Tại TPHCM những năm qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố điều tra và đưa ra xét xử hàng trăm vụ án lớn nhỏ liên quan đến các tội danh tham nhũng. Riêng năm 2011 đã phát hiện, xử lý 29 vụ với hơn 100 cán bộ, đảng viên bị khởi tố, lãnh án tù về các tội danh này. Trong số đó đáng chú ý có 10 vụ phát hiện mới với tính chất và mức độ phức tạp cả về hành vi, thiệt hại lẫn phương thức, thủ đoạn phạm tội. Từ những vụ án này đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ.
Buông lỏng quản lý đảng viên
Nhận định trên được các cơ quan bảo vệ pháp luật của TPHCM đưa ra trong đánh giá kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng những năm qua. Mấu chốt của những yếu kém trong quản lý, điều hành hoạt động tại các đơn vị kinh tế để xảy ra các vụ án tham nhũng thời gian qua được cho là cơ chế quản lý, giám sát và đề bạt cán bộ vào các vị trí chủ chốt liên quan đến tiền, hàng còn nhiều bất cập và quá lỏng lẻo.
Cụ thể là vụ tham ô tài sản xảy ra tại Kho bạc Nhà nước huyện Nhà Bè do Trần Minh Long, kế toán trưởng và nhân viên kế toán Phùng Mạnh Hùng thực hiện. Là người nắm giữ vị trí quyết định việc thu chi tiền, vàng với giá trị rất lớn, Trần Minh Long hầu như quản lý luôn quy trình xuất nhập tại các bộ phận. Chính vì vậy, mọi kẽ hở trong giao dịch đều được Long nắm khá kỹ và dễ dàng lập các hồ sơ, chứng từ thanh toán giả để chiếm đoạt hơn 44 tỷ đồng. Có tiền, Long ném hết vào đỏ đen thông qua một đường dây cờ bạc quốc tế. Điều đáng nói, vụ việc xảy ra trong thời gian dài và những biểu hiện sinh hoạt bất thường của cán bộ này với một số đối tượng phức tạp bên ngoài, đã không được cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị tại đây nắm được và hàng năm Long vẫn được bình xét là... đảng viên tiêu biểu, cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (!?).
Một vụ án khác xảy ra tại Công ty Quản lý và phát triển nhà quận 5, cũng được cho là có liên quan đến công tác quản lý đảng viên tại cơ sở quá lỏng lẻo, đã tạo điều kiện để cả giám đốc công ty là Mai Văn Dũng, kế toán trưởng Hà Văn Tuấn và đội trưởng đội thi công số 3 Phan Việt Tiến cùng phạm tội với số tiền thất thoát và tham ô của Nhà nước gần 30 tỷ đồng.
Theo tài liệu, từ năm 2004 đến 2009, các đối tượng đã cấu kết với nhau “rút ruột” tài sản của Nhà nước bằng các thủ đoạn như lập chứng từ giả, lập dự án vay ngân hàng lấy tiền cho vay lại và chi tiêu sai nguyên tắc. Do thiếu kiểm tra, giám sát tại đơn vị và do cấp trên buông lỏng quản lý, không đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ cấp dưới, nên các đối tượng cứ vô tư phạm tội trong một thời gian dài mà không bị phát hiện.
Vụ án Lưu Tố Lan, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cùng 12 đối tượng khác lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng từ Quỹ BHYT; vụ án Nguyễn Thị Thu Hương của Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Củ Chi tham ô hơn 2,8 tỷ đồng… cũng cho thấy do buông lỏng quản lý đảng viên, thiếu sự giám sát, kiểm tra thường xuyên của cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị và của cơ quan quản lý cấp trên. Tất cả đều có yếu tố về chủ quan, qua loa, nể nang, thiếu công khai minh bạch, vi phạm nguyên tắc tổ chức, thiếu dân chủ của các cấp lãnh đạo trong bố trí, sử dụng và đánh giá cán bộ, đảng viên ở từng cấp.
Hậu quả từ các vụ án tham nhũng là không chỉ mất tài sản của Nhà nước, mất cán bộ, mà còn làm cho hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy các cơ quan Nhà nước kém hiệu quả, không phát huy tác dụng trong phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Chạy chức, chạy quyền chưa được ngăn chặn
Theo Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng, từ các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên có chức, có quyền tham ô tài sản không chỉ từ lòng tham, hám lợi mà còn là sự cám dỗ của các thói hư tật xấu, cờ bạc, ăn chơi. Đây là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang được giao trọng trách nắm giữ tài sản của Nhà nước.
Nguyên nhân của vấn đề này được đại tá Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an khẳng định, do cơ chế quản lý lỏng lẻo và thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các cán bộ, đảng viên ở các vị trí liên quan đến tiền, hàng. Mặt khác, lãnh đạo ở nhiều cơ quan, đơn vị còn xem nhẹ phẩm chất, đạo đức khi bổ nhiệm cán bộ; nhiều nơi còn trọng dụng người có tiền án, tiền sự, người có bất minh về lối sống tham gia quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế.
Về phía trách nhiệm của tổ chức Đảng ở những nơi để xảy ra các vụ tham nhũng, tiêu cực lớn, theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, có một phần của quy trình đánh giá, bổ nhiệm và tái bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo. Cụ thể như vụ 4 cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật quận 11 và vụ Nguyễn Tú Anh, nguyên cán bộ điều tra Công an quận Thủ Đức đều phạm tội đưa và nhận hối lộ, môi giới hối lộ, đã lộ ra nhiều khiếm khuyết trong quy trình bố trí cán bộ, trong đó có việc nhận xét, đánh giá hàng năm về mức độ hoàn thành nhiệm vụ còn qua loa, chiếu lệ, không thấy rõ được những khuyết điểm để kịp thời uốn nắn.
Mặt khác, như Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nhận định, công tác cán bộ lâu nay chưa chú trọng đến khâu luân chuyển, sắp xếp những cán bộ có đức, có tài và có tâm vào các vị trí trọng yếu. Nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, có khuyết điểm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ không cao nhưng vẫn giữ mãi ở chức vụ dễ phát sinh tiêu cực. Đây chính là vấn đề liên quan đến chạy chức, chạy quyền và chạy giữ các vị trí béo bở trong bộ máy chính quyền các cấp tồn tại nhiều năm nay.
Nếu không có cơ chế quản lý, giám sát, không có quy trình bố trí cán bộ chặt chẽ ở từng cấp thì những phần tử cơ hội sẽ tìm cách chui vào bộ máy và leo cao trong các vị trí lãnh đạo để tham nhũng, đục khoét tài sản của Nhà nước.
HOÀI NAM