Những giá trị ảo

Ba ngày trước, tiền đạo Lê Công Vinh tâm sự với báo chí rằng việc anh ở lại với Hà Nội T&T không phải vì tiền mà vì “tình yêu với bầu Hiển, với bóng đá thủ đô”. Đến khi anh bất ngờ thay đổi ý định để chuyển sang ký hợp đồng với đội bóng mới của bầu Kiên, anh cũng nói những điều tương tự. Đại loại là có môi trường tốt và cũng chẳng phải vì tiền! Rốt cục thì đâu là lời nói thật?

Và “tình yêu” nào là ảo?

Không ai tin Lê Công Vinh thay đổi ý định vì “tình yêu”. Các thông tin không chính thức đều khẳng định, ở đội bóng mới, Công Vinh sẽ nhận được khoản tiền lót tay gần gấp đôi so với ở lại Hà Nội T&T. Về mặt lý, là cầu thủ sắp hết hợp đồng, Công Vinh có quyền chọn lựa nơi đến. Nhưng giá như anh đừng đưa câu chuyện về “tình yêu” vào mối quan hệ thực dụng của kinh tế thị trường thì mọi thứ có lẽ là nhẹ nhàng hơn nhiều.

Có rất nhiều vấn đề liên quan đến chuyện này. Đầu tiên, chi phí lót tay gần gấp đôi nói trên dựa trên cái gì hay đơn giản chỉ vì khi quá cần người, các CLB có quyền phá giá.

Hơn hai tuần lễ qua, chính các ông bầu bóng đá, bao gồm cả bầu Kiên đã phê phán khá nặng nề chuyện mua bán cầu thủ vượt quá những giá trị thật. Trong khi chờ VFF có những phản hồi tích cực thì lại xảy ra sự kiện Công Vinh. Hợp đồng được cho là hơn 1 triệu USD này chắc chắn sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trên thị trường chuyển nhượng. Bên cạnh đó, cũng không thể lấy chuyện ở bóng đá châu Âu để nói về các hợp đồng tiền tỷ của Việt Nam. Bên Tây, một siêu sao có thể đem lại cho CLB thêm tiền bán vé, tiền bản quyền và những ràng buộc về thành tích thi đấu. Còn ở ta, chẳng có hợp đồng nào bao gồm những điều khoản đó cả. Như trường hợp Lê Công Vinh, mọi thứ chỉ kết thúc sau một buổi nói chuyện.

Kế tiếp, xung quanh vấn đề “tình yêu ảo” của Công Vinh, các giá trị “màu cờ sắc áo” trong bóng đá lại tan tành như bọt xà phòng. Đã từng có một “tượng đài” Phan Văn Tài Em rời Đồng Tâm Long An sang Navibank Sài Gòn với giá chuyển nhượng gấp đôi cũng bằng cách lý giải thực dụng về thị trường thì chuyện Lê Công Vinh phủi tay với Hà Nội T&T cũng là chuyện bình thường. Những cầu thủ nổi tiếng mà đã làm như vậy, chẳng khác nào khẳng định đấy là trào lưu không thể cưỡng lại. Và cứ như vậy, thì đúng như một ông bầu đã tỏ ra bất lực trong cuộc hội thảo tuần trước: “Cầu thủ cứ thích thì ra đi theo tiếng gọi đồng tiền như vậy thì còn ai muốn đào tạo trẻ, còn ai muốn đầu tư căn cơ cho CLB?”.

Nói đến bóng đá chuyên nghiệp là nói đến tiền. Nhưng với cách vận hành của đồng tiền hiện nay, bóng đá Việt Nam không thể gọi là chuyên nghiệp được khi các giá trị đều ảo cả. Một cầu thủ được đào tạo từ năm 17 tuổi đến năm 23 tuổi thì chỉ đội mua hoàn trả lại vài trăm triệu đồng. Rồi người ta cứ bán đi, bán lại với giá tiền tỷ chẳng theo một cơ sở tính toán nào có giá trị. Thế nên, cứ kết thúc thời gian đào tạo là cầu thủ đòi được ra đi hoặc cứ yêu sách đòi CLB trả tiền lót tay cao mới chịu ở lại mặc dù anh ta chưa đóng góp được gì nhiều. Sự bất hợp lý đó tồn tại suốt 10 năm qua nhưng chẳng thấy VFF điều chỉnh.

Dù mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng cũng không thể trách tại sao dư luận lại quy số tiền chuyển nhượng của cầu thủ ra thóc, ra bò để thấy được sự chênh lệch đến mức bất công trong thu nhập của cầu thủ và đa số người lao động ngoài xã hội.

Ai đã khiến bóng đá Việt Nam mang toàn những giá trị ảo như thế này?

TÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục