Gương mặt Học bổng Nguyễn Văn Hưởng

Những “bông hoa” và những mảnh đời

Những “bông hoa” và những mảnh đời

8 năm qua, Học bổng Nguyễn Văn Hưởng của Báo Sài Gòn Giải Phóng đã để lại nhiều dấu ấn cho sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM và Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM. Các sinh viên nhận học bổng hằng năm đã thật sự là tấm gương cho bạn bè về nghị lực phi thường vượt qua gian khó để gặt hái nhiều thành tích trong học tập. Chúng tôi xin giới thiệu 3 gương mặt tiêu biểu trong số 30 sinh viên nhận Học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần 7 – năm 2006.

  • NGUYỄN ĐÌNH THANH THANH (Y-2003, Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM)
    Dành tiền để chữa bệnh cho mẹ

Khi chúng tôi tìm tới nhà cô sinh viên Nguyễn Đình Thanh Thanh thì đã gần 9 giờ đêm. Căn nhà nhỏ nằm trên đường số 6 khu phố 5 phường Linh Tây quận Thủ Đức chìm trong vắng lặng. Bà hàng xóm cho biết: “Giờ này, chị Bình (mẹ của Thanh) vẫn còn phải làm việc tăng ca ở công ty, còn Thanh thì đi dạy kèm chưa về. Muốn gặp thì 10 giờ quay lại”.

Những “bông hoa” và những mảnh đời ảnh 1

Ngoài giờ học Vũ Lâm phụ bán cà phê để trang trải cho việc học.

Ba bỏ nhà ra đi khi Thanh vừa tròn tám tuổi, mẹ quyết ở vậy nuôi Thanh. Mẹ làm công nhân, lại thêm nay ốm mai đau, tuổi thơ Thanh trôi qua trong lận đận, nghèo khó. Ngay cả việc đến trường cũng không hề là điều đơn giản. Vậy mà, nhờ thông minh, chịu khó nên suốt 12 năm học phổ thông, Thanh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lên đại học, không học kỳ nào suất học bổng dành cho sinh viên xuất sắc của Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM lại thiếu tên Thanh.

Ngoài giờ học Thanh còn đi dạy thêm kiếm tiền đỡ đần cho mẹ. Còn chị Bình, hằng ngày khoảng 4 giờ sáng phải đạp xe ra chợ mua đồ ăn, sửa soạn bữa sáng và chuẩn bị cơm nước cho Thanh ăn trong ngày. Chị phải chia cơm làm hai phần: phần cho vào cặp lồng để Thanh đem theo lên trường ăn trưa và một phần để dành cho bữa tối. Chị Bình cho biết, vì nghèo nên mẹ con chị đành phải “liệu cơm gắp mắm”, lương công nhân thì chỉ có 626.000 đ/tháng.

Hồi Thanh đậu đại học, chưa kịp mừng cho con thì lại canh cánh nỗi lo học phí. Túng quá, không đào đâu ra tiền, chị Bình đã phải nộp đơn xin nghỉ việc ở công ty để được rút 2 triệu đồng bảo hiểm ra đóng học phí cho con. Từ một công nhân lành nghề chị lâm vào cảnh thất nghiệp, phải đi giúp việc nhà gần nửa năm trời.

May mà vừa rồi chị xin được vào khu chế xuất Linh Trung làm lại. Những tháng ngày cơ cực, làm công, làm thuê, tăng ca… đã vắt kiệt sức chị. Ngoài căn bệnh rối loạn tiền đình mãn, mới đây chị Bình còn mắc thêm bệnh sỏi thận. Các bác sĩ cho biết, viên sỏi này có kích thước khá lớn và thận đã bị ứ nước độ 1. Thanh cho biết, lần nhận học bổng này cô sẽ dành dụm một ít để chữa bệnh cho mẹ.

  • PHẠM VŨ LÂM ( D-2003 Trường Đại học Y Dược TPHCM)
    Em sẽ trả nợ học bổng năm thứ 2

Chúng tôi đã lặng người đi khi nghe kể về quãng đời đã và đang trải qua của chàng SV Phạm Vũ Lâm, khoa Dược 2003, Trường Đại học Y Dược TPHCM. Lâm sinh ra và lớn lên ở một vùng sâu của tỉnh Ninh Thuận. Năm Lâm mới học lớp 4 thì ba đột nhiên mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Gia đình Lâm đã bán mọi tài sản, vật dụng trong nhà và tìm đủ mọi cách để chạy chữa cho ba, nhưng cuối cùng cũng đành bất lực.

Ba mất, mẹ thì nay ốm mai đau, 3 đứa em thì còn quá nhỏ, là anh cả, Lâm trở thành “trụ cột” gia đình. Tuổi thơ của Lâm trôi qua trong khó khăn, vất vả để mưu sinh. Lâm phải quán xuyến hầu hết các công việc gia đình như chăm em, dạy em học và làm thuê như: làm rẫy, phụ hồ, làm cỏ thuê, kiếm củi… để phụ mẹ kiếm tiền nuôi em.

