Hơn 10 năm bị quy hoạch giải tỏa là hơn 10 năm hàng ngàn hộ dân không nhận được sự hỗ trợ cải thiện chất lượng hạ tầng, không được mua bán chuyển nhượng hoặc tối thiểu là sửa chữa nhà cũ. Và hơn hết, họ đang phải sống với đủ thứ nguồn thải ô nhiễm đã khiến họ bị kiệt quệ. Kiệt quệ về kinh tế do không thể phát triển kinh tế gia đình. Kiệt quệ về sức khỏe do phải đối mặt với các loại dịch bệnh phát sinh từ môi trường sống quá ô nhiễm.
Người trên, rác dưới
Lần theo số điện thoại kêu cứu 012261xxxx của một người dân quận 4, chúng tôi tìm đến khu phố 3 phường 5 quận 4. Thật khó để hình dung chỉ cách trung tâm quận 1 chừng 5 phút đi xe máy và cách khu đô thị sầm uất thuộc hạng sang đường Khánh Hội, quận 4 khoảng 2 phút đi bộ là một khu ổ chuột đúng nghĩa. Phía dưới và hai bên cây cầu được làm bằng tấm đan xi măng rộng chừng 1m dẫn vào khu dân cư là một lớp rác cực dày. Mùi xú uế từ những kênh rác xộc lên hôi thối nồng nặc.
Bà Đỗ Thị Hằng (53 tuổi), sống ở tổ 22, phường 5, quận 4 cho biết căn nhà gia đình bà đang ở đã được thông báo sẽ giải tỏa để mở rộng tuyến đường Hoàng Diệu từ năm 1999. Theo bảng giá đền bù vào thời điểm gia đình được thông báo năm 2005, mỗi mét vuông đất thời đó vào khoảng 3,5 triệu đồng đối với nhà sàn và 7,5 triệu đồng đối với nhà có đất nền. Với mức giá đó, nếu được bồi thường ngay vào thời điểm thông báo, người dân hoàn toàn có thể mua được một nơi ở mới khang trang hơn. Còn bây giờ cầm số tiền đền bù theo mức giá trên chỉ có nước khóc ròng, vì giá nhà đất đã tăng theo cấp số nhân.
Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Hằng, hơn 700 hộ gia đình khác đang sinh sống tại đây cũng phải ở trong tình cảnh đi không đặng, ở không xong. Anh Huỳnh Tấn Đạt cho biết gia đình anh hiện có hơn 10 nhân khẩu, hàng ngày phải sống trong căn nhà chật hẹp, lụp xụp, xung quanh rác rưởi bốc mùi hôi thối. Mùa mưa và thủy triều lên, rác tràn cả vào nhà. Gia đình anh muốn tìm chỗ mới để tính kế sinh nhai nhưng đợi mãi chẳng thấy tiền đền bù đâu.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, khu phố 3, cho biết thêm, đã gần 10 năm nay, khu dân cư này không hề được nạo vét rác kênh rạch nên rác mới ngập đầy như thế. “Bản thân nhà tôi bị ngập nước thường xuyên nên đã mục nát và sắp sập đến nơi rồi. Tôi ra chính quyền xin sửa chữa nhưng chính quyền bảo khi nào sập rồi hẵng ra báo. Tôi đành chịu thua” – chị Dung nói.
Thất nghiệp vì quy hoạch
Tiếp tục lần theo phản ánh của bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng, chúng tôi tìm đến tổ 69 và 89 thuộc khu phố 5, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM. Người dân tại đây cho biết, thâm niên “treo” của khu này (phường Tây Thạnh) đã gần 20 năm và dự án đã chuyển qua nhiều chủ đầu tư. Người dân sống thấp thỏm lo âu từng ngày, muốn xây sửa nhà, chia đất, tách thửa… cũng không được. Hệ quả dự án kéo dài khiến đời sống người dân khó khăn trăm bề. Nhà hư hỏng không dám sửa chữa và hơn nữa người dân không được sử dụng chính phần đất của họ…
Nhìn mái tóc điểm bạc, khuôn mặt hằn in dấu vết âu lo, khắc khoải của ông Lê Văn Cảnh (63 tuổi); ông Phạm Minh Vị (63 tuổi); bà Lê Thị Mì (57 tuổi); ông Trần Văn Chiến (54 tuổi)… khiến người tiếp chuyện không khỏi chạnh lòng. Ông Phạm Minh Vị thở dài cho biết: “Liệu chúng tôi có đủ sức chứng kiến ngày khu quy hoạch này hết treo hay không. Con cháu chúng tôi phải sống chen chúc trong ngôi nhà chật hẹp cùng cha mẹ là vạn bất đắc dĩ, nhưng thử hỏi còn cách nào hay hơn. Cuộc sống cứ tiếp diễn thế này thì chật vật, lay lắt lắm”.
Đồng cảnh ngộ trên, những người dân sống ở ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh bị dính quy hoạch dự án Công viên giải trí đa năng. Càng đi sâu vào trong ấp, con đường đất càng khó đi vì gập ghềnh và đầy ổ gà. Vừa hỏi thăm khu đất quy hoạch Công viên giải trí đa năng, ông Nguyễn Văn Nghĩa, ngụ ở ấp 1, nói với giọng bực dọc: “Hỏi đến dự án đó làm gì, vì nó người dân ở đây đang phải sống dở chết dở đây”.
Nhìn những bãi cỏ um tùm, đang dần che khuất những ngôi nhà lá của người dân, ông Nghĩa nói tiếp: “Ở đây nhà nào cũng có vài công đất nhưng hầu như chẳng làm được gì sau khi bị dự án treo đè suốt gần chục năm nay. Những cánh đồng lúa vàng ươm, hay vườn cây sai quả ngày xưa bây giờ chỉ còn những bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, thậm chí còn là nơi để chứa rác thải. Là nông dân, có đất nhưng mất quyền canh tác trên chính tài sản của mình, cô chú thấy có đau không! Đã thất nghiệp rồi lại còn phải sống chung với ô nhiễm nữa chứ”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, người dân ở đây hàng ngày đang phải đối mặt với mùi hôi thối bốc lên từ nước kênh đen. Đặc biệt, mỗi khi triều cường lên kéo theo nhiều rác, bao ni lông, vỏ dừa và cả xác động vật ở đầu nguồn các kênh Tàu Hủ, rạch Xóm Củi, rạch dưới chân cầu Nhị Thiên Đường đổ về. Khi thủy triều rút, đủ loại rác thải ở lại kênh Tập Đoàn 2, đọng thành từng mảng ở gầm nhà dân, khiến môi trường sống ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại đây, năm 2010, đã từng xảy ra trường hợp em Nguyễn Hồng San ở tổ 58, ấp 1A xã Bình Hưng bị té xuống kênh và uống phải nước kênh rồi bị thổ tả chết.
Sau đó, Sở Khoa học - Công nghệ đã có nghiên cứu về tình trạng nước kênh ô nhiễm. Kết quả cho thấy hầu hết kênh rạch trong khu dân cư đều ô nhiễm vi khuẩn, vi sinh rất nặng. Thậm chí, có những loại trứng của các loại giun, sán nếu mắc phải sẽ rất khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong. Từ thực tế đó, nhiều người dân đã không ít lần bức xúc và phản ánh đến các cơ quan chức năng, nhưng không hiểu sao mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ.
NHÓM PHÓNG VIÊN