Những cây sáng kiến tiền tỷ của ngành nước

Giải thưởng mang tên người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi vừa được Ban Thường vụ Thành đoàn TPHCM trao đến 44 thanh niên công nhân tiêu biểu.
Lãnh đạo ngành nước chúc mừng 5 công nhân đoạt Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi
Lãnh đạo ngành nước chúc mừng 5 công nhân đoạt Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi

Trong đó, ngành cấp nước thành phố vinh dự có 5 thanh niên công nhân được trao tặng giải thưởng cao quý này. Đây là những gương mặt tiêu biểu của ngành nước thành phố giỏi chuyên môn, có nhiều sáng kiến, cải tiến tiêu biểu được ghi nhận, ứng dụng vào thực tế.

Từ niềm đam mê và yêu nghề

Cần những số liệu liên quan để báo cáo tại cuộc họp với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), ông Lý Thành Tài, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nhà Bè, mở ứng dụng hệ thống phân tích báo cáo số liệu sản xuất kinh doanh để xem các số liệu đang cần. Hơn 1 năm qua, ứng dụng hệ thống phân tích báo cáo số liệu sản xuất kinh doanh do anh Nguyễn Minh Hoàng và các thành viên Tổ phát triển ứng dụng Phòng Công nghệ thông tin (Công ty CP Cấp nước Nhà Bè) triển khai đã thay đổi hình thức báo cáo truyền thống cũ (bằng giấy) sang ứng dụng công nghệ để tất cả số liệu đều được đưa lên ứng dụng và lãnh đạo đơn vị có thể xem bất kỳ lúc nào trên điện thoại, iPad, máy tính.

Theo đó, trên ứng dụng hiển thị đầy đủ thông tin khách hàng, sản lượng, doanh thu, hóa đơn tiền nước, định mức giá bán bình quân, giảm nước không doanh thu (sản lượng đầu vào, đầu ra, lượng nước thất thoát, tỷ lệ thất thoát nước bình quân theo tháng, theo năm…). Nhờ đó, đã giúp ban lãnh đạo công ty có cách nhìn trực quan và chi tiết về số liệu kinh doanh của công ty ở mọi lúc, mọi nơi theo thời gian thực. Bên cạnh đó, ứng dụng còn giúp quản lý được toàn bộ thông tin mạng lưới, theo dõi số liệu sản lượng, doanh thu, hóa đơn, tiền nước tồn thu… phục vụ trong phân tích báo cáo, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh để hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định kịp thời. Nhất là hạn chế việc sai sót số liệu, khi có sự cố dữ liệu cũng cập nhật ngay, từ đó lãnh đạo các phòng ban kịp thời có hướng giải quyết.

Đây là ứng dụng được Cấp nước Nhà Bè triển khai mà không phải thuê hoặc hợp tác với bên ngoài, đã giúp đơn vị tiết kiệm được hàng tỷ đồng. Ứng dụng cũng giúp tiết kiệm được ngày công lao động, nâng chất lượng phục vụ khách hàng và tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ cấp nước. Theo anh Nguyễn Minh Hoàng, ngành nước đang bước vào công cuộc chuyển đổi số, do đó, các ứng dụng được Cấp nước Nhà Bè thực hiện với mong muốn bắt kịp xu thế đó. “Từ sự gợi mở, tạo điều kiện của ban giám đốc công ty, với tinh thần của người trẻ, tình yêu nghề và đam mê công việc, chúng tôi mong muốn góp một phần nhỏ vào công cuộc đổi mới tại đơn vị”, anh Hoàng nói.

Trăn trở về vấn đề thất thoát nước sạch, anh Võ Đăng Khoa, nhân viên Phòng Công nghệ thông tin Cấp nước Nhà Bè đã đưa ra giải pháp “Quản lý và tính toán thất thoát nước” và “Giám sát lưu lượng và áp lực” kết hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin địa lý Ditagis - Trường ĐH Bách khoa TPHCM để quản lý, tính toán thất thoát nước, giám sát lưu lượng và áp lực. Từ giải pháp này, các số liệu hiển thị dạng bản đồ đã giúp lãnh đạo đơn vị khoanh vùng để biết khu vực nào thất thoát nước cao, khu vực nào thấp, từ đó có các giải pháp khắc phục kịp thời. “Trước đây, chúng tôi phải sử dụng nhiều phần mềm do nhiều đối tác xây dựng, đo đếm khô khan để theo dõi. Do đó, không có cái nhìn tổng thể tất cả thiết bị ghi nhận dữ liệu, từ đó khó theo dõi và có giải pháp hữu hiệu”, anh Khoa chia sẻ.

Ngoài ra, sau 1 năm đưa vào sử dụng, ứng dụng đã góp phần vào công tác giảm thất thoát nước, đồng thời hỗ trợ đưa ra dự báo, kế hoạch, phương hướng trong việc sửa bể và tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ chống thất thoát nước.

