Những bất cập trong Luật Doanh nghiệp - Bài 2: Thoáng kẻ gian, khó người ngay

Gần đây xảy ra nhiều vụ doanh nghiệp (DN) kiện cơ quan cấp phép hoặc trong nội bộ DN kiện nhau. Với quy định cán bộ chỉ có trách nhiệm kiểm tra tính “hợp lệ” của hồ sơ nên nhiều người làm hồ sơ giả “cướp” luôn DN. 

Các quy định pháp luật nghe có vẻ rất thoáng, thế nhưng quy định thoáng đó chỉ giúp người gian dễ dàng thực hiện hành vi sai phạm, còn người ngay phải khổ vì đi đòi quyền lợi hợp pháp cho mình. Cấp phép 1 ngày, kiện 3 năm là chuyện có thật.

Kiện… thiên thu

Ông Trần Minh Hoàng đang là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt Nam (Vinaland; trụ sở ở quận 7, TPHCM), bỗng dưng bị người trong công ty ký hồ sơ giả, làm con dấu giả thay đổi người đại diện trước pháp luật sang ông Trần Bình Long. Khi phát hiện mình bị “cướp ngôi”, ông Hoàng khiếu nại lên Sở KH-ĐT TPHCM.

Dù mắt thường cũng có thể thấy được sai sót trong hồ sơ thay đổi người đại diện pháp luật, vì người ký không phải là người đại diện pháp luật của công ty, con dấu cũng không đúng con dấu đã đăng ký tại Sở KH-ĐT trước đây, thế nhưng Sở KH-ĐT trả lời rằng sở chỉ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ (khai đủ các giấy tờ theo mẫu), chứ không có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp (giấy tờ giả hay thật), nên muốn sửa đổi lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì phải có văn bản của bên công an xác định sai, hoặc phải kiện ra tòa.

Ông Hoàng bắt đầu quy trình khiếu nại khắp nơi. Dù Công an quận 7 xác định con dấu đó là giả, nhưng lại tự nhận định “việc làm con dấu giả để thay đổi người đại diện trước pháp luật chưa gây thiệt hại”, tức chưa xảy ra hậu quả, nên không xử lý hình sự (mặc dù hành vi làm giả giấy tờ, con dấu không quy định về thiệt hại).

Ông Hoàng sau đó kiện lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu bảo vệ cổ đông nhưng vẫn không được phản hồi, nên ông khởi kiện ra tòa án. Hồ sơ khởi kiện từ năm 2015, đến nay mới được TAND TPHCM ra bản án phúc thẩm tuyên buộc Sở KH-ĐT hủy các lần thay đổi giấy phép kinh doanh vì hồ sơ giả đó. Hậu quả của việc xử lý kéo dài đã giúp người đại diện trước pháp luật giả bán mấy trăm căn hộ của công ty, khiến hàng trăm người dân đang “mắc kẹt”, vì khi có bản án xác định giám đốc giả ký bán thì liệu hợp đồng mua bán có còn hiệu lực?

Điều đáng nói là hậu quả rõ ràng nhưng người làm sai không bị xử lý gì, Sở KH-ĐT cấp sai cũng vô can. Cuối cùng, nỗ lực cải cách hành chính rút ngắn thời gian cấp phép còn 1 - 3 ngày tưởng chừng tạo thông thoáng, không ngờ lại giúp kẻ gian lợi dụng và khiến người ngay bị khổ vì không được pháp luật bảo vệ.

Mới đây Công ty Cà phê Trung Nguyên cũng tranh chấp vì cho rằng hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh bị làm giả, nhưng vẫn được Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương cấp thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Vụ việc đang được tòa án tỉnh Bình Dương xử lý.

Không bầu được hội đồng quản trị

Với quy định cấp phép mà không cần kiểm tra tính xác thực như hiện nay, rất nhiều trường hợp bị lợi dụng để trục lợi, gây tranh chấp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của người dân. Chị Nguyễn T.L. ở Đồng Nai mua lại công ty trách nhiệm hữu hạn của người khác, hồ sơ được sở KH-ĐT chuyển đổi xong.

Tự dưng sau đó bị người đứng tên trong giấy phép cũ kiện, vì cho rằng họ sở hữu 50% vốn nhưng không ký tên sang nhượng DN. Hỏi ra thì phát hiện trước đây 2 vợ chồng đứng tên công ty, người chồng đưa tên vợ vào, tự ký chữ ký cho vợ rồi nộp hồ sơ thành lập DN lên sở KH-ĐT. Đến khi sang nhượng lại DN, người chồng cũng ký tên thay cho vợ để bán. Thủ tục đơn giản, hóa ra lại gây ra tranh chấp.

Tương tự, ông D.Q.T. ở TPHCM cũng đăng ký thành lập công ty cổ phần, với loại hình DN này đòi hỏi phải có 3 cổ đông nên ông đưa tên vợ chồng ông và người em vào. Không ngờ người em phát hiện nên nổi lòng tham, đã ra công chứng bán lại số cổ phần đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho người khác. Người mua đã kiện công ty ra tòa để đòi sở hữu số cổ phần đó. Dù việc đứng tên chỉ trên giấy, người em không có bất kỳ giấy tờ chứng minh đã góp vốn và hẳn nhiên không được công nhận tư cách cổ đông, nhưng việc dễ dãi trong cấp giấy phép kinh doanh đã phát sinh tranh chấp.

Hiện nay, các DN trong quá trình cổ phần hóa bị vướng quy định sở hữu vốn, không thể thông qua được các vấn đề của DN, khiến hoạt động kinh doanh đình trệ. Ông Huỳnh An Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cholimex, kể rằng thực hiện chủ trương cổ phần hóa DN nhà nước nên công ty bán hơn 30% số cổ phần cho Masan. Luật DN mới quy định việc biểu quyết thông qua nghị quyết HĐQT phải đạt tỷ lệ trên 65%, trong khi điều lệ công ty theo quy định luật cũ thì phải trên 75%, có nghĩa điều lệ cũ không vi phạm quy định của luật nên vẫn có hiệu lực.

Tuy nhiên, khi Masan sở hữu hơn 30% thì vướng tỷ lệ phải trên 75% (theo điều lệ công ty) nên mãi đến giờ, đã nhiều năm DN vẫn không thể thông qua những vấn đề lớn được, ngay cả sửa điều lệ cũng không được. Đó cũng là lý do khiến mới đây, một ngân hàng cũng vướng tỷ lệ sở hữu 30% mà cổ đông này không thống nhất thông qua nên nghị quyết bị treo, khiến Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc.

Những bất cập trong Luật Doanh nghiệp - Bài 2: Thoáng kẻ gian, khó người ngay ảnh 1 Công ty Cholimex “loay hoay” nhiều năm do vướng quy định về tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết HĐQT (Ảnh: Nhà máy Cholimex tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc). Ảnh: CAO THĂNG
PGS-TS Nguyễn Hồng Nga, Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, cho rằng Luật DN cần chỉnh sửa để phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại và tương lai, làm sao phải dễ hiểu, dễ áp dụng, có tính kế thừa lâu dài và quan trọng là tạo được niềm tin trong dân chúng.
Theo đó, luật cần sửa đổi để đạt mục tiêu chung là: giảm chi phí giao dịch, hạn chế và có thể giải quyết được xung đột giữa các chủ thể kinh tế, bảo vệ phạm vi tự do cá nhân và DN trong khuôn khổ pháp luật. Qua đó, cũng giúp DN quản lý rủi ro phát sinh từ các giao dịch trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục