Ngày 8-6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino bắt đầu chuyến công du đến Mỹ. Chuyến thăm của ông Aquino diễn ra trong khi tranh chấp lãnh hải trên biển Đông với Trung Quốc vẫn còn căng thẳng khiến nhiều người tin rằng, Manila đang cầu viện sự giúp đỡ từ Washington. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những chuyến đi liên quan đến tình hình ổn định an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà trong đó Mỹ đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện.
Hỗ trợ củng cố quốc phòng
Ngày 7-6, một ngày trước khi đón tiếp Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Mỹ đã cam kết hỗ trợ Philippines tăng cường năng lực quốc phòng trong bối cảnh Philippines đang căng thẳng với Trung Quốc về những tranh chấp lãnh hải trên các vùng biển chiến lược.
Trước đó, ngày 4-6, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Tướng Martin Dempsey, đã gặp ông Aquino tại Manila (Philippines) và bàn về việc mở rộng hợp tác với quốc gia Đông Nam Á này, vượt ra ngoài những nỗ lực gần đây nhằm vào việc đối phó với các phiến quân Hồi giáo. Hiện Mỹ đã hỗ trợ hiện đại hóa trang thiết bị và vũ khí cho quân đội Philippines mà các quan chức quốc phòng Philippines cho rằng đã lạc hậu. Tổng thống Aquino, từng có những cam kết chống tham nhũng và thúc đẩy quan hệ quân sự với Mỹ, nhất trí để một lượng binh lính Mỹ lớn hơn luân phiên đồn trú song không thiết lập căn cứ tại quốc gia này.
Ngày 8-6, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey, khẳng định Washington có kế hoạch triển khai nhiều binh sĩ luân phiên tại châu Á - Thái Bình Dương thay vì các căn cứ thường trực, đồng thời khẳng định phần lớn các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có “phản hồi tích cực” đối với cách tiếp cận này. Theo ông Dempsey, chiến lược này gồm ba cái hơn: lợi ích hơn, can dự hơn, chất lượng hơn.
Tuyên bố này nhằm cụ thể hóa những thông tin mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á diễn ra ở Singapore hồi đầu tháng. Theo đó, đến năm 2020 Mỹ sẽ đưa 60% hạm đội tàu chiến hùng hậu của nước này đến khu vực châu Á. Hiện tại, Hải quân Mỹ đang có trong tay lực lượng gồm 282 tàu chiến. Như vậy, trong vài năm nữa, sẽ có khoảng 150 tàu chiến Mỹ thường xuyên đóng tại khu vực.
Chiến lược mới, đối tác mới
Mới đây, Mỹ đã điều 200 binh sĩ đầu tiên thuộc lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 3 của Mỹ tới căn cứ quân sự TP Darwin của Australia và tuyên bố cử các tàu chiến tới Singapore để tiến hành tập trận chung nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự song phương. Dù tuyên bố đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp ở biển Đông nhưng Washington khẳng định, họ có trách nhiệm phải bảo vệ sự tự do hàng hải ở biển Đông – một vùng biển giàu tài nguyên và có nhiều tuyến đường biển chiến lược quan trọng.
Không chỉ tăng cường các động thái nhằm thắt chặt và tăng cường quan hệ thông qua các đồng minh truyền thống, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines, Mỹ cũng tăng cường quan hệ đối tác với những nước như Indonesia và Ấn Độ. Hãng tin PTI của Ấn Độ ngày 8-6 dẫn phát biểu của ông Robert Blake, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về khu vực Nam Á và Trung Á, cho biết vòng đối thoại chiến lược Ấn - Mỹ lần thứ ba sẽ được tổ chức vào ngày 13-6. Tại cuộc đối thoại này, hai bên sẽ có những trao đổi cơ bản trong hơn 20 lĩnh vực về chính sách của năm nay.
Chiến lược mới tăng cường gắn kết với châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ hiện đã lên bệ phóng. Nhưng liệu sự hiện diện của Mỹ sẽ là lực lượng tích cực cho hòa bình, thịnh vượng của châu Á, hay sẽ làm căng thẳng leo thang vẫn còn là câu hỏi chờ thời gian trả lời.
Hạnh Chi