Sau hơn 3 tháng thực hiện dự án thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn tại 95 hộ gia đình và 10 đơn vị (tổ chức tại khu phố I2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) chương trình đã được vận hành ổn định, thu được các kết quả mong muốn ban đầu.
Theo đó, rác được phân loại tại từng hộ gia đình, thùng rác thực phẩm và không phải thực phẩm được vận chuyển trực tiếp đến khu xử lý thí điểm tại khu vực Đa Phước. Tại đây rác được phân loại lần 2 và được sơ chế, thực hiện quy trình ủ kín trong hệ thống bồn chứa, đã thu được khí có thể chạy máy phát điện và rác hữu cơ sau phân ủ có thể tiếp tục xử lý để làm phân compost, phân bón vi sinh có chất lượng.
Các hộ gia đình được tài trợ 2 thùng đựng rác, trong đó, 1 thùng màu xanh đựng rác hữu cơ và 1 thùng màu xám để đựng rác còn lại. Công nhân thu gom rác của công ty dịch vụ công ích quận gồm 2 người để gom 2 loại rác khác nhau. Tại điểm tập kết rác, rác hữu cơ được đưa lên xe chuyên chở rác hữu cơ đã được phân loại, rác không phải rác hữu cơ được đưa lên xe ép để vận chuyển về nơi chôn lấp. Tại khu vực xử lý thí điểm rác hữu cơ đã được phân loại được trang bị hệ thống phân loại thứ cấp để loại bỏ lần 2 các rác thải không có nguồn gốc hữu cơ. Hệ thống bồn chứa ủ kín có khả năng thu gom khí thải để có thể cung ứng trực tiếp cho máy phát điện chạy bằng khí metan.
Tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh của 100 hộ chủ nguồn thải, phát sinh trung bình 300 kg/ngày, trong đó rác thải có nguồn gốc thực phẩm chiếm khoảng 70%-80% (từ 210kg - 240kg/ngày), rác thải còn lại không phải chất thải hữu cơ chiếm khoảng 20% - 30% (từ 60kg - 90kg/ngày). Khi thực hiện dự án trong tháng đầu tiên, các chuyên viên của dự án kết hợp cùng cán bộ phường, công nhân thu gom rác đến từng hộ để đánh giá kết quả phân loại rác, đồng thời tiếp tục hướng dẫn để người dân có thể làm đúng. Trong tháng thứ 2 và thứ 3 trên kết quả giám sát của tháng thứ nhất việc giám sát và hướng dẫn tại chỗ được giảm xuống 2 - 3 lần/tuần. Việc phân loại lần 2 tại khu vực xử lý cho thấy kết quả có tới trên 90% số hộ dân đã thực hiện phân loại rác hữu cơ và rác thải còn lại đúng yêu cầu.
Sau khi thực điểm thí điểm tại 100 hộ dân ở phường Bến Nghé, quận 1, đến tháng 3-2014, dự án sẽ triển khai tại quận Bình Thạnh và quận 5. Chính vì thế, Sở TN-MT chủ trương vận động xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cụ thể, TP Osaka (Nhật Bản) đã hỗ trợ chuyên gia, phối hợp với Sở TN-MT xây dựng nội dung chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn và các kế hoạch quản lý tổng hợp chất thải của TPHCM, thiết kế mẫu phiếu khảo sát các đối tượng nguồn chủ thải trước và sau quá trình triển khai chương trình thí điểm, phân tích mẫu thành phần chất thải trước và sau thực hiện phân loại; đánh giá kết quả thực hiện chương trình cho từng giai đoạn và điều chỉnh dự án cho phù hợp. Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản) hỗ trợ 190 thùng đựng rác để phân phát cho các chủ nguồn thải và 4 xe đẩy tay, trạm xử lý tái chế hỗ trợ đơn vị thu gom chất thải thu gom của dự án. Chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn với 100 hộ dân này chủ yếu này nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa TPHCM và Osaka, là 1 trong những chương trình đầu tiên triển khai các nội dung hợp tác giữa 2 TP.
TPHCM mỗi ngày thu gom và xử lý chôn lấp từ 6.500 - 7.800 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó thành phần rác hữu cơ chiếm khoảng 55% - 60% khối lượng, còn lại là rác vô cơ được đánh giá là có khả năng tái chế, tái sử dụng, tái sinh năng lượng. Việc tách riêng các thành phần chất thải rắn trước hết là rác sinh hoạt có nguồn gốc hữu cơ và vô cơ sẽ mang lại hiệu quả tổng thể cao cho công tác quản lý môi trường và sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, việc phân loại rác sinh hoạt tại chủ nguồn thải được xem là giải pháp bắt buộc và có hiệu quả mà các nước phát triển đã áp dụng.
NGUYỄN VĂN CHIẾN