Những chuyển động mới ở Triều Tiên

Tạo dựng hình ảnh thân thiện
Những chuyển động mới ở Triều Tiên

Chưa ai dự báo được trong tương lai các chính sách của CHDCND Triều Tiên thay đổi như thế nào, nhưng mới hơn một tháng cầm quyền của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, dư luận thế giới đã nhận thấy có một số chuyển động, đầu tiên là vị lãnh đạo trẻ thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, sau đó cho phép cơ quan truyền thông phương Tây đầu tiên mở văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng, cung cấp tạp chí chính thống của CHDCND Triều Tiên cho cơ quan báo chí một số nước có quan hệ ngoại giao với nước này…

Tổng tư lệnh Kim Jong-un đang kiểm tra bếp ăn của binh lính.

Tổng tư lệnh Kim Jong-un đang kiểm tra bếp ăn của binh lính.

Tạo dựng hình ảnh thân thiện

Khác với người cha là cố lãnh đạo Kim Jong-il luôn “ẩn mình trong bóng tối” dù làm việc trong nước hay công du nước ngoài, nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới Kim Jong-un lại có xu hướng công khai hóa những hoạt động của mình. Kim Jong-un thường xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước trong mục tin tức thời sự và cả những phim tư liệu quay những năm trước khi ông trở thành nguyên thủ quốc gia.

Hãng tin Mỹ AP, cơ quan truyền thông phương Tây đầu tiên vừa mở văn phòng đại diện tại CHDCND Triều Tiên, nhận xét về Kim Jong-un trong bài phóng sự về chuyến thăm của ông đến một đơn vị quân đội: Nhà lãnh đạo trẻ được chào đón như ngôi sao ca nhạc giống cha mình nhưng cha ông thường cách biệt với binh lính trong khi Kim Jong-un bắt tay và ôm hôn binh sĩ. AP nhận định: Dường như ông muốn gắn bó với người dân của mình hơn.

Những lời chúc mừng, vỗ tay và lời tung hô “muôn năm” chào đón vị lãnh đạo trẻ khi ông đi xem xét hệ thống sưởi ấm của doanh trại quân đội, áp lực nước sinh hoạt, xem từng quyển sách trong thư viện và thậm chí nếm thử thức ăn của các chiến sĩ. Những hình ảnh của truyền thông Triều Tiên đưa tin về những chuyến thăm của Kim Jong-un, cung cấp một cửa sổ hiếm hoi cho người bên ngoài nhìn thấy đời tư của các lãnh đạo Triều Tiên. Dười thời Kim Jong-il, thậm chí có rất ít người dân Triều Tiên biết giọng nói của ông như thế nào dù ông cầm quyền suốt 17 năm.

Thông qua hình ảnh về chuyến thăm của Kim Jong-un, các chuyên gia về CHDCND Triều Tiên của Hàn Quốc đã phát hiện thấy có sự ấm áp hơn trong cách tiếp xúc với mọi người. Koh Yu-hwan, giáo sư về Triều Tiên của Trường Đại học Dongguk ở Seoul nhận xét: Ông ấy cố gắng để cảm thấy thoải mái giữa quần chúng và tạo một thái độ thân mật với nhân dân.

Phong cách của Kim trẻ gợi nhớ hình ảnh người sáng lập CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành, người được nhân dân tôn kính ngay từ thời tuổi trẻ táo bạo chiến đấu chống quân xâm lược Nhật. Phong cách đó cũng phản ánh nỗ lực thay đổi hình ảnh đất nước.

Giáo sư Koh nói: Theo mẫu Chủ tịch Kim Nhật Thành là một dấu hiệu tích cực cho Kim Jong-un vì mọi người dân rất thích thú nhớ lại những ngày của ông Kim Nhật Thành. Lãnh tụ Kim Nhật Thành thường chụp ảnh với trẻ em bao quanh và hiện Kim Jong-un đang làm sống lại hình ảnh đó trong chuyến thăm gần đây đến Trường cách mạng Mangyongdae. Những thước phim thời sự cho thấy trẻ em trong đồng phục quân đội đã hoan hô và chào đón Kim Jong-un và ông đã nhẹ nhàng vuốt má một đứa trẻ. Trong giờ ăn trưa, ông khuyến khích học sinh và nhìn chúng ăn với nụ cười hiền lành, ông còn nhỏ một giọt nước sốt lên tay để nếm thử.