Hướng đến dịch vụ trực tuyến

Nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác kinh doanh nước sạch và dịch vụ khách hàng, thời gian qua Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân đã thực hiện nhiều giải pháp mới để tiến tới chuyển đổi số. Một trong những ứng dụng được Cấp nước Phú Hòa Tân sử dụng giúp rút ngắn khoảng cách giữa công ty với người dân chính là Cổng thông tin dịch vụ khách hàng trực tuyến Zalo Official Account (Zalo OA) do anh Nguyễn Hoàng Vĩnh và các thành viên Phòng Công nghệ thông tin thực hiện.

Với cổng thông tin trên, việc tương tác, kết nối, truyền tải thông tin của công ty đến người dân được thực hiện nhanh chóng. Ngoài cập nhật thường xuyên thông tin liên quan đến hoạt động cấp nước, người dân còn tự tra cước phí hàng tháng, xem lịch đọc số, lịch thu tiền, lịch sử sử dụng nước, hóa đơn tiền nước, thông báo ngưng cấp nước… trên Zalo.

Nếu trước đây, người dân phải trực tiếp đến công ty để thanh toán hóa đơn, thực hiện các thủ tục hồ sơ liên quan cấp nước, thì nay khách hàng có thể thực hiện các giao dịch online thông qua cổng thông tin dịch vụ khách hàng. Tại đây, người dân có thể đăng ký định mức, sang tên đồng hồ nước, theo dõi kết quả giải quyết hồ sơ, tra cứu thông tin lịch ghi chỉ số, hóa đơn tiền nước… Các giao dịch nộp đơn, khiếu nại của khách hàng cũng được tiếp nhận qua hệ thống website của công ty hoặc qua kênh Zalo.

Theo anh Nguyễn Hoàng Vĩnh, xu hướng sử dụng dịch vụ giao dịch trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính tại đơn vị, hướng đến triển khai doanh nghiệp điện tử. Sử dụng dịch vụ trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của công ty. Đồng thời, tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức.

Chăm sóc khách hàng qua smartphone

Bên cạnh Cổng thông tin dịch vụ khách hàng trực tuyến, ứng dụng chăm sóc khách hàng trên smartphone do anh Nguyễn Văn Trí thực hiện cũng đã giúp Cấp nước Phú Hòa Tân nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng. Từ ứng dụng trên với 11 chức năng đã giúp nhân viên tác nghiệp ngoài hiện trường dễ dàng tra cứu các thông tin khách hàng như: chỉ số tiền nước; hóa đơn tiền nước; hồ sơ khiếu nại, yêu cầu; hồ sơ thiết kế; hoàn công thay đồng hồ nước. Phần mềm cũng cập nhật hồ sơ khiếu nại, yêu cầu trực tiếp ngoài hiện trường, giúp nhân viên tác nghiệp có thể cập nhật kết quả xử lý hồ sơ tại hiện trường nhanh chóng. Không chỉ vậy, với chiếc điện thoại thông minh, nhân viên ngành nước kịp thời tiếp cận điểm xảy ra sự cố để xử lý kịp thời.

Giảm chi phí, rút ngắn thời gian thi công

Tại lễ trao Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm nay, anh Lê Quang Hiếu, nhân viên Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch, cũng được vinh danh với các sáng kiến: “Bộ kiềng neo phục vụ gia cố phụ tùng, ống trên mạng truyền tải nước sạch” và “Bộ sửa chữa khẩn cấp dùng cho ống bê tông trên mạng truyền tải” từ cỡ D600mm đến D2000mm”. Với các sáng kiến trên, anh Hiếu đã giúp quá trình thi công tuyến ống lớn được thuận lợi, tạo được môi trường an toàn cho công nhân ngành nước, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thi công, sớm vận hành lại tuyến ống cấp nước cho người dân, giảm chi phí thất thoát nước.

Thực tế hiện nay, trên mạng lưới truyền tải nước sạch có các ống bê tông. Trường hợp có sự cố hư hỏng nặng trên tuyến ống bê tông, phải thay cả cây ống để khắc phục, trong khi vật tư sửa chữa thay thế không có tại thị trường Việt Nam. Trước đây, SAWACO phải nhập từ nước ngoài về, chi phí cao lại thiếu tính chủ động. Để có thể chuẩn bị sẵn sàng khi có sự cố xảy ra, anh Hiếu và các thành viên Phòng Kỹ thuật Công nghệ và Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch đã thiết kế bộ sửa chữa khẩn cấp ống bê tông (từ D600 đến D2400 theo tiêu chuẩn quy định) nhằm rút ngắn thời gian khắc phục sự cố và chủ động hơn trong việc chuẩn bị vật tư, phục vụ công tác sửa chữa khẩn cấp, phù hợp với điều kiện thi công tại TPHCM.

Từ sáng kiến này, xí nghiệp đã thực hiện thành công công tác sửa bể tuyến ống D1500mm Bình Thái - Bình Lợi. Qua theo dõi, vị trí đã khắc phục không có hiện tượng xì nước, đảm bảo việc cấp nước an toàn, rút ngắn thời gian lắp đặt, góp phần giảm thất thoát và cấp nước an toàn. Ngoài ra, sáng kiến cũng giúp giảm từ 40% chi phí nhập vật tư và giúp giảm thất thoát nước, ước khoảng 300 triệu đồng/ngày.

Tin cùng chuyên mục