Những bóng hồng tình nguyện

Dịch Covid-19 ở nhiều tỉnh thành phía Nam vẫn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh viện dã chiến được thiết lập để thu dung, điều trị cho bệnh nhân. Được vào bên trong bệnh viện dã chiến tác nghiệp, chúng tôi thật sự xúc động khi chứng kiến đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện viên như những con thoi, nhọc nhằn, tất bật không ngơi nghỉ chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.
Tình nguyện viên đưa thức ăn vào cho bệnh nhân mắc Covid-19
Tình nguyện viên đưa thức ăn vào cho bệnh nhân mắc Covid-19

1. Nằm nép mình bên con đường nhỏ mang tên nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Bệnh viện dã chiến ở ký túc xá tại Trường Cao đẳng Dầu khí (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hoạt động từ đầu tháng 8-2021 với quy mô khoảng 800 giường bệnh và hiện đang chăm sóc, điều trị cho gần 500 bệnh nhân mắc Covid-19. 

6 giờ sáng, căn phòng điều hành luôn sáng đèn nhộn nhịp tiếng bước chân đi lại thay ca của đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng viên. Xa xa phía cuối hành lang, nơi ngủ nghỉ của những tình nguyện viên, cũng phát ra tiếng í ới gọi nhau thức dậy vệ sinh cá nhân để kịp mặc đồ bảo hộ, đưa đồ ăn sáng đến cho bệnh nhân.

Giống như những ngày làm việc khác, sau hơn chục phút nhận sự phân công của lãnh đạo bệnh viện, các y, bác sĩ nhanh chóng trùm lên mình bộ đồ bảo hộ, mang theo dụng cụ y tế, bước vào khu ở của các bệnh nhân để bắt đầu thăm khám. Trong số những “chiến binh áo trắng” ấy có Đinh Thị Dung (26 tuổi, ngụ tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ), điều dưỡng viên của một phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn, có hoàn cảnh rất đặc biệt. Hơn 5 năm trước, khi chị đang mang thai con trai đầu lòng được hơn 6 tháng, chồng chị bị tai nạn giao thông nghiêm trọng tử vong, khiến chị trở thành người mẹ đơn thân ở độ tuổi còn khá trẻ. Gia đình nhà chồng ở Thái Bình nên chị mang con gửi cha mẹ và các em để có thời gian đi làm. Thế rồi dịch Covid-19 bùng phát, biết thông tin ngành y tế đang thiếu nhân lực, chị gửi hẳn con cho cha mẹ và đăng ký vào tuyến đầu chống dịch.

2. Gần trưa, giữa cái nắng nóng oi bức ngày hè, lãnh đạo bệnh viện thông báo có nhóm tình nguyện viên mới đến làm việc. Từ kinh nghiệm cả tháng đi tình nguyện giúp đỡ phòng chống dịch, cô sinh viên năm cuối khoa Kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao (Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu) Nguyễn Thị Ngọc Mai nhanh chóng đến bàn làm việc lấy thông tin bệnh nhân mới đến. Mai quê ở Bắc Giang, theo anh trai vào Vũng Tàu học tập từ hơn 4 năm trước, đã nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống của miền biển. Vóc dáng lanh lẹ, cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô được các bạn phong làm “thủ lĩnh” của nhóm sinh viên Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu tình nguyện đi phòng chống dịch.

“Biết tin em đi vào bệnh viện, mẹ em mất ngủ 2 đêm liền, sau phải động viên mãi mới an tâm cho đi, nhưng ngày nào mẹ cũng gọi hỏi thăm”, Mai kể.

Ngoài các sinh viên tình nguyện, trong đợt này còn có chị Nguyễn Ngọc Anh (29 tuổi), cũng xung phong vào bệnh viện giúp đỡ người bệnh. Ngọc Anh là con gái duy nhất của một gia đình cán bộ công nhân viên ở TP Vũng Tàu và đang làm việc cho một công ty đa quốc gia có chi nhánh ở Campuchia. Dịch dã bùng phát đúng lúc chị về nhà thăm bố mẹ, rảnh rỗi Ngọc Anh lên mạng tìm kiếm công việc và xin đi tình nguyện ở bệnh viện dã chiến với công việc hành chính.

Còn với nữ bác sĩ đa khoa Hoàng Thị Luân (26 tuổi), một trong những bác sĩ trẻ nhất của đoàn y tế tỉnh Thái Nguyên vào hỗ trợ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chống dịch, thì đây là chuyến công tác xa nhà nhất kể từ khi cô khoác lên mình chiếc áo blouse. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 3 anh em ở Bắc Giang, Luân theo đuổi ước mơ làm bác sĩ tại Đại học Y Dược Thái Nguyên. Khi dịch Covid-19 ở Bắc Giang bùng phát, cô  theo đoàn công tác về quê chung tay góp sức dập dịch. Giờ đây, khi một số tỉnh, thành phía Nam đang là tâm dịch, cô tiếp tục tình nguyện lên đường chiến đấu với “giặc Covid-19”. Cô bộc bạch: “Ban đầu bố mẹ cũng khá lo lắng, nhất là mẹ. Nhưng ngành y là vậy, dần dần rồi bố mẹ cũng hiểu, động viên lên đường”.

3. Càng về chiều, công việc càng lúc càng nhiều, từ nhập hồ sơ, chuẩn bị mùng, mền cho bệnh nhân mới vào đến rút hồ sơ, đưa người khỏi bệnh xuất viện, rồi cơm nước, thuốc men... cho những người ở lại. Không ai bảo ai, mọi người tập trung bắt tay vào công việc của mình đã được phân công. Thời gian cứ thế trôi đi, ngoài trời tối đen, nhưng các y, bác sĩ và tình nguyện viên vẫn miệt mài trao đổi công việc trong ca trực đêm. 

Bác sĩ Phạm Thế Hiền, Giám đốc bệnh viện dã chiến, chia sẻ: chị em ở đây đến từ mọi miền Tổ quốc, mỗi người mỗi cảnh, mỗi công việc nhưng rất đoàn kết, mọi người giống như một gia đình. Dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, tinh thần chiến đấu của các “chiến sĩ” ở bệnh viện vẫn trong tâm thế sẵn sàng. Tất cả đều đang nỗ lực, mong đến ngày chiến thắng dịch Covid-19, để mọi người có thể sum họp bên gia đình ấm cúng của mình.

Tin cùng chuyên mục