Bắt đầu một năm làm ăn mới, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) ở miền Trung đang ra sức chuẩn bị đón những dự án mới. Những nỗ lực tiếp tục áp dụng các cơ chế chính sách thông thoáng để cải thiện môi trường đầu tư; kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ các doanh nghiệp… đã và đang được chính quyền địa phương chú trọng quan tâm với hy vọng sẽ có bước đột phá thu hút các dự án trong năm nay.
- Vượt “bão”
Thống kê từ các Ban quản lý (BQL) của các KCN, KKT của các địa phương miền Trung, năm 2009, dù gặp phải khủng hoảng kinh tế, nhưng vẫn có gần 50 dự án lớn nhỏ đã được cấp phép, chấp thuận và thỏa thuận đầu tư với số vốn gần 1 tỷ USD.
Tại thành phố Đà Nẵng, với sự kích cầu nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), địa phương này đã cấp phép mới cho 24 dự án với tổng vốn đầu tư gần 180 triệu USD và có 4 dự án tăng thêm vốn đầu tư gần 100 triệu USD. Bên cạnh đó, khoảng 15.300 tỷ đồng đã được bố trí cho vốn đầu tư phát triển năm 2009, tăng 10,2% so với năm 2008. Nhờ vậy, đã có nhiều dự án đầu tư lớn của các khu vực kinh tế được đưa vào hoạt động.
Kết thúc năm 2009, BQL KKT mở Chu Lai đã cấp phép đầu tư cho 6 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 200 triệu USD, tăng 14% so với năm 2008. Đến nay, dù trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn nhưng 6 dự án trên gồm: Nhà máy sản xuất sôđa công nghiệp Chu Lai (công suất 200.000 tấn/năm, vốn đầu tư 118 triệu USD) đã hoàn chỉnh thiết kế cơ sở, đang lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và chuẩn bị mặt bằng để khởi công vào đầu năm 2010; Khu đô thị sinh thái Nam Tam Phú (vốn đầu tư 37 triệu USD) đang thực hiện giải phóng mặt bằng; Khu du lịch sinh thái miền Trung Chu Lai (vốn đầu tư 28 triệu USD) cũng đã triển khai ngay sau khi cấp phép.
Không chịu kém cạnh các KCN, KKT trong vùng, nằm ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế, tiếp giáp với thành phố Đà Nẵng KKT Chân Mây-Lăng Cô cũng đã thu hút được một số lượng lớn các nhà đầu tư. Đến nay, trên địa bàn KKT trên đã có 33 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 31.242 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD. Trong đó có 10 dự án nước ngoài đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 1,4 tỷ USD (chiếm 70% vốn FDI đăng ký của toàn tỉnh) và 23 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 8.770,3 tỷ đồng.
- Nỗ lực năm mới
Năm 2009 - năm thứ 2 Đà Nẵng được vinh danh năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở ngôi vị quán quân. Có tới 82,87% DN khi được thăm dò đã cho rằng thành phố luôn linh động trong việc giải quyết những trở ngại đối với các nhà đầu tư và đã thực hiện tốt “một cửa liên thông” và đó là cơ sở để Đà Nẵng được đánh giá cao trong năng lực cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Diễn, Phó phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng: “Việc Đà Nẵng giữ được quán quân 2 năm liền trong phạm vi quốc gia đã là rất tốt. Tuy nhiên, Đà Nẵng đã định hướng phát triển là thành phố môi trường với việc thu hút các dự án công nghệ cao, sạch… Áp lực cạnh tranh giữa các địa phương trong nước đã cao nên những nỗ lực để thành phố này giữ vững vị trí không phải dễ. Không những vậy, trong quá trình hội nhập, việc cạnh tranh không gói gọn trong nước nữa mà phải mang tầm khu vực và quốc tế”.
Những quan ngại này không phải không có cơ sở, chính vì vậy, theo TS Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới là Đà Nẵng sẽ tập trung nghiên cứu triển khai các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố dựa trên các chỉ số thành phần của PCI, kết hợp với các yếu tố cạnh tranh về cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao… nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng cho Đà Nẵng”.
Với Thừa Thiên - Huế, theo ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng BQL KKT Chân Mây – Lăng Cô thì ngoài việc tích lũy, rút kinh nghiệm các năm qua để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Năm 2010, tỉnh Thừa Thiên-Huế tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư vào KTT Chân Mây - Lăng Cô đạt khoảng 1.700 tỷ đồng để phục vụ các nhà đầu tư.
Trong đó, giai đoạn I ưu tiên đầu tư đê chắn sóng của cảng Chân Mây dài 400m; dự án thu gom và xử lý rác thải KCN, khu đô thị Chân Mây và triển khai một số dự án giao thông quan trọng khác. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã cấp phép, đặc biệt là khu du lịch Laguna Huế; hạ tầng kỹ thuật KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; xây dựng cảng dầu 30.000DWT của Tổng công ty Dầu Việt Nam…
Những ngày đầu năm 2010, KKT mở Chu Lai đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) tổ chức Diễn đàn đầu tư tại thủ đô Seoul và thành phố cảng - công nghiệp Busan để mời gọi các nhà đầu tư đến với Chu Lai. “Năm 2010, Chu Lai sẽ phát triển theo mô hình KKT tổng hợp, lấy công nghiệp ôtô làm trung tâm, kết hợp với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, điện tử, công nghiệp có kỹ thuật cao, tập trung phát triển các ngành dịch vụ như du lịch, đô thị, vận tải hàng hóa và hành khách quốc tế, dịch vụ thương mại. Như vậy, lợi thế so sánh của KKTM Chu Lai sẽ được phát huy tối đa trong mối liên hệ vùng với đô thị dịch vụ Đà Nẵng và KKT Dung Quất”
HÀ MINH