Báo SGGP ngày 27-10 có bài Không thể đổ thừa, đặt vấn đề cần phải nâng chất lượng dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất, tôi rất đồng tình với quan điểm của bài báo này. Là người có dịp đi lại bằng đường hàng không cũng như có bạn bè, người thân ở nước ngoài, tôi đã nghe và thấy những cảnh tệ hại ở sân bay Tân Sơn Nhất như ngập nước, cách đón tiếp không thân thiện, hay nói đúng hơn là nhũng nhiễu.
Nhiều người thân quen của tôi từ nước ngoài về đều ngạc nhiên thắc mắc: Khi khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam, tất cả hành lý đều đã được soi chiếu trước khi đưa ra băng chuyền, vậy mà sau khi làm thủ tục nhập cảnh, khách đến băng chuyền nhận hành lý, đẩy ra cổng, những tưởng mọi việc đã xong ai ngờ tất cả hành lý đều phải bị soi qua lần nữa và đây chính là nơi khách bị làm phiền nhiều nhất, đặc biệt hành khách đi các chuyến bay từ Mỹ, Úc, Canada về Việt Nam. Đầu tháng 9 vừa qua, một kiều bào trên chuyến bay từ Mỹ về, sau khi làm thủ tục nhập cảnh, chị đến nhận hành lý cùng với tôi và cho biết chị chỉ mang 5kg thịt bò về làm quà cho gia đình, vậy mà khi qua máy soi chiếu gần cổng ra, cũng bị vòi vĩnh 40USD. Chị kể: “Tôi nói chỉ còn 20USD thôi, xin thông cảm, cuối cùng mấy ổng cũng nhận và cho qua. Hầu như ai ở nước ngoài mang quà là máy laptop, máy ảnh, trái cây… đều phải bảo nhau thủ sẵn tiền lẻ 20USD”. Có lần từ Mỹ về, tôi có mua vài hộp thực phẩm chức năng, thuốc cảm Tylenol để dùng trong gia đình, vậy mà anh cán bộ hải quan sau khi soi xong yêu cầu tôi đứng qua một bên để kiểm tra, vì vi phạm quy định về nhập khẩu. Tôi nói: “Anh có quyền kiểm tra, tôi không mua bán, chỉ sử dụng gia đình, món nào trên 5 hộp, anh cứ lập biên bản”. Thấy thái độ tôi có vẻ cứng rắn, cuối cùng anh ta mới đấu dịu: “Mời bác đi cho!”. Mặc dù ngành hải quan kêu gọi người dân mạnh dạn tố giác hành vi nhũng nhiễu, nhưng không ai muốn rước rắc rối vào mình, thà tốn chút đỉnh nếu muốn cho xong việc. Chính vì vậy mà nạn nhũng nhiễu vẫn diễn ra.
Một kiểu không thân thiện khác chính là thái độ của công an cửa khẩu. Những lần đi nước ngoài, tôi đều để ý các nhân viên làm thủ tục xuất nhập cảnh hầu như không có nụ cười mà thay vào đó là vẻ mặt lạnh lùng, cách nói trỏng, cộc lốc, trịch thượng: “Đi đâu? Đi làm gì? Bao giờ về?” - kể cả khi nói với hành khách là người lớn tuổi, đáng bậc cha chú của mình. Có lẽ các cán bộ ấy đang nghĩ mình là người có quyền, là kẻ ban phát, chứ không phải đang phục vụ nhân dân.
Được biết, sau khi bị xếp vào tốp 10 sân bay tệ nhất châu Á, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất họp khẩn để xem xét những vấn đề tiêu cực được nêu trong bảng xếp hạng. Ở góc độ là hành khách, tôi đề nghị nên thực hiện như sân bay các nước, chỉ soi chiếu hành lý của hành khách quốc tế trước khi đưa ra băng chuyền, dẹp ngay các máy soi chiếu không cần thiết đặt gần cổng ra vào nhà ga quốc tế. Để tránh nạn nhũng nhiễu, ngành giao thông vận tải cần công khai rõ ràng những mặt hàng cấm nhập; công khai số lượng các mặt hàng được nhập… Có như vậy mới tránh phát sinh nhũng nhiễu. Đồng thời, lãnh đạo sân bay và ngành công an cửa khẩu cần giáo dục cán bộ, tập cười, tập nói năng lễ phép, tạo hình ảnh thân thiện cho khách quốc tế khi đến Việt Nam. Nếu quan tâm kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi nhũng nhiễu, tạo sự thân thiện, chắc chắn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tạo được sự hài lòng cho khách trong và ngoài nước.
TRẦN LÊ
(Quận Bình Thạnh, TPHCM)