Kỷ niệm ngày 19-5 năm nay, xin giới thiệu với bạn đọc nhạc sĩ Văn Dung, tác giả của một ca khúc nổi tiếng viết về Bác Hồ kính yêu. Từ nhiều năm qua, có một điều mong ước thiết tha, chân thành nhất của những người soạn nhạc trong đội ngũ văn hóa - văn nghệ cách mạng Việt Nam - trong đó có Văn Dung - là viết nên những tác phẩm âm nhạc xứng đáng với Bác, một nhân vật lịch sử Việt Nam, một danh nhân văn hóa thế giới, sinh ra từ dân tộc ta, nhân dân ta và đã làm rạng rỡ non sông, đất nước ta.
Nhạc sĩ Văn Dung tên thật là Nguyễn Văn Dung, sinh năm 1935. Khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, trong thời gian từ 1954 đến 1956, Văn Dung tham gia tích cực vào phong trào ca hát của học sinh, thanh niên thủ đô, đáng chú ý có việc tham gia Ban hợp xướng Tuổi Xanh của Hà Nội. Không biết vì lẽ gì, chàng thanh niên Hà Nội này không vào học trường nhạc mà lại vào Trường Báo chí Trung ương (Phân hiệu 2 của Trường Nguyễn Ái Quốc). Khi học ở Trường Báo chí, năm 1960 nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Văn Dung sáng tác ca khúc Người vô sản. Có thể xem đó là sáng tác đầu tay của Văn Dung. Cuối năm 1960, Văn Dung tốt nghiệp về báo chí và về công tác ở Ban Công nghiệp Đài TNVN.
Sau một thời gian ngắn làm việc ở Ban Công nghiệp Đài TNVN, Văn Dung được chuyển sang làm biên tập âm nhạc. Nguyên do vì Phòng âm nhạc của đài đang thiếu người, mà Văn Dung lại từng hoạt động ca hát, đã có sáng tác đầu tiên và từng học trường báo chí. Tuy không học ở trường nhạc nhưng Văn Dung đã thu nhận kiến thức âm nhạc trong thực tế công tác biên tập, đồng thời học ở các đàn anh đi trước và nhất là học trong những dịp đi thực tế cùng các nhạc sĩ đến công - nông - lâm trường, xí nghiệp và cả ở chiến trường ác liệt. Về Phòng âm nhạc của Đài TNVN ít lâu, Văn Dung viết Thuyền đi đón lúa (1962), Ai đưa sông nước lên đồi (1963)… Có thể coi đây là những sáng tác bước đầu của Văn Dung.
| |
Từ khi địch tăng cường đánh phá miền Bắc bằng không quân, trên làn sóng của Đài TNVN, quần chúng bắt đầu có ấn tượng khi nghe một số ca khúc của Văn Dung. Từ năm 1965 đến năm 1971, ông đã sáng tác một số bài khá thành công nhất là các bài cổ vũ cho cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, đáng chú ý có các bài: Giải phóng quân ta ra đi (viết cùng Triều Dâng - 1965), Tiến về Khe Sanh (1968), Đường Trường Sơn xe anh qua và Bài ca đường 9 chiến thắng (1971)…
Văn Dung còn có một số ca khúc viết cho tuổi trẻ, trong đó có một bài được quần chúng yêu thích, Hành khúc TNCS HCM (1970) . Ngoài ra ông còn viết khá nhiều bài về các ngành nghề trong công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, hầm mỏ… Trong ngày toàn thắng 30-4-1975, Văn Dung có 2 bài được giới thiệu trên làn sóng Đài TNVN chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sáng tác của ông sau năm 1975 phần lớn là các bản tình ca.
Số sáng tác của Văn Dung khá phong phú nhưng quần chúng biết đến tên ông nhiều nhất là ca khúc nổi tiếng Những bông hoa trong vườn Bác. Khi đặt bút sáng tác bài hát về Bác, ông không khỏi băn khoăn, lo lắng bởi lẽ đây là một đề tài mà nhiều thế hệ nhạc sĩ đàn anh đi trước đã có những tác phẩm nổi tiếng. Tháng 9-1969, khi Bác ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân cả nước, Văn Dung đã viết bài Tên Người sáng niềm tin và sau đó còn viết tiếp nhiều bài khác nữa: Tôi vẫn nghe sóng hát tên Người, Pác Bó nơi còn ấm tình Bác, Tiếng Người nói ngày ấy… Những bài này ít phổ biến trong quần chúng.
Đến một buổi tối năm 1977, khi đang đọc sách, bỗng trong tâm trí Văn Dung xuất hiện một nét giai điệu: “Những bông hoa trong vườn Bác/ Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người…”. Dòng nhạc cứ thế tuôn trào, ông vội vã ghi chép và chỉ sau 1 giờ hoàn thành ca khúc Những bông hoa trong vườn Bác. Đây là kết quả của những nghĩ suy, tình cảm kính yêu Bác được hình thành từ khá lâu trong Văn Dung, đã dồn nén lại, để rồi trong 1 giờ bật ra thành một tác phẩm nổi tiếng. Như vậy thời gian để sáng tác ra bài hát này là nhiều năm thai nghén cộng với 1 giờ xuất thần: “… Ngắm bông hoa trong vườn Bác/ Còn thấy đây dáng hình bao thân thương của Người/ Những loài hoa từ miền quê xa/ Đã về đây ngạt ngào hương bay/ Càng nhớ về công ơn của Người/ Em ơi nghe chăng mùa xuân đến…”. Văn Dung tâm sự: Tôi nghĩ rằng Bác Hồ là người trồng hoa vĩ đại và mỗi người chúng ta đang ra sức xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, nguyện là một bông hoa tươi đẹp trong vườn hoa của Bác.
Với nhịp 6/8 (barcarolle) nhẹ nhàng, thanh thoát, giai điệu thành kính, thiết tha đi vào lòng người, bài hát Những bông hoa trong vườn Bác đã thể hiện tình cảm sâu đậm của mọi con người Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu.
Đây là một trong những nhạc phẩm hay nhất về Bác vẫn còn đọng lại lâu dài trong quần chúng cả nước.
Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC