Những con tàu cứu nạn

Với những người làm việc trên các con tàu bình thường, khi có dông bão thì nhanh chóng tìm nơi trú ẩn; còn với những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn thì ngược lại.
Họ phải lên tàu ra khơi bất kể đêm ngày, vượt lên những con sóng cao, gió mạnh để đến nơi cứu giúp ngư dân, thuyền viên bị nạn, dù bất kể đó là công dân của quốc gia hay vùng lãnh thổ nào.
Đương đầu với sóng dữ
Là đơn vị trực thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hàng hải Việt Nam, Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải  khu vực III (tên tiếng Anh: Vungtau MRCC, gọi tắt Trung tâm III) được thành lập ngày 20-11-2016, đến nay đã được hơn 20 năm. Ông Lương Trường Phi, Phó Giám đốc Trung tâm III, cho biết: “Chúng tôi là đơn vị chuyên trách thực hiện chức năng TKCN trên vùng biển từ ranh giới phía Nam tỉnh Ninh Thuận đến hết tỉnh Kiên Giang (không bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) nên khu vực chuyên trách của Trung tâm III tương đối rộng với diện tích gần 200.000km2”.
Những con tàu cứu nạn ảnh 1 Trung tâm III tìm kiếm thuyền viên mất tích trên biển
Sự cố được nhiều người biết tới gần đây là vụ va chạm giữa tàu Hải Thành 26-BLC với tàu Petrolimex 14 xảy ra vào rạng sáng 28-3 khiến 9 thuyền viên tàu Hải Thành 26-BLC thiệt mạng. Ngay sau khi nhận được tin báo, chúng tôi theo tàu SAR 413 ra hiện trường TKCN. Giữa đêm khuya, quanh chiếc bàn nhỏ tại khoang câu lạc bộ của tàu SAR 413, chúng tôi thấy lãnh đạo Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam và ông Lương Trường Phi vẫn đang miệt mài trao đổi công việc bên tấm hải đồ hiện trường khu vực tàu bị nạn.
Đi chừng vài hải lý, chúng tôi đã cảm nhận được sự ảnh hưởng của biển động khi con tàu bắt đầu nghiêng ngả chao lắc, từng chai nước trên chiếc bàn nhỏ bị xô đẩy từ chỗ này sang chỗ khác; nhiều người mới ra khơi xa lần đầu như chúng tôi đều bị say sóng. 5 giờ sáng, khi Mặt trời mới nhô lên, cũng là lúc tàu ra tới hiện trường vụ tai nạn và ai nấy đều nhanh chóng bắt tay vào công việc đã được phân công trước đó. Sau vài giờ tìm kiếm, thi thể của 3 thuyền viên tàu Hải Thành 26-BLC được phát hiện, đưa lên tàu rồi nhanh chóng chạy về đất liền bàn giao...
Nhiều thách thức
Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng biển tập trung nhiều phương tiện thăm dò, khai thác và vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ; có nhiều tuyến hàng hải kết nối vùng Đông Nam Á - Bắc Á và ra vào các cảng khu vực phía Nam hay quá cảnh đi Campuchia… nên lượng tàu bè qua lại khá lớn. Và đây cũng là vùng biển có nhiều tàu thuyền của nước ta tham gia đánh bắt thủy hải sản nên công tác TKCN được cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.
Đội ngũ 64 viên chức, thuyền viên của Trung tâm III luôn thường trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ TKCN khi có tai nạn xảy ra. Các tàu được duy tu bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng định kỳ; lắp đặt các thiết bị thông tin (VHF) phù hợp với thiết bị của các tàu cá; gắn camera hồng ngoại, đèn pha công suất lớn để tăng cường hiệu quả tìm kiếm vào ban đêm. Hiện Trung tâm III có 3 phương tiện phục vụ công tác TKCN, trong đó hiện đại nhất là tàu SAR 413 được đóng năm 2005 với chiều dài 41m, công suất 6.310CV,  tốc độ tối đa 26 hải lý/giờ, hoạt động an toàn trong điều kiện sóng cấp 7 trở lại. Ngoài ra, trung tâm còn có cano cứu nạn SAR 68, công suất 250CV, hoạt động gần bờ.
Theo đánh giá của Trung tâm III, thời gian gần đây, thời tiết trên biển luôn diễn biến phức tạp, thất thường nhưng nhiều ngư dân chủ quan không mặc áo phao trong lúc hành nghề, không tổ chức cảnh giới vào ban đêm, thiếu hiểu biết về pháp luật… là những nguyên nhân dẫn đến số vụ tai nạn trên biển có xu hướng gia tăng. Đa số phương tiện của ngư dân không được tu sửa định kỳ nên cũng tiềm ẩn nguy cơ chìm tàu khi gặp sóng to, gió lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm III đã TKCN 265 người, gần gấp đôi so với cả năm trước; trong đó, đáng chú ý là số thuyền viên nước ngoài tăng đột biến, từ 3 người lên 30 người, hầu hết là thuyền viên của các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines… 
Chia sẻ về những khó khăn hiện tại, ông Lương Trường Phi tâm sự: Hiện phương tiện của Trung tâm III vẫn còn hạn chế; đặc biệt, với 3 tháng cuối năm vào mùa biển động thì phải thực hiện đóng chốt trên biển, vì thiếu phương tiện nên việc TKCN cũng gặp trở ngại nhất định.
Dù vậy, ông Nguyễn Ngọc Lộc, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đánh giá: “Nhờ có nhiều lực lượng như Trung tâm III, Cảnh sát biển vùng 3, lực lượng Biên phòng, Hải quân, Kiểm ngư… đóng chân trên địa bàn nên thời gian qua công tác TKCN trên biển được phối hợp khá chặt chẽ và tạo hiệu quả cao”.

Tin cùng chuyên mục