Bằng tình yêu vô bờ bến, nhiều cô giáo đã lặng lẽ chọn cho mình một con đường - cho dù vẫn biết con đường đó đầy khó nhọc để giúp trẻ khuyết tật ngày một tiến bộ và hòa nhập cộng đồng.
Từng em, từng giáo án
Sau cả chục phút kiên nhẫn chờ đợi, thấy hai bé gần 10 tuổi đều múc được muỗng đường tự pha nước uống, cô Nguyễn Thảo Hương (36 tuổi, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Niềm Tin quận Phú Nhuận), ngợi khen, động viên các bé. Chỉ một chàng trai cao to hơn cả cô giáo đang cuốn những chiếc khăn mặt trên dây phơi, cô Hương rạng rỡ giới thiệu: Em Đ.T.Đ. (15 tuổi, học lớp 1), Đ. đã biết cuốn, gấp khăn mặt. Còn em L.N.Q. (13 tuổi), cơ chân, cơ tay yếu, sợ tiếng động, sợ đám đông nhưng cũng lại sợ một mình. Các cô phải tạo tình huống cho Q. đi một mình, thậm chí, cho em ôm búp bê trước ngực cho bớt nhát và Q. đã đi được vài bước. Giờ đây, em cũng biết cầm muỗng (không có thức ăn) đưa lên miệng và vẫn cần có cô giúp thì em mới xúc được thức ăn. “Đó là thành quả cả năm trời bằng mồ hôi và nước mắt, bằng tâm huyết và tình yêu của chúng tôi đấy! Chúng tôi hạnh phúc khi một số em biết cất ghế, cất chén sau khi ăn; biết phân biệt buổi sáng và buổi tối (với trẻ chậm phát triển); biết xâu hạt, xếp hình để rèn khả năng chú ý, tập trung (với trẻ mắc hội chứng lăng xăng); hay biết trả lời hồn nhiên “cô xấu” khi được hỏi “cô có đẹp không” (với trẻ tự kỷ); biết rửa tay, biết chào cô khi đến lớp hay trước khi ra về…” - cô Hương xúc động kể về từng sự thay đổi nhỏ của các em.
Điều bất ngờ là cô Hương đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM ngành hóa, song tiếp tục bỏ ra 2 năm tìm đến giáo dục chuyên biệt vì… chưa hiểu giáo dục chuyên biệt là gì. Học để biết, nhưng khi đối mặt với các em kém may mắn trong buổi thực tập, cô lại… lúng túng khi tiếp xúc với chúng. Lần đầu ấy, cũng là lần cô phải bỏ dở bữa cơm vì đang ăn thì có bé trai 12 tuổi bị tiêu chảy. Lau dọn cho học trò xong, Hương bị sốc, không thể tiếp tục bữa cơm và chỉ biết chạy ra sau nhà khóc òa. Sự tủi hờn dấy lên: “Vất vả học hành mà sao mình khổ thế này?”. Nhưng câu hỏi đó chỉ thoáng qua, vì Hương nhận ra câu trả lời, nhận ra mình là người may mắn hơn các em rất nhiều, các em rất cần được bù đắp, nếu mình bỏ đi, chẳng lẽ mình lại thua chính mình, mình đã chọn nghề giáo mà?! Sau ngày đầu đầy thử thách ấy, giờ đây, Hương đã gắn bó 8 năm với trẻ khuyết tật.
Học và thực hành mọi lúc, mọi nơi
Phải tháo bỏ một cánh tay do trúng bom đạn của giặc Mỹ, từ nhỏ, cô Võ Thị Tuyết (46 tuổi, quê huyện Củ Chi, TPHCM) đã cảm nhận sự thiệt thòi của mình, nên luôn thầm mơ ước trong thắc mắc: Khi lớn lên, mình có thể theo đuổi được những nghề gì? Qua lời mẹ kể, hình ảnh cô giáo hiền dịu đi vào lòng Tuyết tự bao giờ, giúp Tuyết khám phá ra niềm hạnh phúc của mình. Thật hạnh phúc nếu như mình được gọi là “cô giáo Tuyết”, được đứng trên bục giảng…
Sau khi tốt nghiệp khoa Văn ĐH Sư phạm TPHCM, Tuyết lập gia đình và xin vào làm việc tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM. Với các em khuyết tật, chậm phát triển thì cô giáo phải lặp đi lặp lại rất nhiều lần, cầm tay chỉ các em từng đồ dùng, hình ảnh rất nhiều, các em mới có thể nhận biết. Có em thì chạy nhảy hiếu động suốt không ngừng, có đứa bé thì không thể làm chủ bản thân, tự làm đau mình một cách vô thức; có em đã lớn nhưng cơ chân, cơ tay yếu, đi đứng không vững… “Chuyện tôi bị các em giật tóc, cắn, đánh là chuyện hàng ngày vì chúng không kiểm soát được hành vi của mình. Một ngày của tôi bao giờ cũng bắt đầu chạy, nhảy, leo, trèo, bò cùng các em. Nhiều bữa về nhà phải “hành” cậu con nhỏ, bắt nó bóp vai cho mẹ” - cô Tuyết cười hiền lành.
“Mẹ cháu sinh ra bé, nhưng cô Tuyết là người uốn nắn, dạy dỗ cháu. Cô cho cháu gọi cô là má Tuyết được không?” - nhìn hai vợ chồng ông Linh dắt tay đứa cháu nội mắc chứng chậm phát triển đang bi bô hát những chữ không rõ nghĩa, nắm chặt tay cô giáo không chịu ra về, cô Tuyết rưng rưng. Những ân tình như vậy, cô nhận được ngày càng nhiều và cũng không nhớ từ khi nào, cô trở thành người tư vấn qua điện thoại bất kể giờ giấc cho các bậc phụ huynh có con kém may mắn.
Theo cô Nguyễn Như Thị Thảo Uyên, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, với trẻ khuyết tật, vấn đề bức thiết là giúp các em phát triển một số kỹ năng tự phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày, giúp các em tự phục vụ bản thân, tự lập, tự tin hơn và giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Giáo viên tận dụng mọi sinh hoạt trong ngày của các em để luyện tập các kỹ năng với phương châm, “học và thực hành mọi lúc, mọi nơi”. Qua công việc các cô hướng dẫn hàng ngày ở lớp, các em có thể làm một số việc tự phục vụ bản thân trong sinh hoạt hàng ngày và phụ giúp gia đình.
HỒNG HIỆP - MẠNH HÒA