khi mình là ca thứ 5.000 trong chương trình lắp chi giả. Tôi thật sự rất biết ơn về sự tận tình của đội ngũ bác sĩ, tình nguyện viên đã giúp tôi có thể đi đứng dễ dàng hơn trước”, anh Lực bày tỏ.
Ông Trần Công Ngữ, Phó Chủ tịch Hội, cho biết Hội tiếp nhận tất cả những trường hợp có yêu cầu giúp đỡ và không hạn chế đối tượng hay nguyên nhân dẫn đến sự bất hạnh đó. Mỗi năm, đoàn của Đại học Mercer sẽ đến một đợt và họ sẽ giải quyết cho tất cả các trường hợp đã được nhận điều trị trong năm trước. Đồng thời sẽ tiếp nhận lượng bệnh nhân mới. Từng trường hợp sẽ được khám kỹ lưỡng, mang bệnh án về Mỹ nghiên cứu và sẽ đến thực hiện nối chi trong lần đến Việt Nam tiếp theo.
Nhận xét về chương trình của Đại học Mercer, bác sĩ Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế Bến Tre, trân trọng: “Bằng tấm lòng từ thiện và trọng trách của người thầy thuốc, họ đã làm việc hết sức cẩn trọng, thân tình, cởi mở. Những giọt mồ hôi thấm ướt thân áo, bữa ăn trưa dã chiến nhưng họ vẫn luôn rạng rỡ nụ cười - đó là những bác sĩ đáng ngưỡng mộ”.
Giáo sư - Tiến sĩ, bác sĩ Craig McMahan, Chủ nhiệm Chương trình Mercer on Mission của Trường Đại học Mercer, cho biết trong chuyến đi lần này, đoàn đã mang theo 1 tấn thiết bị và thuốc men để thực hiện điều trị bệnh xương khớp cho khoảng 800 bệnh nhân (trong đó có gần 20 trẻ em) và làm chân giả cho 225 người tàn tật. Chương trình sẽ thực hiện tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. |
PHƯỢNG VĨ