Nhiều hôm trong nhà không còn một hạt gạo, năm mẹ con phải hái lá nấu canh ăn trừ bữa. Khi học hết tiểu học, Lâm tính nghỉ học ở nhà đi làm. Nhưng nhớ đến lời hứa với ba trước khi ba nhắm mắt, Lâm lại gắng sức vượt qua. Sau khi học hết trung học cơ sở, Lâm phải chuyển lên thị xã để theo học tiếp. Ngoài giờ học, Lâm đi phụ bán quán cà phê, phụ hồ, bốc vác… dù Lâm khi đó đang là trẻ vị thành niên.

Cảm thương cho hoàn cảnh của cậu học trò nghèo, học giỏi và hiếu học, cô giáo Thanh Nhi và một số thầy cô khác đã đưa Lâm về nuôi nấng và kèm cặp việc học hành cho Lâm. Nhờ đó, năm lớp 12 Lâm không chỉ đạt danh hiệu học sinh tiên tiến mà còn đoạt giải 3 trong kỳ thi học sinh giỏi môn sinh của tỉnh.

Theo ý nguyện của ba, Lâm nộp đơn thi vào khoa Dược Trường Đại học Y Dược TPHCM. Không phụ lòng tin mọi người, Lâm đã đậu đại học ngay từ năm thi đầu tiên. Mới chân ướt chân ráo lên thành phố, ngày một ngày hai là Lâm đã đạp xe đi kiếm việc làm từ bồi bàn, phụ bán cà phê đến đi dạy kèm… Mặc dù đã cố gắng hết sức và tranh thủ làm thêm, kể cả trong dịp hè, lễ, tết, nhưng Lâm cũng không đủ tiền trang trải việc ăn uống, học hành.

Nhiều hôm không có tiền ăn Lâm đành đi ngủ để cho đỡ đói. Dù đã sang kỳ cuối của năm học thứ 3 mà Lâm vẫn chưa có tiền đóng học phí năm 2. Khi biết tin mình được nhận Học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2006 Lâm mừng muốn khóc. Em dự tính trả nợ học phí năm ngoái, phần còn lại sẽ gửi về quê mua sách vở cho mấy đứa em.

  • DANH KIM NGÂN (Y. 2003 Trường Đại học Y Dược TPHCM)
    Mong trở thành bác sĩ giỏi để chăm sóc sức khỏe cho bà con quê em

Những “bông hoa” và những mảnh đời ảnh 2

Danh Kim Ngân

Trong số những sinh viên được trao tặng học bổng lần này có một cô sinh viên là người Khmer. Là người dân tộc thiểu số nhưng Danh Kim Ngân, sinh viên lớp Y 2003, lại học giỏi không thua các bạn người Kinh, điểm bình quân của ngân là 7,08. Khi gặp chúng tôi, Ngân vui mừng cho biết: “Khi nghe tin, em mừng đến mức không dám tin đó là sự thật. Em vừa viết thư về nhà để báo tin cho bố mẹ”.

Gia đình Ngân hiện sống ở ấp Tràm Chẹt, xã Bàn Tân Định, huyện Rồng Giềng, tỉnh Kiên Giang. Hoàn cảnh kinh tế gia đình Ngân gặp rất nhiều khó khăn. Để nuôi Ngân và một anh trai cũng đang học Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cậu em út đang học lớp 12 phải nghỉ để phụ bố làm việc đồng áng. Ngày Ngân đậu đại học, để có tiền cho em lên thành phố nhập học, ba mẹ em đã phải bán đi 3 công đất.

Ngoài giờ học, Ngân thường tranh thủ làm một số việc thời vụ như phát tờ rơi, gia sư… Lý giải cho việc chọn vào ngành y, Ngân tâm sự: “Từ nhỏ em đã ước mơ lớn lên được trở thành bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho người dân ở quê em. Quê em còn rất nghèo, người dân thường đau ốm mà lại thiếu bác sĩ. Em mong rằng mình sẽ vượt qua thời gian học ở thành phố để trở thành bác sĩ về quê chăm sóc sức khỏe cho mọi người”.

- Tính đến ngày 15-3, Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2006 đã nhận được 126 triệu đồng từ lòng hảo tâm của các đơn vị và cá nhân bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng.

- Lễ trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần thứ 7 năm 2006 sẽ được tổ chức trọng thể vào lúc 20 giờ ngày 28-3-2006 tại Nhà hát thành phố (số 7 Công trường Lam Sơn). Tại buổi lễ này, Ban tổ chức sẽ trao học bổng cho 30 sinh viên của 2 trường: Đại học Y Dược TPHCM và Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM, 10 bác sĩ vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và 5 nữ hộ sinh thôn bản.

TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục