Những bóng hồng trên sân cỏ

Những bóng hồng trên sân cỏ
  • Làm trọng tài đâu đơn giản!

“Làm trợ lý trọng tài trên sân cỏ phải nhận định nhanh nhạy để kịp thời báo lỗi nên thỉnh thoảng không thể tránh được sơ suất. Cũng có khi mình “bắt” đúng nhưng do một số khán giả chưa nắm luật nên lại rộ lên nhiều câu chướng tai - “con nhỏ này, con nhỏ nọ…”. Nghề nào cũng có gian nan nhưng chính niềm đam mê bóng đá đã giúp em vượt qua tất cả”, nữ trợ lý trọng tài xinh xắn Huỳnh Thị Phụng Tiên đã mở đầu câu chuyện về “nghề” với chúng tôi như vậy vào một ngày đầu năm 2006.

Những bóng hồng trên sân cỏ ảnh 1

Phụng Tiên (bìa phải) tích cực tập luyện để duy trì thể lực.

Sinh ra trong một gia đình “xưa nay hiếm” với 16 anh chị em, Phụng Tiên đã làm chuyện lạ đời khi là người duy nhất trong nhà chơi thể thao, bây giờ cô lại làm chuyện hiếm thấy hơn nữa khi chọn nghề làm trọng tài bóng đá! Sự thật là thể thao có một sức hút kỳ lạ đối với cô út Phụng Tiên. 6-7 tuổi, cô đã chơi điền kinh, bơi lội, cầu lông…

Lớn lên, Phụng Tiên là thành viên của đội nữ bóng chuyền Tân Bình. Những tưởng mình sẽ trở thành HLV bóng chuyền không ngờ cô lại đến với “nghề” trọng tài bóng đá nữ. Phụng Tiên hồi tưởng: “Từng chơi bóng đá hồi cuối thập niên 80 nên năm 1998 em theo học lớp tập huấn trọng tài chỉ để biết luật lệ và thưởng thức môn thể thao này. Không ngờ mấy thầy thấy “được” nên cho làm trợ lý trọng tài giải VĐQG bóng đá nữ năm 2000". Thăng tiến trong nghề mới, cô trở thành cố gái Việt Nam đầu tiên được FIFA công nhận là nữ trợ lý trọng tài vào năm 2003.

Làm trợ lý trọng tài có chi khó? Chạy lên chạy xuống, phát hiện lỗi rồi phất cờ… Nghe nhẹ tênh, nhưng cái “nghề” ít ai làm này cũng lắm điều đáng nói. Phụng Tiên kể lại: “Mỗi khi vào giải, em phải xa nhà gần cả tháng trời. Mẹ bệnh, ngày nào em cũng gọi điện về thăm hỏi. Làm nhiệm vụ ở trong nước còn đỡ chứ ra nước ngoài vất vả lắm. Chẳng hạn như tại vòng chung kết U-17 châu Á năm 2003 tại Tokyo, em bị “quay” như chong chóng.

Trời lạnh dưới 10 độ C mà 5 giờ sáng phải thức dậy để kịp 6 giờ xe đưa ra sân. Tập luyện đến 8 giờ thì trở về khách sạn ăn sáng. Ngay sau đó là học chuyên môn. Ăn trưa xong chưa kịp nghỉ thì đã phải lên xe ra sân. Lúc nào mệt quá thì nằm vật vờ vật vưỡng trên ghế salon. Xong cả 2 trận đấu, lên xe về đến khách sạn đã 11 giờ đêm… 5 giờ sáng hôm sau lại tiếp tục như vậy”. Trầm ngâm một chút, Phụng Tiên kể tiếp: “Được mời đi nước ngoài làm nhiệm vụ cũng có chút hãnh diện nhưng đôi khi gặp một vài trọng tài châu Âu có thái độ kỳ thị, họ chẳng đếm xỉa gì đến mình, nghĩ cũng buồn! Dù ở trong nước hay nước ngoài, mỗi khi trận đấu có sự cố gì là em trằn trọc cả đêm. Kết thúc một giải đấu, em mệt nhoài, sút mất 2 -3 kg”.

Hiện nay, từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa, Phụng Tiên bán vé ở hồ bơi Lý Thường Kiệt. Chiều ra sân tập để rèn thể lực. Mỗi tuần 3 tối, cô lại cắp sách đến Trung tâm ngoại ngữ trau dồi thêm tiếng Anh. Tuổi đời đã ngoài “băm” và có bạn trai từ 4 năm nay nhưng Phụng Tiên vẫn chưa muốn bị ràng buộc vì còn quá đam mê thể thao. Dù vậy, trước lúc tạm biệt, cô cũng thổ lộ: “Việc gì cũng phải có lúc dừng bước nên có lẽ chừng 1 năm nữa, khi lớp kế thừa cứng cáp, em sẽ “theo chàng dìa dinh”.

  • Đổi đời!