Vị tổng tư lệnh uy quyền

Tuy nhiên, những chuyến thăm của Kim Jong-un từ đầu năm đến nay chủ yếu là đến các đơn vị quân đội tiền tiêu. Những thước phim cũng cho nhân dân thấy nhà lãnh đạo mới của họ thực sự là vị tổng chỉ huy một quân đội có đến 1,2 triệu binh sĩ và rằng ông được cả những binh lính trẻ lẫn các vị tướng già yêu mến và tôn kính. Trong khi Kim Jong-il được rèn luyện suốt hai thập kỷ để trở thành nhà lãnh đạo đất nước thì đến năm 2010, Kim Jong-un mới được công khai là người kế nhiệm. Vì vậy dư luận bên ngoài nghi ngờ về khả năng lãnh đạo một đất nước đang bị bao vây trong tình trạng bế tắc của các cuộc tranh cãi hạt nhân bởi những người láng giềng và cả Washington.

Kim Jong-un rõ ràng đã có những nỗ lực xuất hiện trước công chúng bên cạnh quân đội của mình. Mục đích là nhằm chứng tỏ khả năng chỉ huy quân đội. Giáo sư Kim Yeon-su, một chuyên gia Triều Tiên của Đại học quốc phòng Hàn Quốc, nói: Triều Tiên đang nói với nhân dân rằng Kim Jong-un có khả năng tham gia các hoạt động quân sự.

Tháng trước Đài Truyền hình Trung ương nước này đưa tin ông đến thăm một đơn vị quân đội vào ngày đầu năm mới. Ông có vẻ thoải mái, cười nói với các sĩ quan và còn nắm tay họ để dặn dò, kiểm tra giường ngủ và nước sinh hoạt của binh sĩ. Đài này cũng giới thiệu phim tài liệu có cảnh Kim Jong-un đang lái xe tăng, theo dõi một vụ bắn tên lửa, phi nước đại trên lưng ngựa và xem tài liệu vào đêm… nhằm làm nổi bật kinh nghiệm quân sự của ông. Mặc dù còn trẻ, Kim thường tháp tùng cha trong các chuyến thăm quân đội và tỉ mỉ ghi nhận kinh nghiệm trong các chuyến đi. Ông cũng thường mặc áo khoác màu tối giống như lãnh tụ Kim Nhật Thành hoặc áo gió màu sáng như bố, vui vẻ bắt tay binh sĩ, thăm hỏi việc ăn ngủ, cổ vũ tinh thần. Và trong các bức ảnh công bố, ông lúc nào cũng nắm tay các sĩ quan đứng hai bên.

Hé cửa truyền thông

Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là việc cho phép hãng tin AP của Mỹ mở văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng. Thật tình cờ, đại diện AP đến CHDCND Triều Tiên để bàn về việc mở văn phòng tại Bình Nhưỡng chỉ vài giờ sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời và họ đã chớp lấy cơ hội có một không hai để đưa tin về sự kiện lớn của nước này. Tuy nhiên vào thời điểm đất nước đang đau buồn, AP không thể mở văn phòng tại đây. Mãi đến giữa tháng 1-2012, giám đốc AP quay trở lại và chính thức đặt văn phòng tại Bình Nhưỡng với trụ sở đặt bên trong khuôn viên hãng tin KCNA (Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên).

Điều đáng chú ý, AP không cần phải trình kiểm duyệt thông tin trước khi gửi tin tức ra khỏi Triều Tiên. Phụ trách văn phòng Kathleen Caroll nói: “Mỗi quốc gia đều có thách thức riêng của họ và nhà báo không thể tác nghiệp tự do ở Triều Tiên cũng như họ không thể tự do tác nghiệp ở bất cứ quốc gia nào khi đưa tin về một căn cứ quân sự”. “Nhưng nếu chúng tôi xin phép, chúng tôi có thể đi nhiều nơi”, bà Caroll nói với tờ the Huffington Post.

AP từng “đột nhập” vào nước này năm 2006, xin phép lập văn phòng chỉ để cung cấp video. Văn phòng mới lần này hoạt động toàn diện sau hơn một năm đàm phán với KCNA. Làm việc ở đây là các nhà báo kỳ cựu từng nhiều năm phụ trách khu vực. Họ sẽ cùng làm việc với các nhà báo Triều Tiên được AP tuyển dụng. Theo bà Caroll, đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa sự tò mò của những người bên ngoài và sự hiểu biết của những người bên trong.

Việc một hãng tin phương Tây được cho phép hoạt động ở Triều Tiên cho thấy đất nước này đã có thay đổi, dù bà Caroll dự báo còn nhiều khó khăn trong tác nghiệp. Nhưng quan trọng là AP đã rất nhanh chân để đáp ứng nhu cầu đói thông tin về đất nước và con người ở đây. Hiện tại, ở Triều Tiên chỉ có đại diện của Tân Hoa xã của Trung Quốc và hãng tin RIA-Novosti của Nga.

Việt Khoa (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục