Những cây cầu trong ký ức

Tôi lặng đi khi nhận bức tranh vẽ cây cầu gỗ của họa sĩ Bùi Quang Lâm gửi đến trong một buổi sáng mùa thu rất ngọt. Bức tranh ấy, tôi từng đứng ngắm rất lâu trong triển lãm của anh mấy tháng trước và nói với anh rằng, nó thật đẹp và gợi nhiều cảm xúc đối với tôi, một người không mấy hiểu biết về hội họa. Vì nó chứa ký ức của tôi trong đó.
Tranh của họa sĩ Bùi Quang Lâm
Tranh của họa sĩ Bùi Quang Lâm

Một gốc cây xù xì đầu cầu. Những mặt gỗ nhuốm màu thời gian thâm nâu quyện chút bụi đỏ của bùn đất, chút xanh của ánh rêu và nắng mật ong rải mềm lên đó. Những dáng người qua lại... Tất cả những chi tiết, đường nét, màu sắc ấy gọi về những ký ức ngọt ngào trong tôi.

Mùa hè năm tôi lên sáu, thường được mẹ gửi lên miền núi ở với dì vì bố đi xa, mẹ bận công tác. Vài tuần, cậu tôi vẫn thường đạp xe cả đi lẫn về tới gần 60km từ Đô Lương qua Anh Sơn để đón tôi về chơi cùng ông bà ngoại. Nối giữa hai huyện là nhịp cầu phao. Cảm giác của đứa bé gái ngồi sau xe đạp cậu, bên tấm lưng áo thấm mồ hôi, nửa háo hức vì sắp được ông bà chiều chuộng, nửa âu lo khi ngang qua những tấm ván như nhảy nhót trên mặt cầu, tôi vẫn hình dung ra như còn chưa xa. Qua khỏi cầu ấy, đường về nhà ông bà chỉ còn một quãng rất ngắn. Qua khỏi cầu ấy, niềm háo hức của tôi chỉ muốn cất lời hát ca. Và vì thế, tôi nhớ nhịp cầu phao bắc qua sông Lam, nối hai vùng quê, bãi bờ ngô khoai xanh mướt mắt.

Và xa hơn một chút, những ngày lên năm, tôi thường được mẹ chở theo sau khi đi làm xa. Nhà tôi ở thành phố Vinh, bên này cầu Bến Thủy, mẹ làm mỏ đá bên kia cầu, cách nhà đến 15km, thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Cầu phao Bến Thủy cuối thập niên 1980 thế kỷ trước vẫn còn. Vẫn là cây cầu gỗ nổi lên trên mặt nước. Và gốc cây trong tranh của anh họa sĩ gốc Sài Gòn, tưởng như chẳng thể liên quan gì kia, lạ thay lại phảng phất đâu đó dáng hình nhịp cầu và những cây gạo cổ thụ trong tuổi thơ tôi? Và lạ thay, đâu đó, giọng hát bài hát mẹ tôi vẫn thường ngân nga chợt gần: “Anh bắc cầu phao qua khúc sông sâu, anh nối nhớ thương bằng những nhịp cầu”… Tôi vẫn thường nghe rất rõ giọng hát của mẹ mỗi khi mường tượng tới, dù người đi xa đã lâu.

Băng qua nhịp cầu, bên kia cầu Bến Thủy là cả một thế giới đẹp đẽ với đứa bé tôi ngày ấy. Nơi đi qua dòng Lam xanh mát là gặp trùng trùng điệp điệp núi Hồng. Phòng làm việc của cơ quan mẹ nằm dưới chân núi, chỉ vài chục bước chân là gặp một thác nước đổ từ trên nguồn chảy xuống, bọt tung trắng xóa mát rượi. Thi thoảng nắng chiếu qua những tia nước, gợn lên sắc màu cầu vồng lung linh. Dưới chân núi ấy là vô số hoa trái dại thơm ngon. Mẹ dạy cho tôi những trái quen, trái lạ. Trái ngấy (mâm xôi) chín đỏ mọng thức dậy hết thảy vị giác, trái lạc tiên (nhãn lồng) có lớp vỏ màu vàng như ủ nắng, vị thanh mát... Mẹ làm việc, giữ tôi trong tầm mắt. Và đứa bé tôi chỉ tha thẩn nghe chim hót, nhìn bướm bay, tìm quả ngọt bên chân núi ấy thôi cũng đủ bận bịu hết buổi, hết ngày.

Hơn ba mươi năm, những cây cầu phao đã thay thế từ lâu. Ký ức tưởng như phai mờ, có lần chợt ào về trong giấc mơ. Giấc mơ về nhịp cầu gỗ dẫn về phía núi có thác đổ, bọt tung trắng xóa. Quanh thác là những hoa dại vàng tươi, đỏ rực, là lũ chim ríu rít ca vang, bướm tung tăng nô đùa… Giấc mơ tuổi thơ tôi, đẹp nhất vẫn là những ngày được bao trọn trong tầm mắt mẹ. Dẫu thời gian ấy rất ngắn nhưng dư vị ngọt ngào theo suốt mãi tận bây giờ. Tôi đã vài lần cố ý kiếm tìm khoảng không gian đẹp đẽ ấy khi qua Bến Thủy, đi từ Nghệ An qua Hà Tĩnh, mà chẳng thể tìm ra.
Để sáng nay, có nhịp cầu của một người bạn vong niên dẫn lối, khiến nước mắt tôi nhẹ rơi... 

Tin cùng chuyên mục