Cùng trang lứa với Phụng Tiên nhưng Đỗ Thị Mỹ Oanh đã gắn bó trọn tuổi thanh xuân của mình với bóng đá. Vốn con nhà nòi - cha là Đỗ Văn Khá từng khoác áo đội Quan Thuế, Hải Quan và HLV Trường Nghiệp vụ TPHCM, Mỹ Oanh đến với bóng đá từ lúc mới 16 tuổi. Thời đó, bóng đá nữ mới manh nha, gia đình cũng không ủng hộ nhưng Mỹ Oanh vẫn kiên trì vượt qua không ít thử thách để đeo bám đến ngày nay. Gia cảnh khó khăn, không có tiền đóng học phí, lên đến lớp 10 cô phải nghỉ học, còng lưng đạp xe đi bán than, bỏ mối thuốc lá… để phụ giúp gia đình.

Những bóng hồng trên sân cỏ ảnh 2

Mỹ Oanh đang thị phạm động tác sút bóng cho các đàn em ở đội bóng đá nữ TPHCM.

Thời gian còn lại thì chơi đá bóng. Nhắc lại thời ấu thơ vất vả, Mỹ Oanh đã không ngăn được nước mắt… Chúng tôi thật bất ngờ khi chứng kiến tuyển thủ can trường trên sân bóng nhưng cũng mềm yếu khi ở ngoài đời. Phải mất một lúc lâu, khi đã lấy lại bình tỉnh, cô mới tiếp nối câu chuyện: “Tuy vậy, qua những lần thi đấu với các đội trong thành phố hoặc tỉnh bạn, tụi em cũng có được chút ít tiêu xài…”.

Là thành viên ĐTQG từ năm 1997 - 2000, cuộc sống của Mỹ Oanh đã đỡ phần khó khăn. Tiền thưởng sau mấy kỳ SEA Games cũng giúp cô sắm được chiếc xe gắn máy cầm chân. Nhưng mỗi khi nói đến bóng đá nữ, nhiều người vẫn chưa quên cảnh cô và thủ môn Nguyễn Thị Kim Hồng đứng bán… bánh mì ở đầu một con hẻm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (đối diện Đài Truyền hình TPHCM).

Mỹ Oanh kể lại: “Năm 1998, thi đấu thành công nên tụi em được thưởng 1,5 triệu đồng, nhưng mua sắm gần hết 1 triệu. Lúc đó, đội bóng chỉ được hưởng chế độ bồi dưỡng vài tháng khi tập trung nên 2 đứa hùn số tiền còn lại mua xe bán bánh mì để có tiền xoay xở trong thời gian chờ đợi”. Mỹ Oanh thổ lộ là cô bán ổ bánh mì chừng vài ba ngàn nhưng nhiều người mến mộ đã đưa luôn tờ 50.000 đồng và bảo “khỏi thối lại”. Chính vì cách ủng hộ đó, “khiến tụi em ái ngại nên chỉ bán được gần 1 năm rồi nghỉ”.

Sau giải VĐQG năm 2004, Mỹ Oanh chuyển sang công tác huấn luyện cũng như được vào làm nhân viên của Trung tâm TDTT Q.1. Công việc tuy không nặng nhọc nhưng cô phải dành khá nhiều thời gian cho đàn em. Đối với Mỹ Oanh: “Phụ huynh đã tin tưởng gởi con em cho CLB nên em đã thường xuyên nhắc nhở các em cố gắng tập luyện, học hành và có tay nghề để lo cho bản thân sau này”.

Cái nắng gay gắt của những ngày cuối năm khiến thầy trò nhể nhại mồ hôi. Nhìn thái độ ân cần chỉnh sửa từng động tác cho đàn em, ít ai hiểu được nhiều đêm Mỹ Oanh đã thao thức khi đối diện với chính mình: học hành chưa đến nơi đến chốn, làn da trắng trẻo ngày nào đã sậm màu bởi những năm tháng dầm mưa dãi nắng, chấn thương rạn xương cổ chân vẫn còn đau nhức mỗi khi trái gió, trở trời… Bảo học trò tự tập, đôi mắt nhìn xa xăm, Mỹ Oanh nói: “Cái may của em là được Trung tâm TDTT Q.1 quan tâm. Các anh bắt em phải đi học nên giờ đây mới hoàn tất phổ thông trung học. Thu nhập hàng tháng khoảng 2 triệu đồng, cuộc sống em cũng tạm ổn. Nhưng…”.

Là phụ nữ, dù là gì đi chăng nữa cũng cần một vòng tay che chở và yêu thương, nhưng nếu cứ gắn bó với niềm đam mê bóng đá thì biết bao giờ cô mới tìm thấy “một nửa còn lại”. Cái trăn trở của Mỹ Oanh phải chăng cũng là trăn trở của rất nhiều cô gái khi cống hiến tuổi xuân cho thể thao. Bao giờ họ mới có được sự trân trọng và tưởng thưởng xứng đáng cho những gì mình đã đóng góp. Bao giờ họ mới thực sự “đổi đời” khi thành đạt trong thể thao?

Nguyễn Hoàng - Thanh Thiên

Tin cùng chuyên mục