Những cản ngại cho thỏa thuận thuế toàn cầu

Thỏa thuận thu thuế doanh nghiệp toàn cầu ở mức tối thiểu 15% và thay đổi cách các công ty lớn như Amazon và Google bị đánh thuế đang gặp một số khó khăn trước khi được lãnh đạo G20 thông qua lần cuối sau phiên họp thượng đỉnh G20 vào tháng 10 tới.
Một cuộc họp về cải cách thuế của G20 tại Italy
Một cuộc họp về cải cách thuế của G20 tại Italy

Theo quy định, Thỏa thuận thu thuế doanh nghiệp toàn cầu nếu được lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua vào tháng 10, sẽ cần quốc hội ở hơn 130 quốc gia phê chuẩn, bao gồm cả Quốc hội Mỹ và quốc hội của toàn thể 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Tại Mỹ, việc thông qua thỏa thuận này có thể vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa trong khi chính quyền đảng Dân chủ ủng hộ hết mình. Hiện các tập đoàn đa quốc gia Mỹ đang vận động hành lang để Quốc hội Mỹ không thông qua thỏa thuận thuế chung toàn cầu, được cho là gây bất lợi cho họ. Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa phàn nàn rằng, Mỹ đang “từ bỏ” cơ sở thuế của mình bằng cách cho phép quốc gia khác áp đặt các khoản thuế mới đối với các công ty của Mỹ. Ví dụ, trong một số trường hợp, Trung Quốc có thể tăng thu thuế theo thỏa thuận mới từ các doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm ở đó. Tuy nhiên, theo họ, Mỹ khó có thể thu thuế từ các công ty Trung Quốc kinh doanh tại Mỹ.

Trong khi chưa thể dàn xếp bất đồng tại quốc hội, Nhà Trắng đã gây sức ép buộc EU ngừng thu thuế doanh nghiệp riêng của khối này để tập trung vào việc thông qua thỏa thuận thuế toàn cầu. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Daniel Ferrie nói trong một cuộc họp báo ở Brussels hôm 13-7: “Trước mắt, chúng tôi đã quyết định tạm dừng mức thuế kỹ thuật số mới”, đồng thời lưu ý EU sẽ đánh giá lại tình hình vào mùa thu. Thông báo này trùng hợp với chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến Brussels và sau đó là áp lực liên tiếp của bà trong hội nghị cấp bộ trưởng tài chính G20 vào cuối tuần qua.

Theo Ủy viên kinh tế EU Paolo Gentiloni, việc hoãn kế hoạch thu thuế của khối sẽ giúp dễ dàng tập trung hơn vào việc đạt được “chặng đường cuối cùng” của thỏa thuận toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số quan điểm chống lại thỏa thuận toàn cầu, trong đó có 3 quốc gia thuộc EU là Ireland, Hungary và Estonia. Ireland cho biết, họ không thể ủng hộ mức thuế sàn 15% đối với thuế suất toàn cầu. Dublin chỉ muốn thuế suất ở mức 12,5% nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia, điều này đã thuyết phục một số công ty muốn đổ về Ireland. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã gặp người đồng cấp Ireland Paschal Donohoe vào ngày 13-7. Cuộc gặp không đem đến bất kỳ kết quả nào, bất chấp bà Yellen gợi ý nền kinh tế của Ireland sẽ không bị ảnh hưởng nếu nước này tăng thuế suất doanh nghiệp hiện nay. 

Chính quyền Tổng thống Biden tin rằng, thỏa thuận nếu được ban hành, sẽ chấm dứt “cuộc chạy đua xuống đáy” về thuế doanh nghiệp, báo trước một kỷ nguyên mới của quản trị doanh nghiệp, giúp các quốc gia có thêm nguồn tài chính phục vụ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng mới và giảm bất bình đẳng. Theo Nhà Trắng, công bằng hơn về thuế cũng có thể giúp đẩy lùi sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu, vốn lợi dụng sự thất vọng của tầng lớp lao động để lên nắm quyền. Bà Yellen cho rằng: “Toàn cầu hóa không chỉ nhằm mục đích làm giàu thêm cho người giàu và gây hại cho người nghèo. Theo nghĩa rộng hơn, cải cách thuế quốc tế là để xóa đi tình trạng này”.

Tin cùng chuyên mục