Mặc dù cải lương đang gặp lắm khó khăn, nhưng hiện nay vẫn không hiếm người trẻ say mê cải lương, chịu khó học ca diễn, dấn thân theo nghề và từng bước tạo được ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Đó là Nguyễn Ngọc Đợi (SN 1987, Bạc Liêu), Phạm Thị Huyền Trang (SN 1986, Bạc Liêu), Nguyễn Văn Đáng (SN 1982, Bắc Giang) và nhiều gương mặt đáng yêu khác.
- Nguyễn Ngọc Đợi - Cô Út mê cải lương
Sinh ra trong một gia đình ở Bạc Liêu có ba và mấy anh trai mê đờn ca tài tử nên từ nhỏ cô em út Ngọc Đợi đã sớm được tiếp cận với loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này. Đến năm 16 tuổi (năm 2004), chú Tám trong gia đình, cũng là một diễn viên của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu, giới thiệu vào đơn vị nghệ thuật này cộng tác, học tập, ca diễn và cũng từ đó gương mặt trẻ Ngọc Đợi bén duyên với cải lương. Sau 8 năm dấn thân theo sân khấu cải lương, Ngọc Đợi đã đoạt được các giải thưởng: Chuông
vàng của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2007; Huy chương vàng giải Triển vọng Trần Hữu Trang năm 2011 và tham gia nhiều vở tuồng trong chương trình Ngân mãi chuông vàng của Đài Truyền hình TPHCM. Trong Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 tại Đồng Nai từ ngày 20-10, Út Đợi cùng anh em nghệ sĩ Đoàn cải lương Cao Văn Lầu diễn vở “Tòa án lương tâm”.
- Nguyễn Văn Đáng - Trai quan họ hát cải lương
Sau hơn một tháng hành phương Nam phiêu lưu cùng cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”, cuối cùng những nỗ lực của Nguyễn Văn Đáng cũng đã được đáp đền với giải ba và giải khán giả yêu thích nhất trong đêm chung kết xếp hạng. Ngoài ra, anh còn lập “thành tích” là thí sinh đầu tiên của miền Bắc được lọt vào đến vòng chung kết xếp hạng của cuộc thi này.
Nguyễn Văn Đáng kể, hồi còn bé tí ở quê, anh luôn được cha chở đi xem hát cải lương ở khắp các nẻo đường. Xem riết rồi anh ghiền lúc nào không hay. Chính vì thế năm 2000, Nguyễn Văn Đáng đã quyết định thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội để được học hát cải lương, rồi ra trường công tác ở Nhà hát cải lương Việt Nam.
Nguyễn Văn Đáng thổ lộ: “Tôi mong muốn được thường xuyên vào TPHCM biểu diễn. Trước mắt, từ ngày 20-10, tôi vào Đồng Nai dự Liên hoan sân khấu cải lương và đi lưu diễn 1 tháng ở một số tỉnh thành phía Nam…”.
- Phạm Thị Huyền Trang: Tất cả chỉ mới bắt đầu
Nếu những ai từng theo dõi bán kết cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần 5-2010, chắc hẳn lần này sẽ dễ dàng nhận ra Phạm Thị Huyền Trang. Năm 2010 đi thi Chuông vàng vọng cổ, vào đến bán kết, Trang đã phải sớm dừng cuộc chơi bởi còn yếu trong ca diễn. Dường như thất bại này không làm cho cô gái quê công tử Bạc Liêu nản chí mà trái lại cô còn nỗ lực hơn.
Và khi cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2012 khởi động, Huyền Trang đã “tái xuất” với một nội lực ca diễn vững vàng hơn, nhuần nhuyễn hơn. Trong suốt những đêm thi của vòng chung kết của mùa giải năm nay, Huyền Trang thường xuyên là người có số điểm cao nhất. Đến khi đoạt được giải Chuông vàng và giải do Hội đồng báo chí bình chọn, niềm vui của Huyền Trang như vỡ òa.
Cô chia sẻ: “Với em, tất cả dường như chỉ mới bắt đầu. Em còn phải nỗ lực học hỏi nhiều hơn nữa để mình có thể vững hơn, gắn bó lâu dài hơn với nghề để có thể đáp lại sự tin tưởng của các cô chú, anh chị đi trước và cả khán giả dành cho mình”.
Đỗ Hạnh